ClockThứ Hai, 26/04/2021 14:00

Phát triển du lịch nông nghiệp: Chưa bài bản, thiếu liên kết - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu

TTH - Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tìm kiếm cơ hội đầu tư FarmstayDu lịch nội địa ở Đông Nam Á: Cơ hội và Con đườngPhát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

Lịch sử của vùng đất Cố đô gắn chặt với nền văn minh lúa nước và khoảng 70% dân số sống ở các vùng nông thôn thì cái “bắt tay” giữa du lịch và nông nghiệp sẽ mang tác động tương hỗ lẫn nhau.

Phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở tỉnh ta vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Mô hình du lịch trải nghiệm làm nông ở Thanh Toàn thu hút khách. Ảnh: Thượng Hiển

 Nghèo nàn và đơn điệu

Cuối tuần, hơn 200 học sinh Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) được về nông trại giáo dục Hoa Sen (Lộc Hòa, Phú Lộc) trải nghiệm các hoạt động của người nông dân, từ trồng rau, trồng cây, thu hoạch trái cây, chăn nuôi gà, lợn, thỏ, bắt cá dưới ao… Cách đó đã tạo ra trải nghiệm khó quên cho những mầm non của tương lai, giúp các em hiểu và yêu quý nghề nông. Dù chưa đạt đến mô hình du lịch thuần nông nghiệp, song đây là mô hình du lịch hiệu quả, thu hút được dòng khách chuyên biệt học sinh.

Đi vào hoạt động được 5 năm, mô hình nông trại giáo dục trên đang cho thấy hướng đi đúng khi mỗi năm thu hút được 4.000 lượt khách. Trong khi nhiều điểm đến khác gặp nhiều khó khăn thì nơi đây duy trì lượng khách ổn định từ các trường học, trung tâm giáo dục, các gia đình trong tỉnh.

Một điểm đến khác cũng thu hút được dòng khách học sinh đến trải nghiệm đó là mô hình dịch vụ nông nghiệp trang trại Greenlife, tại phường Hương An, T.X Hương Trà. Tại đây nổi bật với các loại hoa, thiết kế vườn làm điểm “check in”, trải nghiệm cho khách phần lớn là lớp trẻ. Gần đây, tại trang trại này mở thêm mảng trải nghiệm nghề nông cho học sinh cùng phụ huynh vào dịp cuối tuần theo nhóm. Ngoài ra, một số trường học tìm đến nông trại liên hệ tổ chức tour giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Chị Nguyễn Trần Thiện Thanh, phụ huynh ở TP. Huế cho biết: “Tôi thấy việc cho các bé trồng trọt, thu hoạch tại vườn rất hữu ích và khá hấp dẫn. Ngoài việc cho trẻ tiếp cận môi trường tự nhiên, cảm nhận công việc lao động chân tay, hoạt động này giúp trẻ biết quý trọng những giá trị cuộc sống. Điều này hoàn toàn khác với các tour du lịch ngắm, thưởng thức, ăn uống… quen thuộc”.

Đó là hai mô hình cho thấy những hiệu quả tích cực, bởi không phải điểm đến nào gắn với du lịch nông nghiệp cũng thành công. Đầu tháng 4, chúng tôi về lại cầu ngói Thanh Toàn để gặp chị Ngô Thị Kim Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Toàn Ecotour. Cách đây hơn một năm, du khách đã lựa chọn về đây tham gia tour trải nghiệm làm vườn, học nấu ăn thì nay khu vườn chính chỉ trồng một số cây để phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày.

Du lịch trải nghiệm làm nông được nhiều học sinh lựa chọn. Ảnh: Thượng Hiển

Chị Kim Hồng bộc bạch, do dịch bệnh nên khách quốc tế không thể đến Huế. Trong khi đó, khách nội địa, khách trong tỉnh chưa chuộng dịch vụ này. Mọi thứ phải tạm gác, chờ hoạt động du lịch bình thường trở lại, khi khách quốc tế trở lại Huế.

Tương tự như ở cầu ngói Thanh Toàn, một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, làm vườn ở Thủy Biều cũng đang “hóng” khách. Dẫn chúng tôi đi khảo sát mô hình du lịch của mình từng ấp ủ, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist trăn trở, dù biết Thủy Biều là điểm có khả năng cao để phát triển du lịch nông nghiệp, gần trung tâm TP. Huế, song cái khó là yếu tố quy hoạch, sự đầu tư về hạ tầng giao thông, sự gắn kết… khiến dịch vụ nhỏ lẻ, mỗi hộ làm mỗi kiểu nên không tạo được thương hiệu chung đủ lớn mạnh.

Theo Sở Du lịch, tại nhiều điểm đến của các tour du lịch nông thôn, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông thôn chưa được quan tâm đầu tư. Vẫn đang còn thiếu sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch, cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

Du khách đến tham quan, vui chơi tại mô hình dịch vụ nông nghiệp trang trại Greenlife, tại phường Hương An, TX. Hương Trà

Nguồn lực hạn chế, quy hoạch thiếu bài bản

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng, giúp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, các mô hình farmstay, homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng đang là mô hình phát triển du lịch khá bền vững với phương châm bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cư dân bản địa, phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên, sinh thái, giá trị nông, lâm nghiệp sẵn có trên địa bàn kết hợp phát triển sản xuất và phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống đường sá, cầu gỗ tạm bợ...; mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ, lao động hoạt động theo thời vụ nên công tác quản lý mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mô hình trang trại chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa thực sự được đầu tư bài bản...

Trong các trở lực, công tác quy hoạch chưa bài bản nên không tạo ra được chuỗi liên kết tốt. Nhiều địa phương trong tỉnh chưa có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Một số địa phương khác có quy hoạch, song việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Quy hoạch phát triển sản xuất trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới một số xã có quy hoạch kinh tế trang trại nhưng chưa thật sự sát với thực tiễn của địa phương, còn hầu hết các xã không có quy hoạch kinh tế trang trại trong quy hoạch phát triển sản xuất nên khi hộ nông dân có điều kiện muốn phát triển trang trại thì địa phương lúng túng trong điều hành, không tạo được sự liên kết giữa phát triển trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung và định hướng phát triển chung về hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, kể cả thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phúc phân tích, thời tiết ở Huế là một trở lực lớn. Một điều có thể thấy là đối với các nông trại, vườn hoa chủ yếu thu hút được khách đến “check in” và trải nghiệm hoạt động làm nông nghiệp khoảng 6 tháng trong năm. Các chủ trang trại chưa đầu tư kỹ các loại hoa, loại cây 4 mùa. Vào mùa xuân nhiều loại hoa được trồng, còn sang các mùa khác thường không có các loại cây, hoa để thay thế.

Bên cạnh lý do chủ quan, theo ông Nguyễn Văn Mến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Việt, đơn vị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với du lịch, rất nhiều yếu tố khách quan ở loại hình farmstay (mô hình trang trại gắn với lưu trú) mà không riêng ở Huế, tất cả các địa phương đều gặp vướng mắc. Nếu chỉ làm trang trại (farm) thì được, nhưng kết hợp với lưu trú (stay) nữa sẽ vướng nhiều quy định. Đây là loại hình du lịch mới, nên những hành lang pháp lý vẫn chưa có quy định rõ ràng. Chưa thể chuyển từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ du lịch, vướng quy hoạch xây dựng và buộc phải có điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo tỷ lệ 1/500. Chứng thực tài sản chưa có nên khó cho nhà đầu tư vay vốn kinh phí đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 245 trang trại nông nghiệp thuộc hộ gia đình; trong đó có 95 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, có 13 trang trại trồng trọt, chiếm 5,33%; 89 trang trại chăn nuôi chiếm 36,3%; 9 trang trại lâm nghiệp chiếm 3,67%, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 6,5%; 118 trang trại tổng hợp chiếm 48,16%. Đối với trang trại doanh nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp hoạt động trang trại với tổng cộng 20 trang trại, tập trung ở 4 thị xã, huyện: Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền, loại hình chủ yếu là chăn nuôi.

Tuệ Ninh – Đức Quang

Kỳ 2: Không để sản phẩm ở “lưng chừng”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

TIN MỚI

Return to top