ClockThứ Tư, 28/09/2022 07:45

Hướng đi mới cho du lịch

TTH - Sau sáp nhập 6 xã, phường vào TP. Huế, Hương Trà không còn nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, thị xã đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.

Các doanh nghiệp du lịch khảo sát tour du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Bình Điền

Phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng

Hương Trà là thị xã tiếp giáp với TP. Huế. Đây là địa phương có sự đa dạng và phong phú về địa hình và cảnh quan thiên nhiên, với các khu vực cảnh quan ven sông Hương và sông Bồ, các công trình hồ thủy điện, hồ chứa nước, chốn núi non trùng điệp, hùng vĩ, nhiều khe suối đẹp… có tiềm năng, ưu thế để phát triển du lịch và rất lý tưởng cho những hoạt động tham quan, dã ngoại, du lịch sinh thái.

Thị xã đang định hướng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm tại khe suối, thác với mô hình quản lý cộng đồng và kêu gọi các nhà đầu tư tại các điểm tham quan, như: Khe Đầy (xã Bình Thành), Khe Lạnh, Khe Sâu, Khe Hung, Suối Máu (xã Bình Tiến), các lòng hồ thủy điện trên địa bàn… Ở khu vực đồng bằng có tour du lịch cộng đồng ở Quê Chữ, Hương Chữ đã hình thành đưa vào khai thác tour tuyến cho khách nước ngoài (với mô hình ở homestay, du khách đạp xe trong làng, thăm và trải nghiệm trồng rau cùng nông dân, làm bánh nậm lọc, thăm đình, chùa, chợ và phục vụ ẩm thực địa phương, ngâm chân trị liệu…).

Khu dịch vụ du lịch sinh thái khe Đầy đã được UBND TX. Hương Trà phê duyệt quy hoạch chi tiết trên diện tích 30ha, trong đó, 7ha giao cho cộng đồng khai thác, quản lý. Sau thời gian hoạt động, khu du lịch (KDL) sinh thái Khe Đầy đã thu hút lượng khách khá lớn đến vui chơi nghỉ dưỡng, bình quân 700-800 lượt khách/ngày vào dịp hè. KDL đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương và có tác động đến ý thức bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan, nếu được đầu tư đúng, tổ chức hiệu quả sẽ là điều kiện tác động đến phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch UBND xã Bình Thành Nguyễn Chí Thịnh mong muốn có các nhà đầu tư vào đây đầu tư để phát triển KDL sinh thái xứng tầm, thu hút thêm nhiều du khách, tạo nguồn thu cho địa phương.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX. Hương Trà Nguyễn Văn Duật cho biết, tại khu dịch vụ du lịch sinh thái Khe Đầy, thị xã đã làm đường giao thông, bãi đỗ xe, sắp tới sẽ đầu tư hạ tầng điện, nước, viễn thông và kêu gọi doanh nghiệp “rót vốn” cho KDL với quy mô dự kiến trên 180 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp du lịch khảo sát tour du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Bình Điền

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Thời gian qua, với sự quan tâm của tỉnh cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, Hương Trà đang dần vươn lên trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp tên tuổi.

Giai đoạn 2021-2025, thị xã tập trung phát triển dịch vụ - du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, du lịch mang tính đặc trưng, có sức cạnh tranh cao; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác du lịch giữa thị xã với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

“Thị xã đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm ở Hương Chữ, hình thành “tam giác” các điểm tham quan ở Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn, gồm: thăm vườn ổi VietGAP, Cồn Nổi, các di tích lịch sử: tháp đôi Liễu Cốc, nhà thờ Danh nhân Đặng Huy Trứ, di tích cấp Quốc gia đình làng Văn Xá. Ngoài ra, UBND TX. Hương Trà cũng phối hợp với Sở Du lịch, các doanh nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng đi tìm hiểu, khảo sát, trải nghiệm để đánh giá chất lượng, quay clip quảng bá các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn”, ông Duật cho biết.

Cùng với những chiến lược phát triển sản phẩm du lịch theo thế mạnh địa phương, vừa qua thị xã đã phối hợp Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức các buổi tập huấn, bổ sung kiến thức về du lịch cũng như kỹ năng giao tiếp, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong chế biến và sắp đặt, bày trí món ăn phục vụ tại điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, homestay; kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn phục vụ khách du lịch nhằm hoàn thiện sản phẩm và nâng cao chất lượng điểm đến du lịch tại thị xã cho các học viên là người dân địa phương, những người làm du lịch cộng đồng với nhiều thế hệ.

Bà Hoàng Oanh, học viên của lớp học hồ hởi: “Chúng tôi cùng nhau trao đổi, thảo luận và thực hành các kỹ năng cần thiết để có thể phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp tại các điểm du lịch trên địa bàn phường Hương Chữ. Đối với du lịch Hương Trà, đây có thể là cơ hội để thu hút, hấp dẫn khách du lịch với những sản phẩm du lịch cộng đồng, bà con trực tiếp đón tiếp và phục vụ khách tại các điểm đến”.

Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX. Hương Trà, để phát triển du lịch xứng tầm, địa phương cần “vượt” nhiều hạn chế. Trước mắt, “Hương Trà đang đẩy nhanh công tác quy hoạch của thị xã và các xã, phường, trong đó có quy hoạch dịch vụ - du lịch. Sau khi hoàn thiện quy hoạch việc kêu gọi đầu tư phát triển sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch. Phối hợp Sở Du lịch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay và kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp”, ông Duật nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

TIN MỚI

Return to top