ClockThứ Sáu, 20/03/2020 06:30

Không tổ chức tour vì an toàn của cộng đồng & du khách

TTH - Sau khi các điểm tham quan, như di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh tạm thời không đón khách để phòng chống COVID-19, các doanh nghiệp đề xuất, Huế cần chọn ra một số điểm đến riêng, đảm bảo các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh để du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chủ động kiểm soát thông tin hành khách đến HuếKiểm soát số lượng, hành trình của khách du lịch đến HuếTrường hợp thứ 54 mắc bệnh COVID-19 là khách du lịch quốc tịch Latvia

Du khách cần chia sẻ khó khăn với tỉnh. Ảnh: AQ

Đề xuất có điểm đến riêng

Việc tạm thời không nhập cảnh du khách vào Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 18/3; trước đó, du khách một số nước cũng không được nhập cảnh vào Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19. Dù thế, qua ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, số khách nhập cảnh trước và còn lại ở Huế khoảng 1.500 người.

Vấn đề đang được đặt ra là, hiện các điểm tham quan ở Huế tạm thời đóng cửa, du khách đang ở Huế không biết đi tham quan ở đâu. Việc tạm thời không đón khách ở các điểm tham quan là điều bắt buộc bởi mối nguy hiểm rất cao từ dịch bệnh. Tuy nhiên, do không có điểm tham quan lại xảy ra một tình trạng khác là du khách đi tự do nhiều, việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nếu không xử lý hợp lý dễ tạo ra cảm giác “bỏ rơi” du khách.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, du khách đến Huế trong thời điểm này làm gì, làm thế nào để quản lý họ mà lại không để lại sự phản cảm, không gây ra cảm nhận không tốt hình ảnh của Huế là điều được cần nhắc kỹ lưỡng.

“Ngoài việc các đơn vị lữ hành sẽ có những thông tin trước với khách về việc các điểm tham quan không đón khách và lựa chọn một số điểm đến riêng đảm bảo các tiêu chí an toàn, ít ảnh hưởng đến cộng đồng để phục vụ khách là điều mà Huế có thể triển khai trong tình thế này. Những tour này phải đến các nơi xa thành phố, gắn với thiên nhiên, ít dân cư và được kiểm soát tốt, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhất về phòng chống dịch bệnh”, ông Đinh Mạnh Thắng đề xuất.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, với những khách đoàn đã được lấy thông tin, lịch trình di chuyển, hoặc một số ít khách không đến từ vùng dịch cũng cần có một vài điểm nào đó để doanh nghiệp đưa khách đến. Tại công ty hiện còn 48 khách lưu trú ở Huế. Để phục vụ khách, công ty đã đưa khách đi tham quan làng An Bằng (Phú Vang), tham gia tour coocking (nấu ăn) và trồng rau ở phường Kim Long (TP. Huế); đưa một số ít khách về Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và Vedana Lagoon (Phú Lộc) để tắm biển; một số đi tham quan làng cổ Phước Tích (Phong Điền), dù đây đã đóng cửa...

Hội Lữ hành tỉnh thông tin, nếu được sự đồng thuận của lãnh đạo ngành du lịch, hội sẽ lên kế hoạch để triển khai một số tour, với sự đồng hành của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ từ điều hành, vận chuyển, hướng dẫn viên và điểm đến, trên yêu cầu đáp ứng đầy đủ về công tác phòng chống dịch bệnh cao nhất. Hiện, Alba Thanh Tân (Phong Điền), khu du lịch thác Mơ (Nam Đông) sẵn sàng phối hợp; các điểm Rú Chá (Hương Trà) và đồi Vọng Cảnh (TP. Huế) cũng là nơi phù hợp cho việc tham quan mà vẫn kiểm soát dịch bệnh.

Ngành du lịch phối hợp với các cơ quan quản lý khách tự do đến Huế

Doanh nghiệp và du khách cần chia sẻ

Trước đề xuất này, lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, việc chọn một số điểm tham quan không khó, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam lại nhận liên tiếp các ca mắc COVID-19 là du khách đến du lịch. Do đó, không thể chủ quan và giai đoạn này cần tập trung để chống dịch.

Ngành du lịch yêu cầu với các doanh nghiệp lữ hành thông báo trước với du khách, để khi đến Huế khách không bị bỡ ngỡ vì đây là trường hợp bất khả kháng. Khi đến Huế, khách được khuyến cáo ở tại cơ sở lưu trú, hạn chế ra ngoài. Khuyến khích các cơ sở lưu trú chủ động đặt vấn đề với khách và có thể tăng thêm một số dịch vụ tại khách sạn như dạy nấu ăn cho khách.

Cũng theo lãnh đạo ngành du lịch, khi đã mở một số điểm sẽ không loại trừ khách lẻ, khách tự do đến tham quan, trải nghiệm. Riêng với khách tự do, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát tốt, hạn chế tụ tập đông người. Do đó, các doanh nghiệp cần đồng hành, chia sẻ khó khăn với ngành, với tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, đối với khách tự do, đi đôi với các giải pháp mà cơ quan quản lý triển khai, các doanh nghiệp, hướng dẫn, lái xe cần tuyên truyền cho du khách mang khẩu trang khi di chuyển, tham quan. Hiện nay, ở Huế có nhiều khách tự do, ngành du lịch đã đề nghị TP. Huế, các địa phương sử dụng đội quản lý đô thị, thường xuyên nhắc nhở khách đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Bởi tâm lý chung hiện nay của người dân là ngại tiếp xúc với khách nước ngoài.

Trong cuộc họp để bàn giải pháp phục vụ khách trong giai đoạn này, lãnh đạo UBND tỉnh đã chia sẻ, hình ảnh du lịch Huế không chỉ các ở các điểm tham quan, khám phá, mà còn ở việc áp dụng các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, có hiệu quả; tuyên truyền về phòng chống dịch tốt hơn để du khách thấy, trong hoàn cảnh này, Huế nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đảm bảo an toàn cho khách. Ngoài ra, khách sạn phục vụ chu đáo hơn cũng tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc

Ngày 20/12, Công an TP. Huế cho biết, trong đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã liên tục phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc.

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Return to top