Cửa Đông Ba (ngã tư đường Mai Thúc Loan- Xuân 68, phường Thuận Thành, TP. Huế), giờ tan tầm, xe cộ chật cứng như nêm. Hòa trong dòng người ấy, thành viên Tổ tự quản cửa Đông Ba (tổ tự quản) tay cầm gậy, miệng huýt còi điều tiết giao thông. Khoảng 30 phút sau, khi đường thông hè thoáng, các anh mới thôi làm nhiệm vụ và trở về với công việc chạy xe ôm. Hình ảnh những “hiệp sĩ” thầm lặng hằng ngày điều tiết giao thông đã trở nên thân thuộc với người dân TP. Huế.
Điều tiết giao thông trong giờ cao điểm
Người “gác đường” kỳ cựu nhất tại “điểm nóng” cửa Đông Ba hơn 20 năm nay là ông Lê Mau - tổ trưởng, năm nay 60 tuổi. “Mình vất vả vài chục phút giúp bà con đi lại được thông suốt cũng thấy vui, chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất đồng tình ủng hộ”, ông Mau chia sẻ. Cửa Đông Ba là một trong những cửa ngõ lưu thông 2 chiều ra vào khu vực Kinh thành Huế. Với bề rộng chưa đầy 5m, lưu lượng phương tiện lớn, giao thông qua cửa ngõ này thường xảy ra ùn ứ. Vào giờ cao điểm, xe ô tô phớt lờ biển cấm “chui” qua gặp phải xích lô chở hàng cồng kềnh trờ tới cộng với lúc học sinh tan trường càng khiến phương tiện ùn ứ. “Lúc đầu thấy tắc đường anh em liền đứng ra làm “dải phân cách”, dùng tay làm “loa” để phân luồng khản cả giọng mới vãn hồi được. Thấy làm vậy vất vả, thiếu chuyên nghiệp, anh em tự bỏ tiền mua cái còi, làm cái gậy điều tiết giao thông cho đỡ tốn sức”, ông Mau bộc bạch.
“Những ngày đầu “nản” lắm, bị không ít người la, mắng lại còn bị chen lấn, kính chiếu hậu đánh vào lưng…”, ông Tôn Thất Chút - tổ viên cho hay. Tuy nhiên, sau thời gian “bỡ ngỡ” ban đầu, những nỗ lực phân làn, hỗ trợ đưa những chiếc xe chở cồng kềnh qua khỏi điểm ùn tắc để thông đường của những người hành nghề xe thồ mưu sinh cũng đã gián tiếp “nhắc nhở” người tham gia giao thông có ý thức hơn… “Bây giờ phần lớn khách chọn taxi, xe thồ ở đây chủ yếu chờ khách quen, mỗi cuốc qua chợ Đông Ba hay vào trong nội thành 5.000 - 10.000 đồng. Có người ngồi suốt cả buổi mới có khách, nhưng hễ thấy tắc đường họ xin khách thông cảm chờ mình ra đường điều tiết, vãn hồi trật tự giao thông xong đợt ùn tắc rồi mới chở đi” - bà Nguyễn Thị Phượng, một người bán nước ở cửa Đông Ba cho hay.
Nhiều hộ dân sống ở các tuyến đường Mai Thúc Loan, Xuân 68, Đào Duy Từ, Huỳnh Thúc Kháng gần đó cho biết, kể từ khi có tổ tự quản, tình hình trộm cắp, cướp giật tại khu vực giảm nhiều khi các anh đã nhiều lần phối hợp với Công an phường Thuận Thành bắt giữ các đối tượng. Mỗi khi có va chạm, tai nạn giao thông, các anh là người đầu tiên tiếp cận sơ cứu cho nạn nhân và phối hợp đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Với công việc thầm lặng và bền bỉ, tổ tự quản cửa Đông Ba được tặng nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích đảm bảo trật tự ATGT, trật tự độ thị và phòng chống tội phạm. Cùng với phần thưởng là những chai nước suối được người dân ở cửa ngõ này và người đi đường dành tặng khiến các thành viên cảm thấy mát lòng. Số tiền được ngành chức năng động viên khen thưởng, ông Mau cùng các thành viên sắm thêm còi, băng đeo tay, các vật dụng cần thiết giúp hóa giải kịp thời những đợt ùn tắc. Nhưng có lẽ phần thưởng ý nghĩa mà Tổ tự quản nhận được là giúp các cháu học sinh vơi đi nỗi lo đến lớp trễ giờ, du khách và người đi đường không còn bị “chôn chân” khi qua “nút cổ chai” này.
Theo Công an phường Thuận Thành (TP Huế), cửa Đông Ba từ lâu là điểm nóng kẹt xe nhưng lực lượng công an phường cũng như CSGT thành phố không thể bao quát hết thường xuyên. Thời gian qua, tổ xe thồ tự quản thường xuyên có mặt tại đây luôn hỗ trợ kịp thời điều tiết giao thông nên tình hình trật tự ATGT tại cửa Đông Ba đã được cải thiện rõ rệt. Cảm kích trước việc làm của tổ xe thồ tự quản cửa Đông Ba, Trung tâm khuyến khích tự lập Huế mới đây đã trao tặng mỗi thành viên một bộ áo quần đồng phục và mũ. “Chúng tôi đã tự nguyện làm công việc này và trong hoàn cảnh nào cũng luôn cố gắng điều tiết đảm bảo trật tự ATGT” - ông Đoàn Thảo, Tổ phó Tổ tự quản cửa Đông Ba khẳng định.
THÁI SƠN