ClockThứ Bảy, 27/11/2021 14:48

Cái lu của nội

TTH - Không rõ có tự bao giờ, nhưng khi lớn lên tôi đã thấy hai cái lu để bên chái nhà bếp. Bà nội kể, khi tôi chưa sinh ra nội đã mua nó từ lâu rồi. Nhẩm tính đến giờ cũng chừng bảy, tám mươi năm.

Lu đều được làm bằng sành nhưng màu sắc khác nhau, cái màu nâu sẫm thì bóng nhoáng dành để đựng nước uống, cái kia màu nhạt hơn, nham nhám dùng để rửa, tưới cây. Nội nói, nước máy hay nước mưa cũng phải để cho lắng cặn rồi mới dùng và cũng phòng khi cúp nước thì có nước để mà dùng. Hồi nhỏ, cứ chạy chơi về, tôi lấy gáo dừa thò tay múc nước ở lu uống cho đã khát mà không sợ đau bụng đau dạ gì. Có lần, chơi trốn tìm, tôi trượt chân ngã, cái đầu chạm vào cái lu, cũng may là chỉ xoẹt qua. Lấy tay xoa xoa cái đầu của tôi cho bớt đau, nội còn đùa “May mà chưa bể cái lu của nội”.

Sau này, sửa sang lại nhà cửa nên nội không dùng để đựng nước nữa vì nước mưa trên mái ngói cũng được chảy theo ống xuống cống rãnh, còn nước máy cũng không trục trặc như trước. Thấy lu không sử dụng nên con cháu khuyên nội nên cho ai hoặc bán “ve chai” cho rộng cửa rộng nhà (lúc đó cũng chẳng có ai tìm mua lu để làm việc này việc kia) nhưng nội không nói gì. Thời gian sau, nội dùng hai cái lu để làm nước mắm và ruốc. Nhờ những năm tháng nội bán buôn ở vùng biển Thuận An nên đã học được cách làm mắm, ruốc. Tỷ lệ cá, khuyết bao nhiêu, tỷ lệ muối bao nhiêu chỉ một tay nội làm. Rồi nội che đậy cẩn thận, nhất là khi mùa mưa đến nội đậy lên miệng lu chiếc nón áo mưa, cẩn thận hơn nội trùm thêm tấm ni lông che kín cả lu. Nội nói để nước mưa lọt vào thì ảnh hưởng đến chất lượng của nước mắm, của ruốc, thậm chí nước mắm, ruốc có thể bị chuyển màu hoặc bị hư nữa.

Rồi cũng đến ngày “thu hoạch”, mắm đã chín, nội chắt để lấy nước cũng mất mấy ngày. Mỗi khi có khách đến nhà chơi, vừa đến cửa ngõ đã tấm tắc khen mùi thơm của nước mắm. Nhờ vậy mà con cháu trong nhà mấy chục năm trời luôn được dùng nước mắm nguyên chất mà không cần bỏ thêm bột ngọt hay đường. Những ngày đông rét nếu thiếu đồ ăn chỉ cần giã tỏi, ớt và cho thêm tí chanh, ít tóp mỡ vào nước mắm mà ăn với cơm nóng cũng hết vài chén cơm. Nghe nội có nước mắm ngon, bà con xóm giềng đến mua, nhưng nội nói để cho con cháu dùng, chứ không bán. Nơi nào thân quen nội chắt ra một chai nhỏ để biếu.

Đến khi tuổi già sức yếu, nội không làm nước mắm, làm ruốc nữa nên hai cái lu cũng chỉ để đựng than dành sưởi ấm mùa đông. Chú út ở với nội thấy vậy định cưa miệng lu để trồng cây cảnh nhưng nội ngăn lại. Nội nói “bao nhiêu năm nội giữ không để cho nó sứt mẻ, giờ sao lại cưa cho nó bể đi. Cái chi giữ được thì nên giữ lại”. Nghe vậy nên chú út đổ nước để nuôi cá cảnh và trồng thêm mấy cây hoa súng cho đẹp. Có lần, người trong xóm đến chơi rồi dúi vào tay nội mấy triệu đồng để mua cặp lu về cắm sen giấy Thanh Tiên nhưng nội chỉ móm mém cười mà… không chịu bán. Cứ chiều chiều, nội chống gậy đi dạo ngắm quanh khu vườn, thuận tay thì nhổ mấy cây cỏ dại bám trên chậu cây cảnh, khi thì cho đàn gà ăn và ngắm nhìn đàn cá vàng tung tăng bơi lượn trên miệng lu.

Theo năm tháng, cái lu cũng ngả màu xỉn hơn không còn như trước, đây đó có vết nứt nẻ, vết nổ trông nó như cổ xưa hơn. Chú út đã xây lại cái nhà mới khang trang, bày biện, trang trí khá đẹp mắt. Trước sân hai cái lu của nội vẫn còn đó, đàn cá cũng nhiều hơn, mấy cái chồi hoa súng cũng đang chờ nở hoa dưới ánh mặt trời… nhưng nội đã đi xa rồi.

LINH THIỆN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Nặng lòng với mảnh đất quê hương

Xa quê ngót nghét 40 năm, ông Hoàng Minh Sang quyết định trở về xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), đem cái nghề của mình gieo trồng những hạt giống trên mảnh đất quê hương. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt khiến kinh nghiệm bao năm ở xứ người của ông cũng phải học lại, nhưng tình yêu quê hương, đam mê trồng dưa lưới đã khiến những khó khăn nhất cũng phải “cúi đầu”. Đến nay, người đàn ông sinh năm 1964 đã có nhiều thành công và trở thành gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nặng lòng với mảnh đất quê hương
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương

Sáng 27/6, Tỉnh đoàn - Ủy Ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức lễ xuất quân Hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương” năm 2024.

Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương
Return to top