ClockThứ Tư, 06/03/2019 05:15

Đền bù, hỗ trợ ở suối Voi: Cần hài hòa lợi ích

TTH - Người dân cho rằng, giá đền bù, hỗ trợ tại suối Voi (thôn Thủy Dương, Lộc Tiến, Phú Lộc) thấp là mấu chốt khiến việc chi trả và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tại Khu du lịch suối Voi gặp khó khăn.

Đền bù, hỗ trợ người dân ở suối Voi: Đối thoại tìm phương án tối ưu“Mập mờ” khai thác cát ở suối VoiĐền bù, hỗ trợ ở suối Voi: Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ thêm cho người dân

Du khách đến tắm suối Voi đầu tháng 3/2019

Chưa tìm được tiếng nói chung

Như đã thông tin, dự án Khu du lịch suối Voi có quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế từ cuối năm 2016. Sau hơn 2 năm tiến hành kiểm kê, chi trả, mặt bằng cơ bản đã giao cho chủ đầu tư (37ha đất rừng), hiện chỉ còn 2ha ở khu vực trung tâm suối, nơi các hộ dân đang kinh doanh là chưa chi trả xong. Để kịp tiến độ dự án, vào ngày 18/2, chủ đầu tiến hành cắm bản đồ phân khu của khu du lịch tại cổng bán vé vào suối thì bị các hộ kinh doanh phản đối, không cho thực hiện.

Lý do mà người dân cản trở là chưa đồng ý ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ bởi số tiền đền bù, hỗ trợ được cho là thấp hơn so với những gì mà người dân đáng được nhận. Các hộ kinh doanh cho rằng, suối Voi có thương hiệu như ngày hôm nay là do chính họ xây dựng nên, từ những khó khăn ban đầu, lượng khách ít, mất 20 năm khó khăn mới có thành quả.

Ông Lê Văn Bảo, hộ kinh doanh cho rằng, theo thông báo, số tiền sẽ nhận là gần 250 triệu đồng mà thôi. Chỉ tính riêng tiền thuế, mỗi năm ông đóng là 39 triệu đồng, thì số tiền đền bù chưa bằng tiền thuế 10 năm ông phải đóng. Ngoài đền bù mặt bằng, vật chất như đã thông báo, chủ đầu tư cần hỗ trợ thêm cho người dân về việc ngừng kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng suối Voi, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết, khu vực các hộ đang kinh doanh không đủ điều kiện để đền bù. Sau khi huyện báo cáo với Hội đồng đền bù của tỉnh thì được thống nhất phương án hỗ trợ 80% so với giá đền bù.

Về yêu cầu của người dân là có thêm hỗ trợ về việc ngừng kinh doanh, ông Thanh cho biết, ngoài đền bù hỗ trợ trên, với các hộ kinh doanh có giấy phép, nộp thuế sẽ hỗ trợ thêm về việc ngừng sản xuất kinh doanh theo quy định, mức hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào mức thuế đóng của người dân. Chủ đầu tư cũng cam kết hỗ trợ thêm 20% số tiền đền bù, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thiên Lý, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoa Lư - Huế cho hay, công ty sẽ xây dựng một khu ẩm thực tại vị trí trung tâm, ở đó là tổ hợp các nhà hàng và sẽ dành một số vị trí để các hộ từng kinh doanh, buôn bán tại suối Voi tiếp tục kinh doanh với tính chất quy mô, chuyên nghiệp hơn. Các hộ chỉ phải trả phí, thuế bằng với số tiền như hiện tại chứ không cao hơn… Công ty cũng sẽ tuyển dụng con em các hộ kinh doanh vào làm việc lâu dài, với mức lương thấp nhất 5 triệu/tháng. Với phương án này, phía chủ đầu tư tin là doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, qua nắm tâm tư nguyện vọng của người dân, tất cả các hộ kinh doanh không muốn tiếp tục kinh doanh ở suối sau này. Đó là một phần lý do khiến người dân cho rằng mức giá đó còn thấp. “Quan điểm của lãnh đạo địa phương là không nghiêng về bên nào, nhưng đúng là giá đền bù, hỗ trợ như hiện nay đang khiến người dân chịu thiệt. Chỉ tính riêng thu nhập, mỗi mùa, những hộ kinh doanh chính có thu nhập vào khoảng 150 đến 200 triệu đồng”, ông Cẩm cho hay.

Du khách đến tắm suối Voi đầu tháng 3/2019

Cần hài hòa lợi ích

Một điều thuận lợi so với trước đây là khi dự án mới bắt đầu có chủ trương đầu tư thì không ít hộ kinh doanh không đồng ý. Hiện nay, tất cả đã đồng thuận để doanh nghiệp đầu tư, xây dựng suối Voi thành điểm du lịch cao cấp. Vướng mắc đây chỉ là giá đền bù, hỗ trợ sao cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Phú Lộc và các sở, ban, ngành liên quan về việc giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm tại Phú Lộc; trong đó, có Dự án Khu du lịch suối Voi. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, giải phóng mặt bằng cần nhanh, kịp tiến độ để giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là dù có giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo quyền lợi cho người dân. Giải phóng mặt bằng không phải là câu chuyện tức thì, nên các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án và người dân cần có cuộc đối thoại để đi đến tiếng nói chung.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định: “Sau khi giá đền bù hỗ trợ được phê duyệt, tôi sẽ trực tiếp về đối thoại với người dân. Mục tiêu là không để người dân chịu thiệt nhưng phải phù hợp để chủ đầu tư không “nản” nhằm triển khai dự án sớm”.

Theo kế hoạch, tháng 3/2019, chủ đầu tư chính thức khởi công dự án. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, Hội đồng giải phóng mặt bằng sẽ cố gắng trong tháng 3 này phải đền bù, hỗ trợ dứt điểm để thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Khu du lịch suối Voi là dự án lớn, hứa hẹn góp phần phát triển kinh tế Phú Lộc và tỉnh trong tương lai. Ngoài việc đền bù, hỗ trợ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động là rất quan trọng. Mỗi người dân kinh doanh ở suối Voi cũng cần nêu cao ý thức vì cộng đồng với tầm nhìn lâu dài để góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Trao quà hỗ trợ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 16/11, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trao quà hỗ trợ cho các giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trao quà hỗ trợ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn
Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên
Return to top