Du khách trải nghiệm đánh bắt cá ở đầm Chuồn
Thiếu trải nghiệm
Du lịch trải nghiệm được xem là đỉnh cao của các loại hình du lịch. Nếu trước đây, du lịch đơn giản chỉ là hình thức tham quan, nghỉ ngơi, giải trí. Ngày nay, du lịch còn đòi hỏi cao hơn thế. Con người khi đi du lịch còn muốn được học hỏi, trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, tự tay làm những công việc của người dân địa phương.
Khảo sát nhiều tour du lịch của các doanh nghiệp ở Huế hiện nay, tính trải nghiệm trong các tour vẫn rất hạn chế. Phổ biến nhất với du lịch Huế hiện nay là các city tour (tour du lịch quanh thành phố). Theo đó, du khách chủ yếu tham quan di sản, chùa chiền, thưởng thức ẩm thực. Hay những tour đạp xe tham quan Huế cũng dừng ở mức tham quan, tìm hiểu về điểm đến, chứ chưa có những điểm nhấn về những trải nghiệm thú vị.
Theo Hội Lữ hành tỉnh, trong các tour tuyến, doanh nghiệp luôn biết trải nghiệm cao sẽ tăng tính hấp dẫn đối với du khách và luôn cố gắng để xây dựng. Nhưng có một thực tế ở phía đối tác, ở đây chủ yếu là cộng đồng người dân cung ứng dịch vụ chưa tới, hoặc còn hời hợt. Đặc biệt là khi đưa khách về các làng nghề để trải nghiệm, đa số các làng nghề không duy trì hoạt động, hoặc có lại không chuyên về làm du lịch. Ngay cả ở làng cổ Phước Tích, du khách đến trải nghiệm làm gốm, nhưng sản phẩm làm ra lại không có để mang về vì không có công nghệ nung gốm. Do đó, tính trải nghiệm cũng mất đi phần nào tính hấp dẫn.
Một lý do khác là thời gian dành cho tour ở Huế quá gấp gáp. Chẳng hạn như tour xuyên miền Trung, ở Huế chỉ đúng 1 ngày đêm, không đủ để du khách tham quan hết các điểm du lịch nên không có thời gian để trải nghiệm các dịch vụ. Như thông tin gần đây, thời gian vào tham quan Đại Nội của nhiều đoàn khách chỉ còn khoảng 1 giờ đồng hồ, chủ yếu tham quan lướt qua là chính, không thể có những trải nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp khi làm lịch trình tour, luôn cố gắng đưa khách đến thật nhiều điểm du lịch ở Huế, nhưng điều này đôi khi phản tác dụng. Chẳng hạn như một số doanh nghiệp đưa khách tham quan lăng Tự Đức kết hợp với trải nghiệm nghề làm hương ở Thủy Xuân. Do không đủ thời gian để tham quan các điểm khác, khách chỉ dừng lại làng hương chụp ảnh, không tham gia trải nghiệm; hoặc số lượng đoàn khách tham gia trải nghiệm ít, lâu dần người dân không muốn kết hợp để cung ứng dịch vụ nữa.
Trình diễn làm gốm phục vụ du khách ở làng cổ Phước Tích
Cần trải nghiệm mới
Qua chuyến khảo sát tour tuyến mới ở Huế gần đây, Hội Lữ hành TP. Hà Nội cho rằng, cái cần làm của Huế là thêm những sản phẩm mới, có tính trải nghiệm cao mới là nền tảng để các hãng lữ hành tăng thời gian ở lại Huế nhiều hơn.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, có hai yêu cầu đặt ra, thứ nhất là thêm các sản phẩm mới có tính trải nghiệm, mới lạ cho du lịch Huế và thứ hai là làm mới các sản phẩm. Đúng là nhiều sản phẩm ở Huế đã quá cũ, nhiều năm trước, với sản phẩm như thế là đã đáp ứng được nhu cầu của khách. Nhưng nhu cầu hiện nay đã khác, đòi hỏi các sản phẩm phải được làm mới, tăng tính trải nghiệm và thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ.
Hội Lữ hành TP. Hà Nội góp ý, sức hút lớn nhất ở Huế chính là di sản và văn hóa. Do đó, những trải nghiệm mới hãy nên bắt đầu từ thế mạnh này. Với những trải nghiệm đơn thuần khác, hoặc các sản phẩm mà ở các địa phương khác đã có, họ làm trước chắc chắn sẽ chuyên nghiệp hơn ở Huế, nên hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có tính bài bản, chất lượng tốt hơn.
Theo ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành Huế, đối với các sản phẩm trải nghiệm mới, cần hướng về trải nghiệm ở phá Tam Giang. Tam Giang, duy nhất ở Huế mới có, trải nghiệm các hoạt động đánh bắt, đời sống trên đầm phá có tính khác biệt. Điều cần làm của Huế là xây dựng tính bài bản và chuyên nghiệp cho các dịch vụ trên đầm phá, đồng thời thu hút nhà đầu tư lớn để xây dựng sản phẩm trên phá có tính hấp dẫn cao hơn.
Sự chủ động về nguồn khách cũng cần được ngành du lịch khắc phục tốt hơn. Chỉ khi có nguồn khách ổn định thì các điểm du lịch mới hoạt động ổn định. Song hành với đó, các điểm đến cần thêm những sản phẩm mới, có tính trải nghiệm cao, khi đó mới giúp du lịch Huế giữ chân khách.
Bài, ảnh: Quang Sang