ClockThứ Tư, 08/11/2017 10:27

Anh thợ sửa đồng hồ cứu cụ bà sụt ống cống trong mưa lũ

TTH - Cụ bà đang đi trên đường Phan Đình Phùng bỗng dưng xẩy chân xuống ống cống nơi hệ thống thoát nước đang thi công ở khu vực chợ Bến Ngự và bị dòng nước lũ cuồn cuộn cuốn kẹt sâu. May mắn thoát chết nhờ một người đàn ông làm nghề sửa đồng hồ Nguyễn Văn Dũng làm nghề cạnh đó lao xuống cứu kịp.

Cập nhật tình hình mưa lũ toàn tỉnhBão số 13 suy yếu thành áp thấp trên biểnTình hình mưa bão diễn biến phức tạp, nước có khả năng lên trở lại

Nhìn ánh mặt, nụ cười của người cứu, và người được cứu mới thấy nỗi niềm hạnh phúc sau giây phút thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Hôm ấy (5/11), trời Huế mưa như trút nước, dòng nước lũ đổ mạnh về các tuyến phố...

Giây phút kinh hoàng

“Nếu không có anh Dũng lao ra chắc có lẽ giờ này tôi không ngồi trò chuyện như hôm nay”, cụ bà Dương Thị Mật vừa bước qua tuổi 70 nhà ở một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ rùng mình kể lại. Sự việc xảy ra tầm 6g30 sáng 5/11 ngay chân cầu Bến Ngự trên đường Phan Đình Phùng, TP. Huế. Từ khi bà Mật bị nhấn chìm cho đến khi được cứu chỉ khoảng 10 phút.

Cũng như thường ngày, bà Mật có việc đi xuống phố. Khi vừa đến chân cầu Bến Ngự trời đổ mưa lớn. Theo quán tính, bà cứ đi. “Phía trước mặt là công trình đang thi công, có giăng dây chắn cảnh báo nhưng tôi thấy vẫn được đổ đất đá bằng phẳng, có chiếc xe đạp của ai dựng ở đó. Rồi tôi đi như bình thường. Nào ngờ vừa bước được vài bước thì đất đá sụt lún, tôi rớt tõm xuống hố, đất đá cứ thế phủ lên, nhấn chìm người...”, bà Mật nhớ lại dây phút kinh hoàng. Tiếng hô cứu của bà vang lớn nhưng vẫn không ai nghe. Bà nghĩ mọi thứ có thể vô vọng, mình sẽ chết. Trời càng lúc mưa càng lớn, nước cuốn bà sâu vào bên trong cống, ngập tận cổ.

Anh Nguyễn Văn Dũng bên miệng "hố tử thần" nơi bà Mật xẩy chân

Dùng hết sức, bà Mật cố hét lớn thêm một lần nữa. May thay, anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi) lúc ấy đang trên đường từ nhà ở Phan Bội Châu xuống chợ Bến Ngự để mở quầy bắt đầu công việc sửa đồng hồ như mọi ngày nghe thấy và tri hô kêu cứu. Mưa như trút nước. Trên đường không có một bóng người. “Vậy là tôi lao xuống. Không ngờ ở bên dưới cống nước chảy xiết, đất đá đổ mạnh xuống, đẩy cả tôi và bà Mật lùi sâu phía cuối miệng cống. Tưởng chừng sẽ thoát ra được ở phía sông An Cựu nhưng không. Ngay miệng cống có một tấm thép chắn lại. Mọi thứ như tuyệt vọng”, anh Dũng “ớn lạnh” khi kể lại.

Biết không thể kéo được bà Mật, anh Dũng còn cách bơi ra một mình với hy vọng giữ được mạng sống còn hơn là chết hai người. Sau một hồi lên được mặt đất, anh kêu cứu khắp nơi nhưng người đi đường không ai nghe thấy vì mưa quá to. Anh lại một mình lao xuống ống cống. Rất may, lần này anh đã xoay trở, thắng được lực nước, cứu bà Mật. 

Clip anh Dũng - người dũng cảm lao mình xuống cứu sống bà Mật kể lại giây phút đối mặt với tử thần

Đưa được bà Mật lên, người đi đường mới ùa lại. Lúc ấy, cả anh và bà Mật rã rời, tay chấn trầy xước. “Tôi chỉ kịp dùng áo ấm của mình và áo mưa ủ ấm cho bà, rồi sau đó mọi người đưa bà đi viện...”, anh Dũng kể tiếp, và gọi câu chuyện cứu người của mình là... duyên số. Cái duyên ấy khó nói thành lời và chỉ diễn ra trong tích tắt.

“Cứu được mạng người là vui rồi”

Ba ngày kể từ khi sự việc xảy ra, cả người cứu lẫn người được cứu vẫn ám ảnh. Trong câu chuyện với chúng tôi ở căn nhà cạnh chợ Trường An bên vợ cùng hai đứa con nhỏ có những lúc trầm xuống. Đêm anh ngủ chập chờn vì nỗi lo âu, lỡ mình không đến đó kịp thì chuyện gì sẽ xảy ra. Hỏi anh có sợ không, anh nói: “Sợ lắm chứ, nhưng không còn cách nào khác. Cứu được mạng người là vui lắm rồi”.

Ngồi cạnh, chị Trần Thị Nhị vợ anh, kéo ống quần chồng lên lộ những vết trầy xước với giọng run sợ. Chị Nhị kể lại, sáng đó anh vừa ra khỏi nhà chừng một tiếng rồi quay về. Nghĩ là mưa lớn, không bán, sửa đồng hồ được bởi không có khách. Nhưng không, khi nhìn thấy bộ dạng anh, chị giật mình. “Người lấm len bùn đất, ướt từ đầu đến chân. Tôi nghĩ anh bị tai nạn nhưng hỏi anh không nói. Hàng xóm cho rằng anh say xỉn từ tối qua giờ mới về đến nhà”, chị Nhị thuật lại với giọng sợ hãi. Hồi lâu, khi đã bình tĩnh, kể lại chuyện cho vợ, khi đó chị Nhị mới té ngửa. Chị vừa mừng, vừa tủi. Lo lắng vạn lần những cũng chừng ấy hạnh phúc bởi “cứu một mạng người hơn xây tòa tháp bảy tầng”.

Bà Dương Thị Mật hạnh phúc sau khi thoát chết nhờ sự dũng cảm của anh Dũng

Ngay khi anh Dũng nhảy xuống cứu, một vài người đã khuyên can bởi đó chẳng khác chi một bãi lầy, cả hai sẽ chết! Anh Nguyễn Hữu Phước, nhà cạnh nơi xảy ra sự việc - chứng kiến vụ từ đầu đến cuối câu chuyện chỉ biết nói: “Chẳng khác gì một thước phim mạo hiểm nước ngoài, tôi đứng trên lầu cứng cả miệng và ngây người. Dũng thiệt là dũng cảm”.

Bà Mật đến tối 7/11 vẫn còn mệt mỏi nhưng đã tỉnh táo. Sau khi đi viện, chụp phim về bà được chẩn đoán bị thương nhẹ. Về đến nhà, xem tin tức thấy tình hình bão lũ nhiều ngày qua mới thấy mình vô cùng may mắn khi được cứu kịp thời, trong khi nhiều người vĩnh viễn ra đi vì gặp nạn.

Trong lớp chăn dày khi trò chuyện, bà rùng mình kể rằng lúc được anh Dũng kéo lên rất đau bởi tuổi lớn, xương loãng, “nhưng thà đau còn hơn thà chết”. Mọi thứ giấy tờ từ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân... trôi theo dòng nước. Hỏi bà gặp lại ân nhân chưa, bà xúc động bảo vẫn chưa. “Tôi đau quá, nói ít hôm nữa tìm ra chợ cảm ơn chú Dũng. Chưa kịp thì chú đã điện thăm hỏi tôi” – bà Mật nghẹn ngào – “Chú Dũng ân nhân của tôi, không có chú chắc mạng sống này giờ đã về với mây trời”.

Clip bà Mật kể lại thời điểm kinh hoàng sau khi được cứu sống

   Bài, ảnh, clip : PHAN THÀNH

 

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

Trái tim hiến từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đập những nhịp đầu tiên trong cơ thể một bệnh nhân đánh dấu thành công cho hành trình chuyển giao sự sống. Đây là ca ghép kỷ lục với thời gian cấy ghép tim chỉ hơn 50 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top