ClockThứ Sáu, 06/03/2020 08:25

Hướng dẫn viên cần chia sẻ khó khăn với ngành du lịch

TTH - Những ngày qua, trên các diễn đàn hướng dẫn viên (HDV) du lịch khu vực miền Trung và Huế, một số HDV cho rằng, dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của họ. Vì thế, họ đòi hỏi Nhà nước có chính sách hỗ trợ như một số nước trong khu vực.

Bát nháo hướng dẫn viên tự doQuy định mới sẽ kiểm soát hướng dẫn viên hoạt động trái phép

Vai trò hướng dẫn viên góp phần cùng ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn (Ảnh minh họa)

So sánh khập khiễng

Dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho tất cả ngành nghề, lĩnh vực và du lịch không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó. Trong du lịch, để vận hành tốt cần có chuỗi cung ứng từ lữ hành, khách sạn, vận chuyển, ăn uống, điểm tham quan… và đội ngũ HDV.

Trước những khó khăn, số lượng tour giảm, nhất là ở một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc không có tour phục vụ, một số HDV có ý kiến cần có những hỗ trợ từ phía Nhà nước và hội nghề nghiệp, cụ thể là Hội HDV. Mong muốn này có thể thông cảm khi nhiều HDV đang trong tình trạng thất nghiệp, chưa biết khi nào dịch bệnh được khống chế và khách quay trở lại.

Nếu câu chuyện chỉ dừng ở mức thắc mắc và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng trong các hội ngành nghề là điều bình thường và đó cũng là chuyện đáng khích lệ trong xã hội ngày nay. Song, sự việc đã bị một số HDV “đẩy” đi quá xa và những chia sẻ, bình luận trên các diễn đàn đã làm ảnh hưởng, sai lệch phần nào chính sách pháp luật của Nhà nước. Một số ý kiến thể hiện chủ nghĩa cá nhân, trong bối cảnh cả nước đang phải “gồng” mình phòng chống dịch bệnh.

HDV tên N.T đã lấy chính sách hỗ trợ 3 tháng thu nhập cho các lao động trong ngành du lịch nói chung và các HDV nói riêng ở Singapore để so sánh. Không dừng ở đó, HDV này còn có nhiều chia sẻ, so sánh gây bất bình cho người khác.

Điều đó đã gây những phản ứng gay gắt từ các HDV khác. Nhiều HDV khẳng định, nếu lấy một chính sách hỗ trợ ở đất nước nào đó để so sánh là khập khiễng. Những HDV phản ứng, đòi hỗ trợ thì tự hỏi mình đã đóng bao nhiêu tiền thuế cho Nhà nước, góp bao nhiêu công sức để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh hay chỉ chú trọng vào thu nhập của mình bao nhiêu-một HDV bày tỏ.

Khi chưa có quy định mới (Luật Du lịch 2017), ngoài HDV của các công ty, các HDV muốn hoạt động phải là thành viên của hội nghề nghiệp, thì có đến 90% HDV hoạt động theo hình thức tự do, phục vụ theo từng tour và hưởng thù lao theo từng chuyến. Con số được chỉ ra nữa là gần như 100% HDV tự do không, hoặc chỉ một phần ít là có đóng thuế cho Nhà nước, trong khi đó, thu nhập trung bình của các HDV trên dưới 15 triệu đồng/tháng. Trong cả nước, người lao động có thu nhập từ 9 triệu đồng trở lên đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, góp công sức xây dựng đất nước. Vậy phải tự đặt câu hỏi cho các HDV trên, trách nhiệm của họ đã thực hiện được bao nhiêu mà đòi quyền lợi.

Nói về chính sách an sinh xã hội ở đất nước bạn, đại diện Hội Lữ hành tỉnh thông tin, sau mỗi tour, các HDV đều có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, ngay cả HDV “tự do”. Trách nhiệm đóng thuế của đội ngũ HDV rất lớn, do đó, khi các HDV gặp sự cố được hỗ trợ là điều dễ hiểu.

Trách nhiệm với ngành du lịch

Không dừng ở đó, một số HDV còn lên diễn đàn cho rằng, việc nộp tiền để vào các hội ngành nghề chỉ để “yên thân”, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ đi tour.

Nhân chuyện này, xin trở lại câu chuyện cách đây 2 năm khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực. Để đưa hoạt động HDV đi vào khuôn khổ, có quản lý, một quy định quan trọng là HDV phải đáp ứng 1 trong 3 yêu cầu: có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Trong khi 2 yêu cầu về hợp đồng với doanh nghiệp rất ít HDV đáp ứng, phương án chọn vào các hội ngành nghề là khả dĩ.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch từng khẳng định, một HDV làm việc tự do, không có sự ràng buộc nào thì có một dấu hỏi rất lớn về chất lượng của HDV đó. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn không chỉ là để có thẻ hành nghề đúng quy định mà tạo ra một cộng đồng HDV chất lượng, tiến đến hình thành đội ngũ những “đại sứ” du lịch Việt Nam chất lượng.

Theo Hội HDV du lịch Huế, những HDV lên diễn đàn để chia sẻ, bình luận các ý kiến trên chủ yếu là người ngoài hội và những cá nhân này đã nhiều lần lợi dụng những sự cố, kẽ hở của pháp luật rồi dùng mạng xã hội kích động, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Huế nói riêng và khu vực nói chung.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội HDV du lịch Huế chia sẻ, dịch bệnh xảy ra gây khó khăn chung của cả nước chứ không riêng ai. Những ngày qua, hội có nhận được những ý kiến về sự hỗ trợ của các thành viên và đã được giải đáp cụ thể. Hội cũng tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao kiến thức nghề trong giai đoạn rảnh rỗi vì dịch bệnh để HDV có kiến thức vững hơn khi du lịch ổn định trở lại. Các thành viên trong hội khi phản ánh, chia sẻ ý kiến, cần thông qua kênh chính thống của hội, không dùng các diễn đàn trên mạng xã hội để gây hoang mang cho cộng đồng HDV.

Trở lại với các HDV chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, thiết nghĩ thay vì chỉ trích, than thở, đòi hỏi quyền lợi không chính đáng, tại sao các HDV không suy nghĩ, hiến kế về các giải pháp để thu hút khách, góp một phần nhỏ công sức để giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn.

Các cơ quan chức năng cũng cần có kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp cá biệt. Không thể để những cá nhân thiếu trách nghiệm làm ảnh hưởng đến ngành du lịch và xã hội.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

TIN MỚI

Return to top