ClockThứ Hai, 29/11/2021 14:50

Tìm những “ngách” thị trường mới cho du lịch Huế

TTH - Có những “ngách” thị trường lâu nay ít được để ý đến. Dịch bệnh khiến nhiều nhu cầu thay đổi, nên những “ngách” thị trường này có thể được tính đến, giúp tăng tính đa dạng thị trường cho du lịch Cố đô.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứngMở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Có những nhu cầu du lịch rất mới nếu nắm bắt tốt sẽ tăng sức hút cho du lịch Huế (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Sản phẩm mới

Để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” (từ năm 2018 – 2020), đoàn nghiên cứu thực hiện đề án từ Hà Nội (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã vào ra Huế không biết bao nhiêu lần. Việc sử dụng dịch vụ lưu trú, các dịch vụ kèm theo ít nhiều tạo ra nguồn thu cho điểm đến.

Thông qua nghiên cứu này, đã xác lập và phân loại được 115 di sản địa chất thuộc 8 kiểu di sản địa chất ở toàn khu vực Tam Giang và Bạch Mã. Ngoài ra, đề tài đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trở lại đây, trong bối cảnh có sự thay đổi mực nước biển. Đề tài cũng đã phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong khoảng thời gian từ 4.000 - 10.000 năm trước và bị lấp đầy dần bởi vật liệu do sông mang đến trong khoảng thời gian từ 4.000 năm đến nay.

Qua việc nghiên cứu này, cho thấy được 2 dòng sản phẩm du lịch rõ rệt cho Huế. Trong đó, những nghiên cứu về địa chất được đánh giá sẽ tạo ra sức hút vô cùng lớn với những nhà nghiên cứu, những người đam mê địa chất; dòng khách yêu thích hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh, hệ sinh thái đồng ruộng, khu dân cư, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái cồn cát, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái vùng ngập nước mặn...

Du lịch địa chất là sản phẩm, khái niệm còn rất mới mẻ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, sản phẩm này sẽ không chỉ dừng lại thu hút các nhà nghiên cứu mà các dòng khách thích du lịch mạo hiểm, khám phá; hay sự kết hợp với du lịch sinh thái và các ngành nghề, làng nghề liên quan đến dịch vụ du lịch đều có cơ hội phát triển.

Chính những nghiên cứu sinh khi thực hiện đề tài cũng cho rằng, được tìm hiểu hệ sinh thái, chụp ảnh động thực vật, quan sát các loài chim; kết hợp với tìm hiểu lịch sử phát triển địa chất của núi Bạch Mã, sự hình thành và phát triển của bề mặt san bằng trên đỉnh Bạch Mã, ngắm cảnh quan thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, phong cảnh xung quanh núi Bạch Mã... đã khiến họ không nỡ chia tay Huế sau khi kết thúc công trình nghiên cứu.

Sản phẩm thứ 2 đã được đề cập trước đó là du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học. Hiện chưa có thống kê thật chính xác, song theo nhận định của ngành du lịch, mỗi năm phải có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học được nghiên cứu, thực hiện tại Huế. Trong đó, rất nhiều đề tài về các chủ đề về văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực y tế, giáo dục…

Sự đa dạng về địa chất, sinh học của Tam Giang hứa hẹn sẽ thu hút khách

Mở rộng các "ngách" thị trường

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch phân tích, không như nhu cầu du lịch thuần túy về tham quan, khám phá, trải nghiệm, những thị trường “ngách” luôn có nhu cầu, mục đích riêng biệt. Du lịch thường được kết hợp để tăng tính hấp dẫn. Điều được khẳng định là trong giai đoạn dịch bệnh đang khiến nhiều nhu cầu thay đổi, những “ngách” thị trường mới mà Huế có khả năng thu hút là cơ hội mới cho điểm đến. Huế là điểm đến đa dạng các tài nguyên du lịch, “trung tâm” văn hóa, giáo dục, y tế… nên khả năng thu hút những thị trường nhỏ, có nhu cầu riêng.

Thị trường “ngách” là một thị trường nhỏ hơn trong một thị trường lớn, mà trong đó, sản phẩm được tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể. Các sản phẩm, đặc tính, lợi ích của sản phẩm được thiết kế ra để đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể của một nhóm nhỏ các đối tượng khách hàng mục tiêu.

Lâu nay, các thương hiệu lớn, các dòng sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, du lịch biển thường chiếm giữ phần lớn thị trường du lịch đến Huế, nên việc bỏ qua, hoặc chưa tập trung cho thị trường nhỏ hơn cũng dễ hiểu. Điều này cần được đánh giá lại vì trong nguyên lý phát triển, cũng như thực tiễn đã chứng minh: Khi sản phẩm dịch vụ chỉ là một phần quá bé nhỏ trong một thị trường lớn thì chẳng có nghĩa lý gì, nhưng là một phần lớn của thị trường nhỏ thì mọi chuyện lại khác. Chỉ một nhóm khách hàng nhỏ cũng có thể tạo thành một thị trường. Biết cách khai thác thì thị trường “ngách”, bằng sản phẩm  du lịch thay thế là một mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia du lịch, đối với những startup (khởi nghiệp), cần nghiên cứu tối đa về thị trường “ngách” này. Nếu khởi nghiệp trong một thị trường đã quá quen thuộc, như văn hóa, di sản sẽ khó khăn hơn, so với những ngách thị trường chưa ai khai phá, bằng những dòng sản phẩm chuyên biệt. Lựa chọn thị trường ngách vừa là để tránh những đối thủ lớn, vừa để phù hợp với nguồn lực khi mới bước vào kinh doanh du lịch.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế góp ý, có một thị trường “ngách” được đánh giá rất có tiềm năng với Huế là “SAVE Tourism”, loại hình du lịch gắn khoa học với học thuật, tình nguyện và giáo dục. Đối tượng tham gia thường là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thiện nguyện, sinh viên, học sinh… có nhu cầu nghiên cứu, học tập, gặp gỡ văn hóa bản địa để nâng cao nhận thức, trải nghiệm cho bản thân, đồng thời đóng vai trò là tình nguyện viên để mang đến những lợi ích thiết thực cho điểm đến thông qua chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tới cộng đồng địa phương.

Ðẩy mạnh “SAVE Tourism” là giải pháp không những mang lại những lợi ích cho điểm đến, gia tăng lượng khách du lịch văn minh, có trách nhiệm mà còn giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách bởi những chuyến du lịch theo hình thức này thường diễn ra trung bình một đến hai tuần, thậm chí cả tháng.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường
Return to top