Tuy các vi phạm được xử lý, nhưng đã đe dọa đến sự an toàn trong khu cách ly
Sau nhiều ngày tăng dần, mới đây, lần đầu tiên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế công bố số ca nhiễm phát hiện trong ngày lên đến 21 người. Ngoài một người xác định ngoài cộng đồng, số còn lại đều là người từ cách tỉnh, thành có dịch trở về và đang ở trong khu cách ly. Trong số này, có một người phát bệnh khi đã được cách ly 22 ngày, quá một ngày so với thời gian ủ bệnh của biến thể delta đã được các nhà khoa học trên thế giới ghi nhận.
Hiện, có nhiều giả thiết cho ca bệnh có thời gian cách ly quá 21 ngày. Tuy nhiên, giả thiết thuyết phục hơn cả là có khả năng người này bị lây nhiễm trong khu cách ly, nhưng chưa rõ nguồn lây. Điều này cũng phù hợp khi gần đây các cơ quan chức năng của tỉnh đã ghi nhận dấu hiệu lây nhiễm chéo tại các khu cách ly Trường Nguyễn Đình Chiểu và Trần Văn Kỷ ở huyện Phong Điền. Sự lây nhiễm chéo ở đây không chỉ là lây từ một người sang nhiều người trong một phòng cách ly, mà nó đã lây nhiễm từ phòng cách ly này sang phòng cách ly khác.
Có thể nói, làn sóng rời bỏ quê hương thứ hai để trở về quê hương thứ nhất vào cuối tháng bảy vừa qua khiến nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế không còn sự lựa chọn an toàn nào khác. Các khu cách ly liên tục được kích hoạt, nhưng nhanh chóng trở nên quá tải. Những quy định tối ưu cho việc cách ly y tế như tối đa 2 nguời/phòng, bảo đảm khoảng cách giữa người với người 2m liên tục bị tháo bỏ. Gần 15 nghìn người trở về từ các địa phương có dịch trong thời gian rất ngắn đã lấp đầy 21 khu cách ly của tỉnh và các huyện, chưa kể các khu cách ly ở cấp xã đang trưng dụng cơ sở vật chất của ngành giáo dục. Hiện, trong các khu cách ly, có nhiều nơi đang tổ chức cách ly tới 8 người/phòng, thậm chí có nơi lên đến 15 người/phòng. Với mật độ này, nếu trong các phòng có một người mang mầm bệnh thì rất khó để giữ an toàn cho tất cả những người còn lại, trừ khi trong số đó có người thực hiện nghiêm, rất nghiêm các quy định dành cho người cách ly.
Tuy nhiên, bên cạnh những người đang nỗ lực hợp tác thì trên diễn đàn mạng, trong những khu cách ly thời gian qua đã cho thấy có một bộ phận thanh niên cố tình vi phạm quy định về cách ly. Nói như Trung tá Ngô Trí Hùng,Trưởng khung cách ly T3 thì sự vi phạm ở đây cũng rất đa dạng, ví dụ có nhóm lợi dụng chính sách chế độ của Nhà nước để đòi hỏi, nhóm vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết, có nhóm gây rối, quấy rối chị em phụ nữ, nhóm có xung đột từ bên ngoài rồi vào trong tiếp tục xử lý. Tuy các sự việc đã được giải quyết, song sự bồng bột mang tính bột phát của công dân trong quá trình cách ly y tế đều là nguy cơ phát tán mầm bệnh.
PGS.TS. Trần Đình Bình, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y dược Huế cho rằng, các chiến lược dự phòng của chúng ta hiện nay đó là phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng hợp lý vẫn đang được thực hiện rất tốt. Thế nhưng, trong việc khoanh vùng hợp lý và cách ly đã xuất hiện những vấn đề buộc phải giải quyết. Đó là tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng nên nguy cơ lây lan và lây nhiễm chéo trong khu cách ly khá là cao. Thời gian kiểm soát sau khi cách ly không được chặt chẽ. Kiểm soát lây nhiễm chéo trong khu cách ly nhiều khi bị sơ suất, vì vậy có một số trường hợp ra khỏi khu cách ly xét nghiệm dương tính trở thành nguồn lây rất đáng sợ trong cộng đồng.
Điều lo ngại hơn nữa là sự sơ suất trong khu cách ly có thể gây nguy hiểm cho nhân viên phục vụ, nhân viên y tế ở trong đó và sau đó trở thành nguồn lây tiếp theo cho cộng đồng. Đặc biệt nguy hiểm, nếu nguồn lây xâm nhập vào cơ sở y tế thì tốc độ lây lan còn khủng khiếp hơn. Thế nên ngoài “5K”, mới đây Chính phủ đã bổ sung thêm 2K là kiểm soát biên giới và kiểm soát chặt khu cách ly.
Trong bối cảnh chưa có đủ vắc-xin phòng ngừa SARS-CoV-2 thì việc tuân thủ quy định trong khu cách ly vẫn là biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hiệu quả nhất. Đó là cần thực hiện giãn cách, không tụ tập, giảm tối đa nguy cơ tiếp xúc. Và tốt hơn nữa là người cách ly cần hạn chế ra khỏi phòng. Thậm chí, khi có điều kiện thì bố trí cách ly mỗi người một phòng. Biến chủng nguy hiểm, đòi hỏi phải có chính sách ứng phó quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Và, yêu cầu với người cách ly lúc này là phải chấp hành nghiêm quy định để không mang lại nỗi đau cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Bài, ảnh: Dương Quang Nhật