Những nhân viên vệ sinh trong các ảnh này từ Huế vào hỗ trợ ngành y tế
Gác nỗi lo riêng
Gần 1 tháng nay, trong bộ đồ bảo hộ chống dịch, chị Văn Thị Phước (47 tuổi) luôn tay với công việc vệ sinh ở các buồng bệnh điều trị. Công việc chính của chị là lau chùi khử khuẩn ở mặt sàn, mặt tường, thành giường bệnh… đảm bảo cho buồng bệnh luôn sạch, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong môi trường y tế.
Chị Phước kể, nhà ở TP. Huế. Nhiều năm nay, chị là nhân viên vệ sinh ở Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện được “chi viện” vào TP. HCM để xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19, chị và các đồng nghiệp cũng nhận được lời kêu gọi vào miền Nam để hỗ trợ các y, bác sĩ trong công tác vệ sinh. Không một chút đắn đo, chị đã tình nguyện ghi tên vào danh sách.
Chị Phước kể, trước đó, qua báo đài, chị biết rõ TP. HCM là tâm dịch, tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp. Chị cũng lo lắng sẽ nhiễm bệnh, nhưng vượt lên nỗi lo lắng là tinh thần trách nhiệm với công việc và tình người đối với người bệnh. Có lẽ họ đang cần mình. Trước đó, chị đã được tập huấn, đào tạo làm việc trong môi trường lây nhiễm, cách mặc đồ bảo hộ đúng chuẩn… nên an tâm hơn khi lên đường.
Chị Lê Thị Tuyết (38 tuổi, nhân viên vệ sinh Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế) cũng gác lại nỗi lo sợ để tình nguyện vào “tâm dịch”. Chị cười: “Từ ngày đăng ký cho đến ngày vào đây tôi cũng lo lắm. Tôi đã nghĩ đến điều xấu nhất là bị nhiễm bệnh, đối mặt với “tử thần” nhưng tôi lại nghĩ bệnh viện cần mình, thôi thì cứ cố gắng hết sức. Ở đây, chúng tôi tuân thủ các quy định phòng hộ, khử khuẩn nghiêm ngặt nên cho đến nay tất cả mọi người vẫn khỏe mạnh”.
Chị Tuyết có 3 người con, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ tuổi nhất học lớp 3. Chị kể, điều may mắn là, quyết định của chị được gia đình ủng hộ. Thời gian qua, chồng của chị đã trở thành hậu phương, giúp chị quán xuyết việc nhà, chăm sóc con cái. Đứa con đầu cũng đã biết phụ giúp ba những công việc lặt vặt, chăm sóc em. Đó là niềm vui giúp chị tiếp tục giữ vững nghị lực để làm tốt công việc, hỗ trợ hiệu quả cho các y bác sĩ ở tuyến đầu. Điều chị mong mỏi là ngày càng có nhiều bệnh nhân được khỏe mạnh, xuất viện trở về với người thân. Dịch bệnh ổn, chị cũng sớm trở về bên gia đình nhỏ.
Mỗi người góp một chút sức lực
Trong số ít các nhân viên vệ sinh nam được “chi viện” vào TP. HCM, anh Lê Văn Thân (38 tuổi, nhân viên vệ sinh Bệnh viện Trung ương Huế) mỗi ngày đều tất bật với công việc từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Dù quy định mỗi ca làm việc 8 tiếng đồng hồ, nhưng với sự cảm thông với các đồng nghiệp nữ phải làm việc trong môi trường cực nhọc, nhiều công việc khó khăn do trên cao hoặc đẩy thùng rác nặng nên anh đã chủ động giành các công việc nặng nhọc đó. Nhiều ngày, công việc kết thúc trễ, anh về chỗ nghỉ đã tối muộn.
“Trước khi vào TP. HCM, tôi và các đồng nghiệp đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin nên phần nào đỡ lo lắng hơn. Hàng ngày chúng tôi đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng anh chị em đều động viên nhau cố gắng. Mỗi người góp một chút sức lực giúp bệnh viện, giúp người dân TP. HCM sớm chiến thắng bệnh tật” - anh Thân chia sẻ.
Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao
“Biệt đội” nhân viên vệ sinh vượt hơn 1.000 cây số từ Thừa Thiên Huế vào TP. HCM gồm 30 người, đều là những nhân viên “cứng” nghề, được đào tạo bài bản. Trong đó, Nguyễn Hữu Hùng là người trẻ nhất, mới 26 tuổi. Ở Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19, Hùng được giao nhiệm vụ “trực chiến” ở Khu điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nhân sự công tác vệ sinh được chia làm 3 ca thì Hùng phụ trách ca đêm, thời gian làm việc từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Quy định giờ vào ra là vậy, tuy nhiên trong khối lượng công việc quá tải nhưng nhân sự eo hẹp, Hùng và những đồng nghiệp đều sẵn sàng choàng thêm công việc. Chuyện vào ca sớm, ra ca trễ là điều thường xuyên.
Hùng nở nụ cười, nói: “Công việc ca đêm cực ở chỗ là thức suốt đêm đến sáng để lau dọn, vệ sinh. Khi có nhiều bệnh nhân chuyển đến, khối lượng công việc tăng lên, chúng tôi phải tăng tốc nhiều hơn. Có ngày kết thúc ca trực về đến chỗ nghỉ là mệt rã rời…”. Đã có lúc đuối sức nhưng Hùng nói, chỉ cần nghỉ ngơi một chút là sẽ ổn rồi tiếp tục lăn xả vào công việc, dùng sức trẻ để cùng đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh nhà giúp TP. HCM chống dịch, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Bài, ảnh: THƯƠNG THƯƠNG