ClockThứ Bảy, 12/09/2015 10:59

“Phù thủy” của những chiếc vespa cổ

TTH - Bốn mươi năm trong nghề, không biết bao nhiêu chiếc xe đã qua tay ông. Chỉ biết những chiếc vespa cổ, cũ thậm chí là “nát” qua tài “biến hóa”của ông đều trở về nguyên trạng như mới. Cái tên Quang “vespa” đã trở nên quá quen thuộc với “dân chơi” vespa cổ ở Huế.
Ông Quang tỉ mỉ lau từng vết xước

Nghe tiếng nổ có thể “bắt bệnh”

Một tiệm sửa xe nhỏ chỉ vẻn vẹn chừng chừng 10m2 nằm trên đường Đoàn Thị Điểm, nhưng ngỗn ngang phụ tùng, xác xe vespa cổ. Ông Quang cho biết, đến với nghề như một cơ duyên, năm 18 tuổi ông đi học sửa xe máy, với mong muốn sẽ mở một tiệm sửa xe bình thường. Thế nhưng khi được tiếp xúc, tận tay “phục chế” những chiếc xe vespa cổ, ông lại thấy có một niềm đam mê, tình yêu đặc biệt đối với những chiếc xe “cũ kỹ” ấy. Từ đó, ông mở tiệm chuyên sửa, tân trang vespa cổ.
Những chiếc vespa cổ được trở lại nguyên trạng nhờ bàn tay “biến hóa” của ông Quang
Theo ông Quang, nghề phục chế xe vespa cổ đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, am hiểu về các dòng xe, đặc tính từng loại phụ tùng và hơn hết là sự sáng tạo. Ngoài việc bắt bệnh nhanh, thì muốn sửa một chiếc xe vespa cổ cần phải kiên trì và tỉ mỉ. Trước hết là việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho mỗi chiếc xe không hề dễ, phụ tùng thường phải đặt ở TP Hồ Chí Minh, có khi cả tháng mới nhận được. Thậm chí có những dòng xe “độc” ông phải đích thân vào tận nơi mới mua được. Để “đại tu” một chiếc vespa cổ mất cả tháng trời.
Nhìn đôi tay tỉ mẩn lau từng vết xước, cẩn thận trong mỗi lớp sơn cũng có thể hình dung được sự công phu của người thợ. Đang sơn những lớp sơn cuối cùng cho chiếc super màu trắng, ông Quang cho biết: “Giờ nhìn nước sơn sáng bóng thế này chứ khi được đưa tới đây chiếc xe “nát” lắm, phụ tùng phần nhiều đều xuống cấp. Nhận tân trang xe mà không giám hẹn ngày giao cho khách. Tính đến hôm nay nữa là đúng hai mươi ngày “vật lộn” với nó”. Vừa nói ông vừa chỉ tay về phía chiếc máy tính bảng, nơi lưu giữ hàng trăm hình ảnh về vespa cổ để minh chứng cho lời nói của mình. Mỗi chiếc xe được đưa đến ông đều chụp hình lúc nhận xe và khi đã tân trang xong. Theo ông, đó không chỉ là cách tạo “vốn” để làm nghề mà còn là cách lưu lại những thành quả của chính mình. Xe sản xuất đời nào, đặc tính, chi tiết máy như thế nào đều được ông nắm chắc. Bốn mươi năm trong nghề chỉ cần nghe tiếng máy nổ là ông có thể “bắt đúng bệnh” của xe.
 Luôn làm hài lòng khách hàng
 Để tân trang một chiếc vespa cổ đều phải trải qua các bước: Tháo, gò, đánh sạch, vá, mài bóng, sơn, sửa chữa những chi tiết hỏng, lắp ráp và tân trang. Theo ông Quang, công đoạn sơn xe là công phu và tốn nhiều công nhất. Trước khi sơn phải đốt lớp sơn cũ. Để đảm bảo bề mặt sơn được đều màu, ở công đoạn phun sơn người thợ phải thực hiện nhiều lần, phun đi phun lại. Đặc biệt ở công đoạn phết lớp sơn lót, người thợ phải tiếp xúc trực tiếp bằng tay, bởi dùng bao tay không thể kiểm soát được độ láng đều của sơn. “Trong sơn chứa nhiều chất độc hại, phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với sơn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nhưng cũng vì đam mê mà chưa đành “nghỉ hưu””, ông Quang tâm sự.
Mỗi chiếc xe được tân trang xong đều được ông kiểm tra kỹ lưỡng, chạy thử mới giao cho khách, bởi theo ông làm nghề việc giữ uy tín với khách hàng là rất quan trọng, có như vậy khách mới tự tìm đến mình. Không những thế ông còn nhận bảo dưỡng, và thường xuyên hỏi thăm tình trạng xe. Vì vậy, khách hàng rất yên tâm khi giao “con cưng” của mình cho ông
Cũng chính từ nghề ít người theo ấy, ông Quang luôn có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. “Theo nghề trước hết là đam mê, phần nữa là để nuôi sống bản thân và gia đình. Không giàu có gì nhưng cũng có dư giả. Dân chơi vespa cổ đa số là những người có thu nhập khá. Sản phẩm mình giao vừa ý khách hàng thì không những trả công rất sòng phẳng mà khách còn thưởng thêm”, ông tâm sự.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Như những ngày đông cũ

Tháng Mười Một về, gió chớm lạnh, những ngày đông lại đến. Đâu đó trong không gian, mùi hương đặc trưng của mùa đông thoảng qua, mang theo những ký ức cũ kỹ và dịu dàng. Như thể mùa đông chẳng hề vội vã, chỉ khe khẽ gõ cửa, nhắc nhở chúng ta về những ngày đã qua, về những tháng năm đã cũ.

Như những ngày đông cũ
Tìm lại hương vị “cơm nhà”

Giữa nhịp sống phố thị, những người bận rộn vẫn mong muốn tìm lại hương vị cơm nhà, quay trở về với những món ăn dân dã mang đậm hơi thở quê hương ở một quán ăn lạ, nhưng… gần gũi.

Tìm lại hương vị “cơm nhà”
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Giọt mùa xuân nảy mầm

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, luôn là một khúc điệu, một câu tự vấn khi người ta quen với những ca từ thời nào đó xa lắm lấp lánh trên mi mắt, chỉ để ngắm nghía giọt mùa xuân đang lặng lẽ nảy mầm ở trên bầu trời, dưới mặt đất hay chính trong lòng người.

Giọt mùa xuân nảy mầm
Return to top