ClockChủ Nhật, 21/04/2019 14:32

Du lịch cộng đồng, nghĩ từ những điều tận thấy ở Thủy Thanh

TTH - Thủy Thanh (Hương Thủy) nói chung, Thanh Toàn nói riêng đang được kỳ vọng sẽ “trở mình” từ du lịch cộng đồng khi biến những sinh hoạt đời thường, những hoạt động của vùng quê thành những dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách.

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hóa vùng miềnThêm sản phẩm & nâng chất lượng để hấp dẫn kháchBồi dưỡng nghiệp vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho gần 100 người

Trải nghiệm chèo ghe trên sông

Nhìn sang tỉnh bạn

Bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn, nói đến Thủy Thanh là nói đến đặc trưng của sản xuất lúa nước, chợ quê, các trò chơi dân gian, hoạt động sinh hoạt và các nghề truyền thống. Thực tế, các giá trị văn hóa này đã được khai thác để phục vụ khách du lịch và các địa phương lân cận, nhất là trong các kỳ festival. Thế nhưng, ở góc độ khai thác những dịch vụ nói trên để “lấy tiền” du khách thì chưa hiệu quả, đồng nghĩa, người dân nơi đây vẫn chưa thể “sống khỏe” từ du lịch cộng đồng.

Không đâu xa, một rừng dừa nước chạy hai bên con sông nhỏ ở xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành điểm đến nổi tiếng với tên gọi “Rừng dừa Bảy Mẫu”, ngày thấp điểm cũng 30-40 khách, ngày cao điểm, những người làm du lịch cộng đồng nơi đây đón tiếp từ 150-200 khách.

Ghi lại những khoảnh khắc yên bình

Theo hướng dẫn viên, đây là rừng dừa nước lớn nhất Quảng Nam. Khi đến tham quan, trong khoảng 45-60 phút, khách sẽ di chuyển bằng thuyền thúng (mỗi thúng chở 3 người) để ngắm cảnh vườn dừa 2 bên sông, được tặng một vài con thú, nhẫn, vòng đeo tay tết bằng lá dừa, nếm qua quả dừa nước, miếng bánh quy dừa, xem người dân biểu diễn kỹ năng điều khiển thuyền thúng và… hết.

Những người tham gia làm du lịch cộng đồng nơi đây cho biết, họ có thể lấy lại vốn đóng thuyền thúng (tầm 8 triệu đồng/thuyền) sau 3 tháng từ tiền lương theo kiểu chấm công, không tính mỗi người có thể nhận tiền tip từ 500 ngàn đồng-1 triệu đồng sau một ngày phục vụ du khách.

Dù không cố ý so sánh, nhưng rõ ràng những sản phẩm du lịch của Thủy Thanh nói chung, Thanh Toàn nói riêng phong phú hơn hẳn. Có thể với đặc thù riêng nên Thanh Toàn không có thuyền thúng, không có những sản phẩm từ quả dừa, từ lá dừa nước, nhưng bù lại, sau khi tham quan nhà trưng bày nông cụ, nghỉ chân trên chiếc cầu ngói cổ duy nhất của Huế, du khách có thể vào vai nông dân để tham gia trồng, thu hoạch rau sạch; gói bánh tét, bánh chưng; thong thả ngồi trên ghe ngắm khung cảnh, nhịp sống yên bình, hiền hòa trên dòng Như Ý, rồi tiếp đến là bắt ốc, quăng chài, giăng lưới đánh bắt cá, tôm… và thưởng thức những sản vật này ngay sau đó.

Trải nghiệm hấp dẫn, phong phú là vậy, nhưng tại sao những người làm du lịch cộng đồng ở Thủy Thanh, ở Thanh Toàn chưa thể “sống khỏe” như bạn bè ở “Rừng dừa Bảy Mẫu” xã Cẩm Thanh?

Niềm vui của du khách nước ngoài khi tham gia trải nghiệm trên sông Như Ý

Gắn kết giữa quyền lợi & trách nhiệm

Một sáng cuối tháng 3, có mặt ở cầu ngói Thanh Toàn, chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, tôi đã thấy gần 100 du khách, chủ yếu là khách nước ngoài theo tour về tham quan địa điểm này. Tiếc là, hầu hết đều ghé qua nhà trưng bày nông cụ, dừng chân nghỉ ngơi, chụp ảnh cầu ngói và… ra về trong thời gian chừng 30 phút.

Khách đông là vậy, nhưng bên dưới bến sông, anh Phùng Hữu Cư, một nông dân Thanh Toàn nói: “Khách hầu như ngày mô cũng như rứa mà chịu”. Ngồi kế bên, anh Nguyễn Quang Định chia sẻ: “Họa hoằn lắm mới có một vài khách về đây trải nghiệm đi thuyền dọc sông, trồng rau, thu hoạch cá tôm… nên thu nhập của bà con gần như không đáng kể nên cũng không ít người đã chuyển nghề”.

Anh Cư và anh Định là những người tâm huyết với du lịch cộng đồng. Với họ, ngoài thu nhập, chuyện quảng bá những đặc trưng của mảnh đất Thủy Thanh, Thanh Toàn đến với bạn bè trong nước, quốc tế đang là mong ước, bởi nó gắn với niềm tự hào từ mảnh đất họ đã và đang gắn bó.

Câu chuyện của anh Cư, anh Định cũng là tâm sự chung của người dân nơi đây. Lại nghĩ về rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An chợt thấy băn khoăn: là sản phẩm có vấn đề, là thái độ “bán” sản phẩm có vấn đề, hay giữa người làm du lịch cộng đồng và các công ty lữ hành có vấn đề?

Khách quan nhìn nhận, người dân nơi đây luôn thân thiện, cởi mở và chiều lòng du khách. Tuy nhiên, về ẩm thực, nếu như khách Việt và một số khách châu Á có thể thưởng thức những đặc sản bản địa như: cá trê đồng nướng ăn kèm dưa môn, mắm cá thia…, thì khách Âu liệu được mấy người?

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh chia sẻ, chính quyền xã cũng nhìn nhận ra vấn đề này nên đã có thực đơn riêng cho khách Âu, kèm theo đó là món tráng miệng bằng bánh gạo, chè nếp cẩm do chính tay khách xay, nấu. Đó cũng là một cách giải quyết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quảng bá ẩm thực, vô hình chung phần lớn những sản vật của Thủy Thanh lại “mất tích” trên bàn ăn của khách.

Trồng, chăm sóc, thu hoạch rau sạch cũng là một trong những trải nghiệm của du lịch cộng đồng Thủy Thanh. Vậy, tại sao không nghiên cứu nên trồng thêm những loại rau, củ, quả, như xà lách, cà chua…, sau khi thu hoạch, ít nhất, món salad từ những sản phẩm khách thu hoạch được sẽ hiện diện trên bàn ăn không chỉ của khách Âu.

Khi đến Huế, không tính khách Việt, khách nước ngoài từ Á đến Âu hầu như ai cũng muốn thử bánh bèo, nậm, lọc hay bánh khoái – những thứ bánh không quá mất thời gian để làm, lại “nhẹ nhàng”, ăn hết dĩa này vẫn còn bụng ăn dĩa khác, loại khác. Như vậy, hoặc là song song, hoặc là nên thay thế trải nghiệm bánh chưng, bánh tét tốn nhiều thời gian hơn, có phần “nặng bụng” hơn bằng những thứ bánh kể trên.

Với khoảng 10 nhà vườn đủ tiêu chuẩn quanh khu vực, chính quyền xã Thủy Thanh và thị xã Hương Thủy có thể vận động hoặc hỗ trợ, cho vay để người dân xây dựng homestay. Khi có nghỉ qua đêm, có thể giới thiệu những trải nghiệm vào buổi tối, như: Cùng người dân đi rớ cá, tôm; hòa mình vào phiên chợ đêm Thanh Toàn, đề án đang được TX. Hương Thủy và xã Thủy Thanh ấp ủ triển khai.

Chính quyền xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy nên chủ động hơn trong tham mưu với tỉnh, cũng như bàn bạc với các sở, ngành liên quan - nhất là Sở Du lịch làm thế nào tạo nên sự liên kết vững chắc giữa những người làm du lịch cộng đồng Thủy Thanh và các công ty lữ hành thông qua hình thức gắn kết giữa quyền lợi - trách nhiệm để đưa khách về Thủy Thanh...

Bài, ảnh: VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Return to top