ClockThứ Bảy, 23/10/2021 18:45

Bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

TTH.VN - Làm gì để “bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng” là vấn đề được đặt ra tại buổi giao lưu trực tuyến do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD Việt Nam) - Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức, với sự tài trợ của tổ chức Save the Children vào chiều 23/10.

Internet, mạng xã hội ẩn hoạ những vấn nạn khôn lường nếu không biết cách dùng

Nhiều rủi ro

“Chúng con thường xuyên mất ngủ khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Ở đó, thi thoảng còn gặp các thông tin ngoài ý muốn. Ngoài ra, chúng con còn biết được có rất nhiều bạn bị các đối tượng xấu lôi kéo, trở thành nạn nhân và bị bắt cóc…”, Yến Nhi, học sinh lớp 9 Trường THCS Thuỷ Phù (TX. Hương Thuỷ) thật thà chia sẻ. Không riêng gì Nhi, đó là thực trạng chung mà nhiều trẻ em đối mặt và thường xuyên được cảnh báo trên thông tin đại chúng.  

Bảo Trâm – một người tham gia buổi giao lưu trực tuyến nói thêm, còn có rủi ro khác xuất hiện như sự riêng tư, thông tin cá nhân bị xâm phạm; văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em và nạn buôn bán trẻ em, bắt nạt trẻ em trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, TP. Huế cho rằng đây là thời điểm “bùng nổ” của công nghệ thông tin, internet. Do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, việc tiếp cận internet giai đoạn này rất thông dụng, để phục vụ việc học online. Theo cô Phượng, mạng xã hội, internet hỗ trợ đặc lực cho việc dạy và học. Tuy nhiên mạng xã hội mang lại một số rủi ro, thách thức, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ các em.  “Một số thông tin các em tiếp cận đã trực tiếp ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tình cảm của các em mà ngay các em cũng không ý thức được. Dẫn đến trở thành nạn nhân, thậm chí vi phạm pháp luật”, cô Phượng chia sẻ.  

Ở góc nhìn khác, chị Đặng Thị Lan Anh, Điều phối viên CRD Việt Nam thừa nhận, mạng ảo nhưng ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ, tinh thần là thật. Chị Lan Anh cho biết, hiện nay có một số thách thức trên mạng vô cùng nguy hiểm, những thách thức đó ảnh hưởng, đe doạ đến tính mạng của các em nếu các em không kịp nhận biết và có tư duy phản biện. “Có thực tế, đó là vấn đề xâm hại tình dục qua mạng bằng cách gửi tin nhắn, video phản cảm dụ dỗ các em thực hiện các hành vi xấu. Một khi nắm được thông tin, những người xấu đã biến rủi ro trên mạng thành rủi ro thực tế”, chị Lan Anh đưa ra ví dụ.

Phụ huynh có thật sự dành thời gian cho con?

Hiện nay rất nhiều phụ huynh đang “thả cửa” cho con em bằng cách giao cho máy tính và máy tính bảng để con khỏi nghịch, dễ quản lý.

Trước thực trạng đó, anh Võ Ca Dao - Giám đốc Công ty Dịch thuật và Truyền thông D-Institute đề nghị các em đặt ngược lại câu hỏi: “Ba mẹ dành thời gian cho các em ra sao, hay dành thời gian cho điện thoại, cho mạng xã hội”. Từ đó, đề nghị, đòi hỏi ba mẹ bớt sử dụng điện thoại, dành thời gian quan tâm cho các em. Bởi vai trò của người lớn phải là người tiên phong, chính họ nhìn nhận và chỉ rõ giúp các em mạng xã hội là nơi cung cấp giá trị tích cực.

Các khách mời, chuyên gia chia sẻ quan điểm về câu chuyện bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

Anh Ca Dao cũng nhắn gửi các em, việc bản vệ bản thân mình bắt đầu từ chính mình. Một khi gặp khó khăn cần phải chia sẻ, sử dụng quyền hỗ trợ từ người lớn, thầy cô, anh chị và các tổng đài bảo vệ quyền trẻ em. “Riêng tôi, tôi thường hướng con mình đến những trang web, mạng xã hội tích cực. Việc theo dõi những trang đó giúp con tiếp cận thông tin hay, tốt và tích cực. Ngoài ra, dành thời gian thực cho con hơn thời gian ảo”, anh Ca Dao chia sẻ.

Đồng tình với anh Ca Dao, cô Phượng chỉ rõ một phần các em gặp phải những vấn đề từ mạng xã hội có phần trách nhiệm từ người lớn. Ở góc độ nhà trường, cô Phượng nói thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề liên quan đến mạng xã hội, internet để giúp các em cư xử có văn hoá trên mạng, hướng dẫn các em sử dụng mạng có hiệu quả. Ngoài ra, trường có phòng tư vấn, nếu các em gặp rủi ro, không dám chia sẻ thì có thể thông qua phòng này để nhận được hỗ trợ, định hướng.

Trao đổi về chủ đề này ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Huy Hiển - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thông tin, việc sử dụng internet hiện nay khá phổ biến với mọi người, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, Việt Nam là nước được xếp vào hàng cao có số lượng người tham gia các trang mạng xã hội, youtube, viber, zalo…

Tuy nhiên, thực tế có nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm trẻ em qua mạng xã hội đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Trong đó, nguyên nhân đến từ gia đình. Chính phụ huynh là người sắm thiết bị, vì thế cần phải có định hướng, quản lý ngay từ đầu. “Rất nhiều bố mẹ không quan tâm, xem nhẹ việc sử dụng mạng xã hội của các em. Có trường hợp bố mẹ cấm đoán ngay từ đầu, như thế cũng không tốt. Cần phải định hướng, giúp đỡ con mình tiếp cận một cách khoa học, gần gũi các con để hiểu các con cần gì, muốn gì”, ông Hiển nói.  

Cũng theo ông Hiển, hiện nay công tác tuyên truyền sử dụng mạng xã hội an toàn đang được triển khai, lộ trình sẽ được đẩy mạnh trong tương lai. Về góc độ quản lý, trong 5 năm qua có nhiều quy định, chính sách, pháp luật việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được ban hành, trong đó tập trung ở Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng…

Về phía tỉnh, đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, lắng nghe các em. “Thời gian tới, sở sẽ ban hành đề án phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng”, ông Hiển cho hay.

Bài, ảnh: Nhật Minh - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top