ClockThứ Sáu, 18/06/2021 19:30

Áp lực tác nghiệp trong đại dịch

TTH.VN - Hai năm đại dịch bùng phát đã làm thay đổi mọi thứ. Phóng viên báo chí theo đó cũng “tuỳ cơ ứng biến” để có thể vừa tác nghiệp, đưa thông tin đến công chúng, song cũng phảm đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Xét nghiệm COVID-19 lần thứ ba cho phóng viên báo chí và lực lượng phục vụ Đại hội XIII của ĐảngĐề nghị hỗ trợ phóng viên, lao động cơ quan báo chí theo Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủHạnh phúc của người làm báo“Nhà báo không thẻ”

Các phóng viên tác nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2, nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19

Đối mặt với rủi ro 

Bối rối và thậm chí cả lo sợ… là những gì mà cả xã hội phải đối mặt kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra. Phóng viên, những người làm báo cũng thế. Thống kê chưa đầy đủ của một tổ chức phi lợi nhuận cho biết kể từ ngày 1/3/2020 đến nay, đã có hơn 600 nhân viên truyền thông báo chí trên thế giới chết vì COVID-19.

Một đêm đầu tháng 3/2020, khi chính quyền phát đi thông báo Huế xác nhận có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là nữ du khách người Anh lưu lại ở khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, TP. Huế, nhiều phóng viên đã có mặt tại phố Tây để tác nghiệp. Đó là kỉ niệm tác nghiệp đáng nhớ, khi lần đầu gần như ai cũng khẩu trang kín mít và không nói với nhau lời nào. Tất cả hồi hộp chụp, quay hình ảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tiêu độc khử trùng.

Dù thế, nhiều phóng viên cũng tỏ ra lo lắng bởi những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp. “Nguy hiểm quá. Phải làm sao đây?” – Đó là câu hỏi của một đồng nghiệp trẻ thường trú tại Huế với tôi khi đọc tin một nữ nhà báo ở Hà Nội thuộc TTXVN mắc COVID-19. Thời điểm đó là cuối tháng 3/2020, người đồng nghiệp này lây nhiễm trong quá trình tác nghiệp. Nhiều nơi nữ phóng viên tiếp xúc bị phong toả, nhiều đồng nghiệp báo khác từng tiếp xúc cũng phải tự cách ly.

Liên tiếp những ca nhiễm COVID-19 sau đó được phát hiện trên cả nước. Bên cạnh những lực lượng ở tuyến đầu tham gia chống dịch, đội ngũ báo chí cũng song hành trong công tác thông tin, tuyên truyền. Hàng trăm phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tin đại chúng, đài phát thanh, truyền hình liên tục theo dõi, đưa tin về các ca mắc mới, các biện pháp phòng chống dịch...

Phóng viên Lê Thọ - Báo Thừa Thiên Huế, người từng tác nghiệp ở khu xét nghiệm COVID-19, các bệnh viện, vùng tâm dịch… kể rằng  luôn cảm thấy áp lực và căng thẳng khi phải tác nghiệp trong những môi trường như thế. Người lúc nào cũng mang đồ bảo hộ nên rất nóng, để có thể quay được những hình ảnh tốt không hề đơn giản.

“Tuy nhiên, bây giờ công nghệ hiện đại, ở những không gian đặc biệt đó chỉ cần có smartphone. Vừa cùng lúc quay, vừa có thể chụp hình. Việc xử lý hậu kỳ cũng rất nhanh chóng”, phóng viên Lê Thọ cho hay và khẳng định: Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và tuân thủ quy định ngành y tế đưa ra, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro!

Trong khi đó, nữ phóng viên Tường Vi – Cơ quan thường trú TTXVN tại Huế hầu như có mặt ở những điểm nóng COVID-19. Chị Vi kể, mỗi lần đi đều được lực lượng làm nhiệm vụ ở đó tạo điều kiện và trang bị thiết bị bảo hộ nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng. “Quá trình tác nghiệp, được tiếp xúc với đội ngũ y bác sỹ cũng như lực lượng quân đội ở đó mới thấu hiểu được nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Có lẽ những vất vả khiến mình có động lực để chuyển tải những thông tin kịp thời nhất, cảm động nhất đến độc giả”, chị Vi tâm sự.

Vào "điểm nóng"

Nhiều phóng viên, nhà báo đã có mặt ở những điểm nóng, nơi có những ổ dịch lan ra cộng đồng, bệnh viện nơi điều trị các ca F0 để thông tin chính xác đến bạn đọc. 

Cũng như phóng viên, nhà báo trên khắp cả nước, những đồng nghiệp làm việc tại Huế thời điểm đó chủ yếu tập trung về Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2, bởi đây là nơi điều trị cho rất nhiều ca bệnh nặng được tiếp nhận từ Đà Nẵng, Quảng Nam.

Việc tác nghiệp trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra không chỉ vất vả mà còn rất áp lực

Do ảnh hưởng của dịch và vì là những ngày đầu Huế có dịch nên tâm lý ai cũng lo ngại. Những người làm báo đều được cảnh báo, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc đông người. Thời điểm đó, mọi người chủ yếu làm việc ở nhà và qua điện thoại, máy tính. Thông tin được cập nhật thông qua các cuộc điện thoại, còn lại hình ảnh được các bác sĩ điều trị ở bên trong khu điều trị đặc biệt cung cấp.

Khi tình hình dịch bệnh ở Huế cơ bản được kiểm soát, nhiều phóng viên đã xin được vào tác nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2. Để vào được đây, mọi người phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt do bệnh viện đề ra. Có những phóng viên chỉ đứng bên ngoài khu điều trị, nhưng cũng có phóng viên được tạo điều kiện vào phòng điều trị trực tiếp ghi hình.

“Phải mặc trang bị bảo hộ. Không được cầm gì thêm vào. Khi vào bên trong, bệnh viện bố trí một chiếc điện thoại thông minh để phóng viên có thể quay phim, chụp hình. Bằng kết nối internet, phim/ảnh được chuyển đến tòa soạn bằng một số ứng dụng khác…”, một phóng viên trẻ thường trú ở Huế chia sẻ. Người đồng nghiệp này nói rằng, chưa khi nào tác nghiệp trong một trường hợp vừa nguy hiểm, vừa ngặt nghèo như thế. “Nhưng đó là một kỉ niệm khó quên trong hành trình làm báo. Đó là cách để mình hiểu thêm, thích ứng trong mọi hoàn cảnh tác nghiệp”, phóng viên này tâm sự.

Những thông tin, hình ảnh vô cùng quý giá trải qua quy trình xử lý trước khi xuất hiện trên các bản tin, tờ báo... Từ đó, độc giả có thể cảm nhận được tình hình thực tế bên trong khu điều trị, cũng như sự gian nan vất vả của đội ngũ bác sĩ đang phải đối mặt.

Hơn một năm qua đi, diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết. Trong đợt bùng phát thứ 4 vừa rồi, Huế có 5 ca dương tính, nhiều vùng buộc phải cách ly, giãn cách. Tuy nhiên, công việc của người làm báo tiếp tục với vai trò quan trọng trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Dẫu biết có đôi phần âu lo khi sẵn sàng vào điểm nóng, nhưng vượt qua tất cả, những người làm báo kiên cường vừa có biện pháp bảo vệ bản thân, vừa làm tốt sứ mệnh nghề nghiệp.

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2021) GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thư chúc mừng các cơ quan báo chí. Trong thư, thay mặt ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi tới toàn thể các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo trên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, nhiều nhà báo đã dấn thân, sẵn sàng xung phong tác nghiệp tại “tâm dịch”, kịp thời có mặt tại các “điểm nóng”, phản ánh toàn diện những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội nhằm chiến thắng dịch bệnh, hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Y tế tin tưởng đội ngũ những người làm báo cả nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Báo chí Cách mạng Việt Nam, luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và nỗ lực, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Phóng viên, nhà báo được ưu tiên tiêm vắc xin

Lực lượng phóng viên, nhà báo được xếp vào 11 nhóm đối tượng được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Những ngày qua, hàng chục phóng viên, nhà báo trực tiếp tham gia đưa tin về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua vừa được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Trước khi tiêm, họ được đo thân nhiệt, huyết áp, khai báo tiền sử bệnh lý và được bác sĩ thăm khám, tư vấn chu đáo. Quá trình vắc xin diễn ra thuận lợi, không có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng
SÂN CHƠI BÓNG ĐÁ BÁO CHÍ MIỀN TRUNG:
Hân hoan tuổi lên 10

Từ giải bóng đá do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức đã cho ra đời Giải Bóng đá Báo chí Thừa Thiên Huế mở rộng, và rồi trở thành Giải Bóng đá Báo chí miền Trung. Đó là hành trình 10 năm gầy dựng và phát triển.

Hân hoan tuổi lên 10
Tác nghiệp trên sóng Trường Sa: Nước mắt và nụ cười

Thời gian chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là 18 ngày, nhưng với tôi, cảm xúc trong trái tim mãi đầy theo năm tháng, khi đã được “chạm” vào thiêng liêng tiếng sóng; rưng rưng ngước lên Quốc kỳ hiên ngang tung bay, in vào sóng bóng hình đất nước; mang theo hình ảnh người lính kiên cường giữa trùng khơi, cất lên giọng hát hào hùng: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”

Tác nghiệp trên sóng Trường Sa Nước mắt và nụ cười
Thừa Thiên Huế - nơi ghi dấu Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí

Thừa Thiên Huế không phải quê hương của đồng chí Phan Đăng Lưu, nhưng đã chứng kiến và ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ năm 1936, đặc biệt những đóng góp to lớn trên lĩnh vực báo chí. Những di tích và một số địa điểm gắn liền với những hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu trên quê hương Thừa Thiên Huế không chỉ là niềm tự hào, mà còn có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thừa Thiên Huế - nơi ghi dấu Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí
“Đi du lịch cũng là để học"

Trên chuyến xe đưa tôi cùng những người làm du lịch ra Quảng Bình khảo sát, học tập mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP, anh Tú - đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Đi du lịch cũng là để học. Anh đi học để làm nghề du lịch, em đi học để khám phá những mô hình mới, cập nhật thông tin để có bài viết hay”. Quả thực, với người làm báo, mỗi chuyến đi là một lần học.

“Đi du lịch cũng là để học
Return to top