Hội nghị, hội thảo là một phần trong du lịch MICE
Cái gì cũng thiếu
MICE viết tắt từ Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm). MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch ở các nước trên thế giới. Riêng ở nước ta, MICE là một trong những sản phẩm chính ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và gần đây là Đà Nẵng, Khánh Hòa... Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển du lịch (Sở Du lịch), những chuyến du lịch MICE thường được tổ chức rất hoành tráng, chi phí mỗi du khách bỏ ra để tham gia thường gấp 3 - 5 lần so với các sản phẩm khác. Nếu khai thác tốt, MICE sẽ giúp tăng nguồn thu và giảm đi gánh nặng tăng lượng khách cho Huế.
Tiềm năng là thế, nhưng du lịch MICE hiện vẫn chưa thể phát triển ở Huế. Ông Trần Viết Lực phân tích: “Nhiều chuyên gia đánh giá, Huế có nhiều điều kiện để phát triển MICE. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, bởi MICE cần nhiều dịch vụ kèm theo chứ không chỉ là địa điểm để tổ chức hội nghị, hội thảo. Khi tham gia hội nghị, hội thảo, du khách sẽ kết hợp tham quan, mua sắm, sử dụng dịch vụ giải trí… Huế hiện không có trung tâm mua sắm đẳng cấp, không có khu vui chơi giải trí lớn. Ngay cả điều kiện quan trọng hàng đầu nhưng cũng cơ bản của MICE là một trung tâm hội nghị, hội thảo lớn, đẳng cấp quốc tế, với đầy đủ trang thiết bị thì Huế cũng chưa có. “Huế cái gì cũng thiếu thì làm sao có thể thu hút khách về tổ chức MICE”, ông Lực nói.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, trong chiến lược kinh doanh họ luôn đưa du lịch MICE vào danh sách các sản phẩm đẩy mạnh khai thác bởi hai yếu tố, mỗi đoàn như thế sẽ có rất nhiều thành viên tham gia và giá tour cao. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam - Hà Nội, chi nhánh Huế nói: “Công ty từng đưa khách về TP. Huế, một số đoàn về Lăng Cô tổ chức MICE, nhưng qua thời gian khai thác, khách ít chọn Huế. Nguyên nhân là Huế thiếu cơ sở vật chất và dịch vụ cao cấp hỗ trợ”.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định, tổ chức MICE thường vào những ngày cuối tuần để kết hợp với nghỉ ngơi. Ngày thứ 6 tổ chức thì tối thứ 5 khách đến, kết thúc, thứ 7 hoặc chủ nhật họ quay trở về. Phương tiện đưa khách đến Huế còn khó khăn. Riêng máy bay chiều Huế đi Hà Nội và ngược lại ít chuyến, lại vào những khung giờ “làm khó” cho khách. Trong lúc đó, ở địa phương bên cạnh, đi và đến hai đầu rất dễ dàng, hầu như lúc nào cũng có chuyến bay. Nhiều người đi MICE cùng với gia đình, trong lúc chồng hoặc vợ bận tham dự hội họp thì các thành viên khác đi shopping, tắm biển, giải trí, đi spa... Khoản tiền mà khách mang đến khi tham gia MICE để chi tiêu rất lớn. Nhìn vào thực tế của Huế, dù muốn tiêu tiền nhưng khách cũng không có chỗ để mà tiêu.
Mất dần lợi thế
Ông Đinh Mạnh Thắng cho biết, khoảng 5 năm về trước, hội nghị, hội thảo được tổ chức ở Huế rất nhiều. Thời điểm đó, Huế luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong khu vực để tổ chức MICE. Sự cạnh tranh của các địa phương trong khu vực ngày càng lớn, họ có cơ sở vật chất tốt hơn, có nhiều sản phẩm hỗ trợ mà khách ưa chuộng… thì việc chuyển dịch MICE từ Huế sang địa phương khác cũng không lấy gì làm khó hiểu.
Một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về du lịch Huế trăn trở, Huế là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế của cả nước. Định hướng phát triển cũng dựa trên cốt lõi đó. Nhưng khi nhìn qua du lịch MICE để thấy được, Huế đang mất dần các thế mạnh. Chẳng hạn như giáo dục, trước đây Huế là “số một” trong khu vực, nhưng chỉ cần nhìn vào điểm tuyển sinh của các trường để thấy giáo dục Huế không còn giữ vị trí như trước. Khi đã không còn dẫn đầu thì các hội nghị về giáo dục sẽ không còn ưu tiên tổ chức ở Huế. Ngay cả y tế, nếu Huế không chủ động thì chỉ nay mai sẽ có sự chuyển dịch. Và như thế, sẽ mất dần các thế mạnh đã làm nên thương hiệu Huế.
Để phát triển du lịch MICE, một mình doanh nghiệp không thể thực hiện, mà có sự kết hợp và dẫn dắt từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Bà Dương Thị Công Lý cho hay, doanh nghiệp chỉ đẩy mạnh thu hút và đưa về khi Huế có đầy đủ các điều kiện. Để giải quyết khó khăn trước mắt, lãnh đạo tỉnh cần có các bước đi, mời các cơ quan, ban ngành Trung ương về Huế tổ chức hội nghị, hội thảo. Kèm theo đó, Huế sẽ có các dịch vụ miễn phí, giảm giá. Cụ thể như khi đến Huế, các thành viên được tham quan miễn phí di sản, giảm thêm 50% cho các thành viên trong gia đình đi cùng; giảm 50% dịch vụ lưu trú, hay được xem một show áo dài miễn phí…
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch từng cho biết, sau sự cố môi trường biển, nhằm kích cầu du lịch Huế nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, cả bốn địa phương cùng có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị ưu tiên tổ chức hội nghị, hội thảo; qua đó tăng doanh thu cho các địa phương. Nhưng hơn một năm qua, việc tổ chức hội nghị, hội thảo của các đơn vị cấp Trung ương ở Huế còn khá hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, sở có liên hệ với các hội đồng hương Huế, Bệnh viện Trung ương Huế để phối hợp đẩy mạnh du lịch MICE. Thế mạnh của Huế là về khám, chữa bệnh cả hiện đại và cổ truyền. Gần đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác loại hình nghỉ dưỡng suối khoáng. Tòa nhà ở ngã năm Lý Thường Kiệt cũng được một doanh nghiệp mua lại và đang xây dựng một bệnh viện khách sạn... cùng với nền tảng có sẵn, đây là những điều kiện để phát triển MICE ở mảng y tế trong thời gian đến.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG