Thành viên Nhóm thiện nguyện Người Việt Trẻ tặng quà cho người mưu sinh trong đêm
Đồng cảm
Đêm khuya những ngày cuối tháng Chạp, ai cũng muốn về nhà thật nhanh, sum họp bên gia đình. Lặng lẽ trong dòng người hối hả, những bạn trẻ âm thầm mang những món quà sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những cô chú lao công vất vả… Họ là những bạn trẻ đến từ Nhóm thiện nguyện Người Việt Trẻ. Hầu hết trong số họ đang là sinh viên đang theo học các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. Huế. Chút tình người và ước mong không ai phải cô đơn, buồn tủi như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm những trái tim cô quạnh là điều mà nhóm này hướng tới.
21h đêm, khi đường phố thưa vắng người, cũng là lúc hàng chục bạn trẻ của Nhóm thiện nguyện Người Việt Trẻ bắt đầu rảo khắp các nẻo đường tìm những hoàn cảnh khó khăn tặng quà. Xe chạy thật chậm, hễ gặp hoàn cảnh nào, thành viên của nhóm lập tức dừng xe thăm hỏi. Những câu chuyện mưu sinh, quê quán, đời sống, thu nhập… được những phận đời nghèo khó chia sẻ thật thà như trải lòng với những người quan tâm. Để rồi, những bạn trẻ tặng món quà khiến các hoàn cảnh bất ngờ rồi xúc động.
Trần Ân, thành viên trụ cột của Nhóm thiện nguyện Người Việt Trẻ là một trong những người chia các nhóm, toả đi nhiều cung đường với lời dặn dò: “Hãy trao quà cho các hoàn cảnh bằng tình yêu thương, trân trọng. Đừng nghĩ mình đang ban ơn cho ai, và cũng đừng cố để trao thật nhanh để về sớm. Tất cả những món quà này là tình cảm của nhiều người gom góp lại”.
Nửa đêm, các thành viên của nhóm gặp một cụ bà ngoài 60 tuổi đang lọ mọ nhặt ve chai trên đường phố. Ngay khi vừa dừng xe, cả nhóm xúc động khi biết được hoàn cảnh của cụ bà mưu sinh mấy chục năm như thế. Những bạn trẻ cố nán lại thật lâu, trò chuyện và động viên trước khi trao món quà gồm chăn, bánh mì, nước lọc, gạo… trước sự ngỡ ngàng của cụ bà. “Cứ cận kề tết, tôi lại nhận được những món quà như thế. Nhưng cách các bạn trẻ trao tặng và hỏi thăm lần này thật dễ thương và ấm áp làm sao”, cụ bà tâm tình.
Càng về khuya, những phận người cố thu mình lại để xua bớt sương giá. Những người làm thiện nguyện cố nán lại trò chuyện, động viên. Cũng có những món quà được đặt nhẹ nhàng bên cạnh họ vì không ai nỡ đánh thức một giấc ngủ say sau một ngày mệt nhoài. Cứ thế, các bạn trẻ lại rong ruổi nhiều tuyến đường khác nhau, âm thầm gieo yêu thương, sẻ chia, đồng cảm với những phận đời gian truân.
Bao lì xì từ những cuốn lịch khuyến đọc
Cũng xuống đường thiện nguyện trong những ngày cận Tết, nhóm “Trạm đọc” của các bạn trẻ đang theo học ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh và hiện đang là cộng tác viên của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cũng rất độc đáo. Trong quá trình triển khai trạm đọc miễn phí ở công viên, nhóm đã chụp rất nhiều hình với ý định ban đầu chỉ để lưu giữ kỉ niệm. Cho đến khi, một thành viên trong nhóm có ý tưởng: “Tại sao không in những hình ảnh ấy lên lịch và bán để gây quỹ từ thiện vào dịp tết?” Ý tưởng lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Nụ cười của một bà cụ khi nhận bao lì xì từ thành viên nhóm "Trạm đọc"
Tuyết Vân, thành viên của nhóm bảo rằng, với ý tưởng đó, cả nhóm có thể vừa lan toả hình ảnh đẹp trong cuộc sống, kêu gọi mọi người đọc sách và quan trọng hơn nữa là “khi bạn mua một cuốn lịch, bạn đã ít nhiều giúp được những phận đời khó khăn khác”. Rất nhiều hình ảnh được tập hợp về một đầu mối, rồi mọi người cùng nhau thiết kế lịch và “mời chào” mọi người biết đến trạm đọc để mua.
“Ban đầu tụi em cũng ngại, nhưng rồi khi biết ý nghĩa của công việc, ai ai cũng ủng hộ. Có người đặt mua rất nhiều cuốn, có người còn góp thêm tiền nhờ chuyển đến các hoàn cảnh khó khăn”, Tuyết Vân tâm sự. Đó cũng là lý do mà hơn chục thành viên của nhóm nán lại Huế, về Tết muộn hơn.
Toàn bộ số tiền gây quỹ từ việc bán lịch, cả nhóm đã chia ra rồi bỏ vào bao lì xì trước khi mang Tết đến với những “trái tim cần sưởi ấm”. Cả nhóm cùng nhau xuống phố, tìm gặp những hoàn cảnh khó khăn để trao mỗi phong bì lì xì trị giá 150.000 đồng một cách trân trọng. Dù không nhiều nhưng đó cũng là tấm lòng, ân tình của những bạn trẻ.
Đặc biệt hơn, nhóm còn gặp những phận đời nghị lực. “Điều làm chúng mình bất ngờ nhất là họ không bao giờ tắt đi nụ cười trên môi. Có một mệ bán rau dọc đường, mệ luôn cười tươi và nói chuyện rất vui vẻ. Lúc mệ nói chuyện với chúng mình, mệ cười hạnh phúc lắm, đôi bàn tay đen sạm, thô ráp nhưng rất ấm áp, nắm chặt lấy tay của từng đứa trong nhóm. Phải chăng đó là cách họ sống giữa khó khăn?” – một thành viên trong nhóm suy luận. Để rồi, mọi người cùng cảm nhận được rằng, sự sẻ chia chính là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giúp người với người thêm gắn kết hơn.
Mỗi nhóm thiện nguyện một cách làm, nhưng tất cả đã chạm vào trái tim không chỉ người nhận mà lẫn người cho. Yêu thương, chia sẻ chưa bao giờ là muộn…
Bài, ảnh: NHẬT MINH