ClockThứ Hai, 08/07/2019 14:29

Ăn cơm gạo mới

TTH - Những ngày nắng chói chang, trên con đường đi về phía biển hay những khu đô thị mới ngập cảnh người nông dân phơi lúa. Những cánh đồng vừa gặt trơ gốc rạ, những cánh đồng nhuộm một màu vàng đẹp liêu xiêu trong nắng chiều tựa như một bức tranh. Xa xa, màu khói đốt đồng um lên những cột khói rồi tan ra mờ nhòe hệt như sương sớm. Miền quê cứ thế mà yên bình, mà thân thương đến nao lòng.

Nhớ ngày xưa, nhà tôi ở khu xóm chùa, chùa có ruộng trồng lúa... Mùa này, khi mấy chú điệu trong chùa gặt xong, lũ trẻ con chúng tôi lại đua nhau lao xuống ruộng đi mót lúa. Nhà đứa nào có vịt thì cầm một cây sào lùa vịt xuống ruộng đã gặt xong. Những chú vịt nuôi cho dịp mồng 5 tháng 5, dịp Tết Đoan Ngọ, nhờ những cánh đồng mới gặt mà kiếm thêm được ít thóc, ít cá no căng diều.

Mùa này, ruộng bắt đầu khô. Cái hố trâu mẹp đã cạn, nắng gắt làm bùn khô rồi cong lại nằm từng đám, bọn trẻ con chúng tôi cứ thế mà tranh nhau vứt hết cả dép chạy lại dẫm lên đám bùn khô để nghe tiếng kêu lạo xạo dưới chân mình. Ngày xưa, sống với ruộng đồng, nguồn vui của lũ chúng tôi chỉ có thế.

Tôi thường đi mót lúa về cho bà nội. Nhà bà nội nuôi gà. Những hạt lúa rơi xuống trên nền đất ruộng là phần của lũ vịt, còn phần của chúng tôi là những cành lúa người ta cắt còn sót lại, hoặc những bông lúa bị gió đánh nằm rạp đồng người ta không cắt nữa. Mót lúa về cứ thế quăng ra sân cho lũ gà tranh nhau ăn... Mùa này, còn là mùa ăn cơm gạo mới.

Kết thúc vụ đông xuân. Gạo cũ trong lu không còn ngon nữa. Mạ tôi cứ trông cho tới mùa để đi đong gạo mới về. Gạo mới ăn rất ngon, dẻo hơn, ngọt hơn và thơm mùi lúa chín. Chỉ cần có cơm ngon, với vài ba miếng vả kho, mít kho là chúng tôi đánh veo hết nồi. Còn bà nội tôi thì bảo rằng, cơm gạo mới thì ăn với muối cũng ngon.

Lớn lên, rời xa ruộng đồng, ăn gạo người ta bán sẵn ngoài chợ, hạt tròn mập, trắng tinh, để từ đầu bao đến cuối bao không có một con mọt mới thấy không có cái gạo nào ngon ngọt hơn gạo quê mình. Lớn lên, ruộng chùa không còn trồng lúa nữa, giờ đất bồi lấp ruộng thành rừng keo lai, trâu cũng chẳng còn, hố trâu mẹp mùa nắng chẳng còn bùn để khô cong queo..., và tôi đã lớn phổng phao thành thiếu nữ, chẳng còn là một cô bé đen nhẻm đội nắng lội ruộng mót lúa như xưa.

Có lần, có dì mua chai bao vào nhà gom mấy cái lon bia và thùng giấy. Nói chuyện một hồi dì bảo nhà dì ở dưới cánh đồng Thanh Lam, có làm ruộng. Tôi lần lữa hỏi "rứa dì làm lúa có bán không, cho con mua", dì bảo năm nào dư thì bán. Dưới cánh đồng Thanh Lam chừ, nông dân toàn gieo cấy giống lúa khang dân để nhập cho người ta chế biến thành thức ăn gia súc. Giá cả không cao nhưng loại lúa đó chịu được thời tiết và năng suất lớn, trồng dễ có lãi hơn nên người dân các vùng quê Thừa Thiên Huế thường gieo cấy lúa này.

Nam Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ai ơi bưng bát cơm đầy...”

Đã quá lâu rồi, tôi chưa ăn lại cơm gạo đỏ ở nhà mình. Nhưng trong sở thích đứa con nít là tôi hồi đó thì tôi thích ăn cơm gạo trắng hơn, vì cơm gạo trắng mềm và dẻo.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy  ”
“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao

Mùa nấm tràm nở rộ. Các chị, các o, mệ ở TP. Huế ngày nào cũng lượn vài vòng lên khu vực đàn Nam Giao để lựa chọn, mua cho bằng được những rổ nấm tràm căng mọng, óng mượt.

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao
Mưa ký ức

Mỗi năm, cứ theo tuần hoàn của đất trời vào mùa mà những cơn mưa cứ như một người bạn quyến luyến mảnh đất này nên cứ tới hẹn là ghé về thăm.

Mưa ký ức
Biển lặng

Không có cảnh chen chúc. Không bán hàng rong chào mời. Không bãi giữ xe. Vắng hẳn tiếng người í ới. Chỉ có những con sóng cứ vỗ đều đặn vào bờ là không hề khác.

Biển lặng
Tháng năm về trên Huế

Tháng năm, Huế bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Học sinh, sinh viên quay trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ vì ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Bên dòng sông Hương, những cây phượng vĩ đã bắt đầu nở những chùm hoa đỏ rực, chói chang như màu nắng tháng năm.

Tháng năm về trên Huế
Return to top