ClockThứ Năm, 03/06/2021 14:00

Xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri

TTH - Đến thời điểm này, danh sách các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được công bố. Được cử tri cả nước bầu trong một “kỳ sát hạch” dân chủ, khách quan, các đại biểu chính là những lãnh đạo, những người hoạch định đường lối phát triển đất nước trong nhiệm kỳ mới đang được Nhân dân kỳ vọng về những cống hiến cho Nhân dân và đất nước.

Xứng đáng với kỳ vọng và tin tưởng của cử tri

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Người cán bộ của Đảng bổ nhiệm hay do Nhân dân bầu lên đều là những người giữ những trọng trách của Nhà nước, xã hội và phục vụ Nhân dân. Từ thời điểm này, mỗi đại biểu không chỉ là đại diện cho một thôn, một tổ dân phố mà là đại diện cho hàng vạn cử tri ở cơ sở, hàng chục triệu người dân cả nước, là đại diện công chúng.

Cử tri đọc kỹ tiểu sử để bầu chọn những đại biểu xứng đáng nhất. Ảnh: Q. Thiều

Người dân trông chờ vào các vị đại biểu với niềm tin gửi gắm qua từng phiếu bầu, đặt hy vọng vào những quyết sách, những biểu quyết đầy trách nhiệm của những người đại biểu. Từ đó, yêu cầu của người đại biểu cần phải có phẩm chất đạo đức chuẩn mực, có năng lực vượt trội để thực hiện quyền lực cao nhất từ địa phương đến Trung ương.

Bên cạnh tiêu chuẩn chung, người đại biểu cần hội đủ những phẩm chất nổi trội về đức, tài, dũng, liêm, “chí công, vô tư” để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ở giai đoạn nào cũng vậy, tài và đức là tiêu chuẩn không thể thiếu. Đảng và Nhân dân rất cần những cán bộ có đủ đức, đủ tài để gánh vác nhiệm vụ nặng nề đang chờ phía trước.

Đức của người đại biểu là đạo đức cách mạng, là thể hiện của phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; trung thành với Đảng và Nhân dân; sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp. Đạo đức là gốc để xác định người đại biểu vượt qua những cám dỗ, hy sinh quyền lợi cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Đạo đức tạo nên uy tín của người đại biểu, là cơ sở để giáo dục, thuyết phục, lãnh đạo Nhân dân và là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Tài năng thể hiện khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, vận dụng khéo léo tri thức mới vào hoạt động thực tiễn, nhất là lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí tuệ với hàm lượng cao nhất.

Những quyết sách lớn, những định hướng trong thời kỳ 4.0 rất cần năng lực tiếp cận khoa học hiện đại mới có thể tiếp thu, vận dụng cho phát triển đất nước. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”.

Trong giai đoạn mới, khi những biến đổi trong xã hội còn nhiều bất thường, tác động bởi nhiều yếu tố thì đức tính dũng- liêm lại càng cần hơn bao giờ hết.

Trong chiến tranh dũng cảm đối mặt với kẻ thù, nhưng hôm nay là “kẻ thù giấu mặt”, những cám dỗ thường xuyên, nếu không dũng cảm vượt qua thì khó trở thành người đại biểu chân chính.

Cần có dũng khí nói lên tiếng nói của dân, phản ánh được nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân, phản bác lại những luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước. Khi đã là đại biểu của dân cần thể hiện tinh thần “6 dám” mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đề ra: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.

Mặt khác, là người đại biểu gần dân phải giữ được phẩm chất liêm chính, không để cám dỗ, mua chuộc làm ảnh hưởng đến phẩm chất trong sáng của hàng ngũ đại biểu. Xác định khi đã đứng vào hàng ngũ những người được “dân cử”, thay mặt cho hàng triệu con người thì không thể làm tổn thương, ảnh hưởng uy tín của hàng ngũ đó.

Đại hội Đảng 13 vừa qua, ngoài những vấn đề về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh quốc phòng... thì một vấn đề hết sức quan trọng của Đảng là xây dựng phẩm chất người cán bộ trong công tác tổ chức và cán bộ.

Người đại biểu của dân dù ở cấp nào đều phải là người lãnh đạo, người hoạch định chính sách, có trách nhiệm cao nhất phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 đã có một số đại biểu, trong đó có người giữ chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật, bãi nhiệm, cách chức, bị khởi tố hình sự. Họ được người dân tín nhiệm bầu nhưng đã không làm tròn trách nhiệm với dân, làm mất thanh danh, uy tín của những người đại biểu chân chính; làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, bộ máy Nhà nước, để kẻ xấu lợi dụng công kích chế độ. Mất mát đó là vô cùng lớn.

Những đại biểu được bầu trong nhiệm kỳ mới xem đó như bài học cảnh báo, không làm mất kỳ vọng của người dân đã tín nhiệm.

Người dân cả nước đang trông chờ vào những đại biểu vừa được trúng cử trong nhiệm kỳ 2021-2026. Chắc chắn họ phải vươn lên hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin của cử tri.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Niềm tin và mong đợi của cử tri

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân thông báo về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ...

Niềm tin và mong đợi của cử tri
Cơ sở của niềm tin

Thời gian qua, dù có sự thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ sở của niềm tin
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao
Return to top