ClockThứ Ba, 11/10/2016 13:51

Bắt đầu từ đam mê

TTH - Vừa đam mê nghiên cứu vi sinh vật, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vợ chồng cô giáo dạy môn sinh học Trường THTP A Lưới đã xây dựng mô hình nấm rơm sạch đầu tiên tại vùng cao A Lưới.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, cô giáo Đặng Thị Hồng (34 tuổi, người dân tộc Ba Na) và chồng là anh Tân Thiên Lý (36 tuổi, người dân tộc Tà Ôi) phấn khởi: “Ngôi nhà này có được chủ yếu là nhờ tiền thu nhập từ mô hình nấm sản suất nấm rơm sạch, còn lương giáo viên chỉ đủ trang trải cuộc sống”.

Mô hình nấm rơm của chị Đặng Thị Hồng

 Kể về quá trình xây dựng mô hình nấm rơm, chị Hồng cho biết, cả hai vợ chồng đều yêu thích nghiên cứu vi sinh vật từ khi còn là sinh viên Khoa Sinh Trường đại học Tây Nguyên. Do không có điều kiện thực hành nên chỉ nghiên cứu trên lý thuyết. Sau khi thành vợ, thành chồng và cùng công tác tại Trường THPT thị trấn A Lưới, niềm đam mê thời sinh viên thôi thúc vợ chồng trẻ dành dùm tiền lương gây dựng mô hình trồng nấm rơm. “Lúc đó, vợ chồng mình tự động viên nhau, nếu thành công thì có thêm thu nhập nhưng lỡ không như lý thuyết cũng xem như thỏa mãn đam mê”, chị Hồng vui vẻ.

Vợ chồng nhà giáo trẻ tranh thủ mọi thời gian rảnh và và những tháng hè, tự tay làm tất cả các khâu từ làm vòm nấm đến xử lý rơm, cấy meo, đặt bánh rơm… Mặc dù áp dụng đúng chuyên môn nhưng kết quả không như mong đợi, nhiều lứa nấm không đạt năng suất, có lứa không có thẻ nấm nào. Không nản, vợ chồng chị Hồng tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, thậm chí khăn gói đến một số mô hình nấm rơm ở các tỉnh khác để tìm hiểu. Khi biết được nấm rơm của mình phát triển không ổn là do ở A Lưới có nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá cao nên meo giống khó thích ứng. Vợ chồng chị Hồng khắc phục bằng cách khi trời lạnh quạt than để tăng nhiệt còn trời nắng thì đặt các chậu nước trong vòm nấm, đồng  thời thông gió thoát hơi để giữ nhiệt độ ổn định. “Ngoài việc đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt muốn nấm cho năng suất cao và chất lượng tốt cần chú ý đến chất lượng meo giống. Meo giống phải đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn”, anh Lý phân tích thêm.

Vòm nấm của vợ chồng chị Hồng đã phát triển tốt, cho năng suất cao, từ một nhà vòm với 200 bánh rơm lúc đầu nay đã phát triển lên thành 2 vòm nấm với 400 bánh nấm rơm. Mỗi năm thu hoạch khoảng 30 lứa, sau khi trừ các chi phí, vợ chồng chị Hồng thu nhập thêm gần 100 triệu đồng.

Không chỉ kiếm thêm thu nhập từ thời gian nhàn rỗi, mô hình nấm của chị còn là nơi tham quan sinh động cho học sinh trong các giờ thực hành môn sinh học; đồng thời, giải quyết việc làm cho 3 nhân công tại địa phương. Chị Hồng cho biết thêm, vì vợ chồng không có nhiều vốn nên trại nấm được làm cuốn chiếu và hoàn thiện dần dần. A Lưới là vùng có gió lớn nên nhà vòm phải làm hai lớp khá tốn kém, lớp bên trong bằng tre, lớp bên ngoài bê tông cốt thép. Tuy nhiên, với lợi thế nguồn rơm sẵn có tại địa phương, vào những tháng nghỉ hè, chị cùng chồng thu gom về phơi khô và chất dự trữ đủ cho cả năm làm nấm.

Theo chị Hồng, quy trình trồng nấm rơm khá đơn giản, gồm các bước cơ bản như: ủ rơm, đặt bánh rơm, cấy meo giống, bỏ bánh rơm vào trại, bánh rơm ra quả thẻ (nấm) và thu hoạch. Chu kỳ này từ 20 - 22 ngày, nhưng vào mùa lạnh tăng lên từ 28 - 30 ngày. Nhiệt độ trong vòm phải đảm bảo từ 28 - 32oC. Trên thị trường có bán một số chất kích thích nhưng mục tiêu của vợ chồng chị Hồng là nấm sạch nên trại hoàn toàn sử dụng các phương pháp sinh học. Vợ chồng cô giáo Hồng còn tận dụng rơm thải ra sau khi thu hoạch nấm để ủ thành phân hữu cơ vi sinh sử dụng sản xuất rau sạch.

Năm học vừa qua, cô giáo Đặng Thị Hồng đã làm đề tài kinh nghiệm với chủ đề: “Định hướng nghề nghiệp có sẵn ở địa phương cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT” được hội đồng chấm kinh nghiệm đánh xuất sắc. Theo chị Hồng, nếu học sinh sinh viên ra trường chưa có việc làm có thể tận dụng các thế mạnh địa phương để tự tạo việc làm cho bản thân. Chị Hồng được Hội LHPN huyện A Lưới mời tham gia vào thành viên mô hình hình sản xuất nông sản sạch của Hội LHPN huyện. 

TUẤN KHOA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

TIN MỚI

Return to top