Thu tôm lúc… 0 giờ
Gặp bà Bé thời điểm này không phải dễ, bởi đây là “mùa cao điểm” vụ tôm đầu năm 2016, bà con vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải đang hối hả thu tôm trước Tết. Câu chuyện giữa chúng tôi cứ bị ngắt quãng bởi hàng chục cuộc điện thoại “giao dịch” của bà với khách hàng.
Bà Trần Thị Bé, kiểm tra tôm thu mua
Bà Bé bảo: “Chú nói tui là chủ đại lý, “doanh nghiệp” cũng được, mà nông dân cũng không sai”.
Xuất thân con nhà nông, bà Bé chuyển sang nghề thu hải sản trên vùng đầm phá Ngũ Điền từ năm 1991- thời con tôm sú đang là “cứu cánh” cho hàng nghìn hộ dân. Đến năm 2002, bà Bé là thương lái đầu tiên bắt tay thu mua với những “đại gia” tôm một thời như các ông Nguyễn Chớ, Nguyễn Doan (xã Phong Hải).
Ấn tượng khó phai trong lòng dân Phong Điền không phải là những lần lỗ lãi ngã giá giữa người mua kẻ bán, mà là sự có mặt kịp thời của bà Bé hỗ trợ nguồn vốn tái đầu tư, thu mua hải sản lúc người nuôi tôm lâm nguy, khốn khó.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Bé bảo: “Mình giúp bà con mà kể mần chi”. Có lẽ, bà không còn nhớ mình bao nhiêu lần giúp những hộ nuôi tôm, nhưng người nuôi thì nhớ mãi!
Thu tôm ở Phong Điền
Vụ tôm năm 2014, hộ anh Nguyễn Mão (thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải) nuôi hồ 3.000m2, thời điểm nuôi được 3 tháng, anh đã đầu tư mấy trăm triệu đồng. Lúc 0 giờ đêm, xảy ra sự cố rách bạt, tôm thoát ra vô số kể.
Anh Mão nhớ lại: “Đêm tối, tui làm đủ cách để cứu hồ nhưng vô vọng, suýt ngã quỵ giữa vùng tôm. Tui hô hoán: “Bà con ơi cứu với”. Nhiều chủ hồ mang máy bơm bơm nước từ biển vào hồ để cứu tôm. Cầm cự được chừng mấy chục phút thì tui bật điện thoại gọi bà Bé ra “cứu” hồ”.
Nhận được tin, bà Bé “điều” xe, mang thùng xốp đựng đá tới ngay hồ để thu mua, nếu chậm trễ, tôm sẽ chết, người nuôi xem như mất trắng. Những hộ dân quanh đó cũng xuống hồ giúp anh Mão thu hoạch tôm. Vụ tôm năm đó hồ anh Mão thu được gần 10 tấn, lượng tôm đạt 100 con/kg, được bà Bé mua với giá 110-120 nghìn đồng/kg. Tính ra dù gặp sự cố, nhờ sự giúp đỡ kịp thời của những người dân và có mặt thu mua ngay trong đêm của thương lái như bà Bé mà trừ chi phí, sau vụ tôm anh Mão lãi được vài trăm triệu đồng.
Không chỉ cứu các hồ nuôi bị rách bạt, khi gặp sự cố dịch bệnh, mưa lớn gây vỡ hồ, bà Bé cũng chia sẻ với bà con. Chỉ cách đây vài năm, hộ ông Phan Trình (thôn Hải Nhuận), bị vỡ hồ 1.000m2 vào thời điểm tôm nuôi đạt gần 3 tháng. Lúc 1 giờ sáng, do mưa lớn làm các bờ đê bị sạt, tôm thoát ra biển số lượng khá nhiều. Anh Trình cũng nhiều hộ dân tìm cách ngăn nước thoát ra và điện thoại “cấp báo” bà Bé đến thu mua tôm.
Dù gặp sự cố, tôm còn nhỏ 120 con/kg, nhưng nhờ sự cứu giúp kịp thời, bà Bé mua tôm với giá 80-90 nghìn/kg mà hộ anh Trình hoàn vốn, có tiền tái đầu tư cho vụ sau.
Bình quân mỗi ngày, bà Bé thu mua tôm cho bà con vùng Ngũ Điền, Phong Hải để bán ra các tỉnh phía Bắc khoảng 10-15 tấn. Với giá thỏa thuận hợp lý, nhiều chủ hồ nuôi rất phấn khởi khi có đầu ra ổn định, lâu dài.
Cùng nông dân làm giàu
Ngoài đảm bảo đầu ra, nguồn vốn bà Bé cho vay không tính lãi với các hộ dân đã giúp nhiều chủ hồ tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm, nhất là các chủ nuôi bị thất bát, dịch bệnh. Bà Bé cho biết: “Cứ một vụ nuôi tôm ở Phong Hải, bình quân mỗi hộ tui cho mượn từ 40-50 triệu đồng. Như vụ tôm đầu năm 2016 ni, thời điểm này tui cho bà con vay để trang trải chi phí tiền điện lên đến gần 1 tỷ đồng. Số tiền này khi thu tôm bà con đều thanh toán đầy đủ. Mình làm ăn ngoài uy tín thì phải hỗ trợ nhau lúc gặp khó khăn. Có bà con mới có mình như hôm nay”.
Toàn huyện Phong Điền hàng năm đưa vào nuôi trồng khoảng 500 ha tôm thẻ chân trắng trong đó, xã Phong Hải là địa phương có diện tích tôm lớn nhất vùng với hơn 100 ha (2 vụ). Hiện nay, khoảng 90% tôm ở vùng Ngũ Điền, xã Phong Hải đều bán cho tư thương Trần Thị Bé. Còn lại, bán cho doanh nghiệp trên địa bàn.
|
Cầm mấy chục triệu trong tay, hộ ông Nguyễn Hải Đằng (thôn Hải Đông) nói như tri ân: “Vụ nuôi trước không được may mắn. Sang vụ nuôi đầu năm 2016, tui điện chị Bé hỏi mượn mấy chục triệu. Tính toán lui tới còn thiếu tiền đầu tư, nếu có mấy chục triệu nữa mới dám bơm nước vô hồ. Nhờ tiền chị Bé cho vay kịp thời mà vụ tôm năm nay tui triển khai nuôi được”. Tính đến thời điểm này, tôm nuôi hộ anh Đăng đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Bình quân một vụ, bà con nuôi tôm ở Phong Điền chi phí tiền điện khoảng 27-30 triệu/hồ cho máy chạy sục khí. Chỉ cần không đủ chi phí trả tiền, mất điện vài phút cũng có thể xảy ra sự cố, người nuôi tôm có thể mất trắng. Bởi vậy, việc cho vay tiền kịp thời từ nguồn tiền của bà Bé đã giúp bà con nuôi tôm thoát khỏi cơn “bĩ cực”!
Bà Bé tâm sự: “Nhiều lúc bà con Ngũ Điền cứ đùa “tiền mụ Bé là tiền hên” nên đầu vụ khi “động thổ” cải tạo hồ, chuẩn bị nuôi tôm, nhiều hộ mời mình đến dự. Rồi khi bà con trúng vụ, cũng chân thành mời mình đến chia vui. Buôn bán là sòng phẳng, nhưng tình cảm bà con khiến mình rất vui”.
Tiếng lành đồn xa. Tấm lòng bà Bé giúp nông dân làm giàu đã đi xa tận… hải ngoại. “Có lần đi du lịch sang Úc, bà con bên đó nhiều người vốn ở vùng Phong Điền, biết mình tới họ thăm rất đông. Dù ở xa nhưng tình cảm rất đầm ấm. Có người còn cho quà bánh, rượu để mang về quê làm quà nữa”, bà Bé kể.
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, nhận xét: “Hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn chủ yếu bán cho tư thương Bé Thọ (bà Trần Thị Bé). Nhờ sự hợp tác làm ăn giữa chủ thu mua với người nuôi tôm nên nhiều hộ cũng có điều kiện tái sản xuất. Cá nhân bà Bé còn là người tích cực tham gia các hoạt động quyên góp xây dựng tại địa phương, hoạt động từ thiện…”
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH