ClockThứ Sáu, 24/01/2020 17:43

Bốc vác nuôi con

TTH.VN - Nguyễn Đức Thể còn khá trẻ, sinh năm 1986. Dáng người rắn rỏi, anh tỏ ra nhanh nhẹn, tháo vát chuyển từng thùng trái cây, rau củ đến cho chủ hàng. Khác với những đêm trực ca bình thường có thể tranh thủ ngả lưng, Thể cùng các đồng nghiệp làm việc luôn tay, luôn chân suốt cả đêm.
 

Anh Thể dẫn con đi mua sắm ở chợ Vỹ Dạ

 
 

Chợ Đông Ba đêm giáp tết, cả chợ nhộn nhịp như không ngủ, xe chở hàng hóa vào ra liên tục. Hàng nhiều, cánh bốc vác ở chợ cũng thức trắng đêm. Họ lấy đêm làm ngày, tranh thủ kiếm thêm tiền ăn tết. Giữa đêm khuya, bước chân của những người lao động nghèo vẫn thoăn thoắt, những câu chuyện rôm rả quanh chuyện giá cả, hàng hóa và cả chuyện sắm sửa ngày tết như xua cơn buồn ngủ.

Không chỉ ban ngày, công việc bốc vác đòi hỏi anh Thể làm việc xuyên đêm

Nguyễn Đức Thể còn khá trẻ, sinh năm 1986. Dáng người rắn rỏi, anh tỏ ra nhanh nhẹn, tháo vát chuyển từng thùng trái cây, rau củ đến cho chủ hàng. Khác với những đêm trực ca bình thường có thể tranh thủ ngả lưng, Thể cùng các đồng nghiệp làm việc luôn tay, luôn chân suốt cả đêm.


Công việc dịp tết tất bật, dù bưng vác nặng nhưng anh Thể có rất ít thời gian nghỉ ngơi
 

Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau, chưa kịp lót dạ, Thể được tăng cường về bốc hàng ở chợ Bãi Dâu. Đến xế trưa, tranh thủ bốc xong xe tải hành tỏi, anh tranh thủ nhai vội ổ bánh mì. Gặp lại tôi, anh cười hiền: “Từ 7 giờ tối qua tới chừ không ăn chi, làm mệt nên quên đói luôn”.

Bình thường, một ngày làm việc của cánh bốc vác bắt đầu từ 6h sáng hôm nay đến tận 6h sáng hôm sau. Ca làm đêm thường bắt đầu từ 1h sáng. Buổi tối, anh em bốc vác trải chiếu ở bãi giữ xe tranh thủ ngả lưng khi hàng chưa về bến. Tết là thời gian cao điểm, từ 25 tết phải làm tăng ca từ 24 lên 36 tiếng, tức khoảng một ngày, hai đêm.

Nghiệp đoàn bốc xếp Bắc sông Hương có 2 tổ. Tổ Thể làm có 27 người, đảm nhận việc bốc hàng ở chợ Đông Ba, Bãi Dâu và hàng gạo ở cầu Gia Hội. Tất cả mọi người đều cùng làm và thu nhập được chia đều trong mỗi ca. Đội có quy chế nghiêm ngặt và phạt nặng nếu người nào không trung thực nên không ai dám vi phạm. Họ luôn san sẻ, đùm bọc nhau.

 

 

Tiết trời nắng là một trở lực, nhưng với anh Thể thì khó khăn đã là chuyện thường

Trước khi đến với nghề bốc vác cách đây 6 năm, Thể từng làm phụ thợ hồ, thợ đổ bê tông, thợ sắt… Công việc bốc vác vất vả, đòi hỏi sức khỏe bền bỉ, có khi phải ráng sức vác kiện hàng nặng cả tạ, cũng không ít lần bị trượt chân, bong gân, đau lưng… “Dù nghề bốc vác cực hơn nhưng có việc quanh năm, thu nhập ổn định, tôi không lo khi trời mưa gió”, Thể đúc kết khi trụ lại với nghề này.

Thu nhập trung bình mỗi tháng của Thể khoảng 5-6 triệu đồng. Những tháng cao điểm như tết được khoảng 10 triệu đồng, tháng nào hàng ít chỉ 3 triệu đồng.

Ghé nhà Thể sau khi vừa tan ca, những tưởng anh sẽ ngủ vùi lấy sức sau một đêm thức trắng. Nhưng không, anh bắt tay vào giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, cho con ăn… những việc không tên thường do phụ nữ đảm nhận.

Sau khi hết ca, anh Thể lại loay hoay việc nhà và chăm sóc con cái

Trong căn nhà chỉ 30m2 ở căn hẻm trên đường Ưng Bình (phường Vỹ Dạ), Thể sống cùng hai cô con gái. Nhật Cưng năm nay học lớp 3 và Nhật Trâm học lớp 1. Căn nhà vốn là trụ sở cũ của dân phòng được vợ chồng Thể thuê ở 9 năm nay. Nhà quá xuống cấp, ẩm thấp, nóng nực nên Thể làm đơn xin phường được sửa nhà. Căn nhà vừa mới sửa xong tốn hết 30 triệu đồng, trong đó 20 triệu Thể phải vay ngân hàng.

Lập gia đình cách đây 10 năm, có với nhau 3 mặt con, vợ chồng Thể “đường ai nấy đi” 2 năm nay. Thằng út ở với mẹ, còn hai cô con gái ở với ba. Khi ba đi làm, hai chị em Cưng và Trâm dắt nhau sang nhà nội cách đó vài trăm mét tá túc. Hôm sau ba về, hai đứa lại về nhà để ba đưa đón đi học.

 
 
Bữa ăn vội lúc giữa trưa của anh Thể

Gia cảnh nghèo khó, làm lụng vất vả nhưng Thể luôn cố gắng để con không phải sống quá thiếu thốn. Là đàn ông nhưng Thể chăm con rất chu đáo. Anh kể: “Mỗi ngày đi làm, tôi để lại cho con 50 ngàn đồng ăn sáng, uống sữa. Trời nắng là mua cam cho con uống để tăng sức đề kháng. Cuối tuần nghỉ ca chở con đi chơi. Không có thời gian, tôi gửi con nhờ cô giáo trong xóm kèm cặp. Chúng đã thiếu tình thương, sự chăm sóc của mẹ nên tôi luôn cố gắng bù đắp"!

Để lo cho con ăn học tươm tất, Thể làm việc cật lực. 365 ngày, anh không dám nghỉ phiên nào. Niềm an ủi của Thể là cả hai con đều học giỏi và rất thương ba. Thể bộc bạch: “Những ngày giáp tết, tôi làm cả đêm không nghỉ, cực nhưng vui vì có ngày cao điểm kiếm được 1 triệu đồng. Không nề hà làm 24 hay 36 tiếng, tôi chỉ mong có nhiều việc để có tiền lo cho con ăn tết tươm tất”.

Anh Thể lựa kẹp cài cho con 

27 tết, được nghỉ ca, Thể tranh thủ đưa con gái đi chợ sắm đồ tết. Nào kẹp cài, giày dép, quần áo… Lại còn mua con gà thật ngon về nấu cho con ăn. Tết về, tâm trạng người đàn ông ấy càng thêm trống vắng khi trong nhà thiếu bàn tay phụ nữ. “Đàn ông nên tôi vụng về khi chăm con gái, có thể không chọn được những món đồ đẹp nên thôi cứ mua cái con thích. Nhà không có phụ nữ nên không chuẩn bị tết nhất nhiều, chỉ sắm cho con bánh mứt và quần áo mới”, anh cười buồn.

Cài lên mái tóc con chiếc kẹp mới, anh Thể dặn cọn: "Món quà này cũng là tình cảm của ba"

Hỏi Thể có buồn khi tết là dịp sum vầy, giọt nước mắt lăn trên khóe mắt người đàn ông rắn rỏi: “Làm việc quần quật rồi về lo việc nhà thì quên nhưng đêm về, đôi khi tôi khóc thầm. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, đêm ngồi nhìn con say giấc mà chảy nước mắt. Tết năm ngoái, tôi buồn đứt ruột nhưng năm nay có lẽ sẽ đỡ hơn, vì đã quen với sự thiếu vắng”.

Hỏi cô con gái có nhớ mẹ, bé Cưng thỏ thẻ: “Con nhớ mẹ, nhớ em Bin lắm. Tết đến, nhà nhà sum họp, con càng nhớ và thích mẹ về. Nhưng con nghe nói, mẹ đi Sài Gòn rồi”!

Vừa lao động nặng nhọc kiếm tiền, vừa đảm đang cả vai trò làm cha, làm mẹ, có khi Thể đuối sức, đi làm về chỉ muốn lăn ra ngủ nhưng nhìn hai đứa con, anh lại nhổm dậy, lấy lại tinh thần, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ…

Cuộc đời của Thể là chuỗi ngày vất vả. Nhà đông anh em, mẹ mất khi mới học lớp 3, Thể phải nghỉ khi mới xong tiểu học để mưu sinh. Nhỏ thì bán vé số, bán nước chè ở chợ, lớn lên chút nữa, Thể theo cha, theo anh đi cào hến.

Lập gia đình, một mình Thể làm quần quật để nuôi vợ con. “Thằng Thể tội lắm. Không được học cao, hiểu rộng, chỉ là anh bốc vác nhưng chưa bao giờ thấy nó chửi, đánh vợ, dù vợ nó chỉ ở nhà chăm con”, hàng xóm của Thể kể.

 

 

Dù lao động vất vả nhưng anh Thể luôn muốn mang đến cho con những bữa cơm ngon

Vậy nhưng, hạnh phúc vẫn không mỉm cười. Cách đây 2 năm, vợ chồng anh ly thân rồi ly hôn. “Tôi mất mẹ sớm nên hiểu sự thiếu thốn của đứa trẻ khi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Dù đã cố níu kéo cho con có mái ấm trọn vẹn, nhưng lực bất tòng tâm…”, Thể nghẹn ngào.

Khi hỏi về điều ước dành cho mình trong năm mới, Thể giản dị: “Tôi không có mong ước chi nhiều, chỉ cầu mong có sức khỏe để làm lụng đủ nuôi con ăn học”.

Nghỉ làm ngày 30, mùng 1 tết, qua ngày mùng 2, Thể lại bắt đầu công việc mưu sinh ở chợ. Hai chị em Trâm, Cưng lại dắt nhau lên nội ăn tết...

 

Nội dung: Trang Hiển

Hình ảnh: Hữu Phúc

Thiết kế: Quang Thiều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Hong củi sưởi ấm quê

Tháng Mười, những cơn gió lành lạnh vi vút cửa sổ bên nhà, lớp bùn đất, cây cối ngổn ngang sau trận bão đang nằm chờ tay người dọn. Mẹ đứng ngồi không yên, ra vào liên tục. Chiếc nón lá ngấm nước bao ngày nay, đã đen và có dấu hiệu mốc. Mùi ẩm ướt bay khắp gian nhà vừa mới được chút nắng le lói chiếu qua. Cứ thế rồi tháng Mười đến, mang theo những mong manh ùa về nơi căn bếp ám mùi khói chiều. Dàn củi được mẹ sắp ngay ngắn, củi tươi, củi khô để tách riêng, củi lớn mẹ dùng để nấu bánh, chạy mối buổi sáng sớm.

Hong củi sưởi ấm quê
Làng trong nỗi nhớ

Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Làng trong nỗi nhớ

TIN MỚI

Return to top