ClockThứ Tư, 30/06/2021 14:51

Kích cầu cho du lịch thượng nguồn Ô Lâu

TTH - Từ tự phát, điểm sinh thái thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) tại bản Khe Trăn (Phong Mỹ) đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch sinh thái cộng đồng đầu tiên của huyện Phong Điền.

Khai trương điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu và xoá nhà tạm cho 13 hộĐồng bào dân tộc làm du lịch

Người dân tranh thủ thời gian đóng cửa điểm du lịch Hầm Heo để phòng chống dịch COVID-19 sửa sang lại chòi, sạp

Hữu xạ tự nhiên hương…

Chúng tôi về điểm du lịch Hầm Heo vào những ngày trung tuần tháng 6/2021 khi nơi đây vừa khai trương, đưa vào hoạt động một tháng trước đó. Sau 1 thời gian đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, suối Hầm Heo mở cửa trở lại đón khách.

Anh Nguyễn Anh Hiểu, chủ chòi ở suối Hầm Heo, người đầu tiên “khai canh” du lịch ở bản Khe Trăn cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ sống dựa vào 1ha rừng keo và đi cạo mủ cao su thuê, thu nhập không ổn định. Quá trình đi làm, anh nhận thấy, người dân trong xã và các nơi khác đến suối Hầm Heo tắm đông nên nảy sinh ý định mở sạp cho người tắm thuê và phục vụ dịch vụ ăn uống. Theo đó, anh đầu tư 20 triệu đồng, dựng 2 chòi ở suối Hầm Heo để phục vụ khách. Từ 2 sạp ban đầu, anh Hiểu đã phát triển lên 10 sạp. Món ăn phục vụ khách là những sản phẩm của rừng núi, như: ốc suối, bắp chuối rừng, đọt mây, môn thục, môn bóp, gà thả đồi và các loại cá suối… Doanh thu thời điểm mùa hè của anh thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng/ngày, tạo việc làm cho 5 đến 7 lao động địa phương.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, hộ dân “khai canh” du lịch suối Hầm Heo cùng bộc bạch: Điểm du lịch suối Hầm Heo được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh núi rừng hoang sơ, hồ rộng, có nguồn nước từ khe Mối, khe Lấu chảy ra đều và rất mát, thích hợp với tắm mát, nghỉ dưỡng vào mùa hè nên thu hút một lượng lớn khách, bình quân 500 đến 700 khách/ngày, có ngày hơn 1.000 lượt khách. Vì vậy, từ 2 hộ với 4 chòi ban đầu đã tăng lên 20 hộ với hơn 80 chòi, sạp…

Theo ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng bản Khe Trăn, Tổ trưởng Tổ hợp tác điểm du lịch suối Hầm Heo, dù là tự phát, nhưng các hộ dân đều ý thức trong bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống đuối nước… Đến nay, điểm du lịch suối Hầm Heo có 20 hộ đăng ký tham gia phát triển du lịch, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại bản Khe Trăn có thu nhập ổn định.

Đến việc kích cầu du lịch

Từ năm 2018 đến nay, xã Phong Mỹ tập trung kêu gọi và tổ chức thực hiện các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn như A Đon, Khe Me và thượng nguồn Ô Lâu. Lượng khách đến các điểm du lịch sinh thái vào mùa hè ngày càng đông. Từ đó, đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động trên địa bàn xã, đặc biệt là các hộ đồng bào ở hai bản Hạ Long và Khe Trăn.

Năm 2020, UBND huyện Phong Điền đầu tư giai đoạn 1 xây dựng các hạng mục, như: nhà đón khách, bãi giữ xe, các điểm tránh xe, nhà bếp, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước và đường xuống suối tại điểm du lịch sinh thái vùng thượng nguồn sông Ô Lâu với kinh phí gần 3 tỷ đồng. UBND xã Phong Mỹ đã quy hoạch lại khu du lịch Hầm Heo, đồng thời, tổ chức họp các hộ kinh doanh để phân lô xây dựng quán, sạp dọc suối theo quy hoạch. UBND xã Phong Mỹ đã phối hợp với Phòng VHTT huyện, Phòng Y tế huyện và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn các kỹ năng, các quy định về hoạt động du lịch cho tất cả các hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, đến nay, UBND xã đã thành lập tổ hợp tác để tổ chức hoạt động, quản lý, điều hành tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng suối Hầm Heo theo điều lệ và quy chế, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Tổ hợp tác có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước... Bên cạnh đó, xã tổ chức phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương như trồng nếp than, nuôi gà thảo dược, ủ rượu cần và nuôi ong lấy mật… để phục vụ du lịch. Ngoài ra, xây dựng điểm trưng bày các sản phẩm truyền thống địa phương, như tương măng, các đặc sản món ăn của bà con đồng bào dân tộc tại các điểm du lịch…

“Hiện nay, UBND xã đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 cho điểm du lịch sinh thái cộng đồng suối Hầm Heo với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 3 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và huy động hợp pháp khác hơn 1 tỷ đồng). Theo đó, đầu tư hệ thống điện, nước; nâng cấp, mở rộng 1,2km đường nối từ Tỉnh lộ 9 đến điểm du lịch suối Hầm Heo lên 7,5m, 2 bên trồng hoa và cây bản địa; xây dựng các tuyến đường nội bộ, đường thoát hiểm, kè chống sạt lở, các điểm check-in như; cầu vồng, hình trái tim, bánh xe đạp nước… Hướng đến đưa điểm du lịch sinh thái Hầm Heo kết nối các điểm du lịch suối như A Đon, Khe Me... và các điểm di tích lịch sử chiến khu xưa, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Phong Mỹ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân”. Ông Chung khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Return to top