Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển. Ảnh: Trương Thế Cầu
1. Từ 5h sáng ngày 10/10/1954, Nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ hoa, ảnh Bác Hồ, kéo tới những con đường, cửa ô chờ đón đoàn quân giải phóng đi qua. 15h cùng ngày, hàng trăm nghìn người dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
65 năm trôi qua, Hà Nội có sức vươn mạnh mẽ, cùng đất nước vượt qua nhiều chặng đường cam go thử thách. Nhất là từ ngày 1/8/2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính lên gấp hơn 3 lần. Đây là nguồn nội lực để Thủ đô tiến mạnh, tiến vững chắc, đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nổi bật là tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 7,19%. 9 tháng năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,35% (cùng kỳ năm 2018 tăng 6,95%); dự kiến 5 năm 2016-2020 đạt mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đề ra. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài 3 năm (2016-2018) được 14,05 tỷ USD, gấp 2,25 lần tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giai đoạn 2011-2015 và 51,54% của giai đoạn 1986-2015. Đây là nguồn sức mạnh to lớn để Hà Nội đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có thu nhập bình quân đầu người đạt 5.050 USD. Việc quy hoạch, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Xứ Đoài. Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được quan tâm, từ đó hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường…
Thủ đô Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn, có môi trường bình yên được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Chỉ riêng 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã đón 21,55 triệu lượt khách du lịch. Đây là những chỉ dấu ấn tượng để Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018”. Hà Nội nằm trong nhóm 10 thành phố năng động nhất thế giới…
2. Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng là thời điểm thành phố Hà Nội đang cùng cả nước đứng trước những thời cơ phát triển thuận lợi, to lớn. Trong năm 2020, sẽ có hàng loạt sự kiện quan trọng như: 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ thành phố (1930-2020); 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVII; thi đua lập thành tích kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội... Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội, sức bật của Thủ đô 65 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt một số công việc.
Cụ thể là trên cơ sở phát huy tối đa nội lực và các nguồn lực sẵn có về đất đai, nhân lực chất lượng cao..., Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Trong quy hoạch và phát triển đô thị, trên cơ sở thực hiện đúng lộ trình tại Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị “Về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, thành phố sẽ có giải pháp đột phá huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, trước hết là hạ tầng kỹ thuật khung; hạ tầng giao thông, cấp - thoát nước; mạng lưới điện, hạ tầng thông tin - truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Thủ đô, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô và cả nước.
Xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Xứ Đoài. Thực hiện hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, “bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng được thụ hưởng đầy đủ thành quả từ sự phát triển chung của Thủ đô. Có chính sách ưu tiên đầu tư, đào tạo, trọng dụng nhân tài, gắn liền với việc phát triển kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kỷ niệm 65 năm giải phóng, toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng Nhân dân cả nước vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục lập những thành tích mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đỗ Quỳnh Chi