Dạy bơi trong trường học tại TP. Huế
Thời điểm trên, Trường tiểu học Hương Long đã hoàn thành các buổi kiểm tra kiến thức và buổi chiều 1/7 học sinh toàn trường được nghỉ ở nhà.
Vào khoảng 15 giờ cùng ngày, 6 em nữ ở thôn Xuân Hòa, phường Hương Long ra sông Hương tắm. Hai học sinh tử nạn đều học chung lớp 4 trường này.
Sau vụ việc trên và trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các trường đang rà soát, phối hợp với địa phương cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm và đề nghị gia đình quản lý chặt học sinh ngoài giờ học.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 phải lùi lại đến tháng 7 nên Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng cho học sinh về phòng, chống đuối nước. Các giáo viên ở các tiết học cuối có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không chơi đùa ở gần ao, hồ, sông, suối... trước khi các em tan học; yêu cầu học sinh không được rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Sở cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường kiểm tra đột xuất sau giờ học tại các điểm sông, hồ, ao... gần khu vực trường; đồng thời, rà soát và có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường. Giải pháp được lưu tâm là phối hợp chặt chẽ phụ huynh tăng cường quản lý học sinh, nhất là với học sinh tại các xã có nhiều sông, hồ.
Nhiều trường khởi động việc tổ chức dạy bơi cho học sinh với tinh thần không chủ quan, nâng cao cảnh giác đối với các nguy cơ tai nạn đuối nước.
Toàn tỉnh hiện có 13 trường đang dạy bơi cho học sinh. Tùy thuộc điều kiện địa hình, kinh tế ở mỗi địa phương mà địa điểm mở các lớp dạy bơi miễn phí này khác nhau. Nơi có điều kiện lớp học được mở tại các bể bơi trên địa bàn với số lượng vài chục em mỗi buổi đến học. Nơi ít điều kiện hơn, nhiều trường đã tận dụng những khúc sông suối an toàn và có độ sâu vừa phải, giáo viên dùng lưới, dây thừng rào tạm một khoảng nước nông trên đoạn sông, con kênh gần nhà để dạy cho trẻ.
Do dạy bơi ở vùng nước mở nên việc linh hoạt trong chọn lập “hồ bơi” phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của mỗi trường. Việc dạy bơi đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ từ đánh giá nguồn nước, thiết bị phục vụ quá trình dạy bơi, tập huấn đội ngũ giáo viên, phụ huynh cho con em tham gia và chính quyền địa phương hỗ trợ mặt nước để tạo hồ bơi. Do chương trình ngoại khóa nên không có kinh phí mà chỉ vận động tài trợ hoặc “linh động” từ nguồn ngân sách cấp cho các trường.
Điều kiện kinh tế khó khăn, các thầy giáo ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) đã dạy bơi miễn phí cho trẻ ngay trên biển. Các em muốn biết bơi cần tham gia từ 18 – 22 buổi học. Dạy bơi ở vùng nước mở rất vất vả. Lúc nào, các thầy cô cũng phải đến sớm, từ cắm cọc, giăng lưới đến làm vệ sinh vùng nước... Trung bình, một buổi dạy bơi phải có ít nhất 4 giáo viên tham gia, 2 người trên bờ và 2 người dưới nước.
Thầy giáo Lê Viết Hùng, giáo viên Trường tiểu học Vinh Mỹ, cho biết: Dạy bơi ở vùng sông nước rất quan trọng. Nhiều học sinh ban đầu không dám xuống nước vì sợ. Tuy nhiên, sau khóa học các em thành thục các kỹ năng, như thở, lấy hơi, lặn, bơi... Các em đã không còn sợ nước nữa".
Theo ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, sau 7 năm dạy bơi cho học sinh, toàn tỉnh có hơn 100 trường dạy bơi cho các em. Ngoài ra, có trên 300 giáo viên có đủ điều kiện dạy bơi. Để phòng tránh tai nạn thương tích từ đuối nước, ngoài việc dạy học sinh biết bơi, các em cần học cả các kỹ năng khác nữa. Nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở cả người lớn và trẻ em mà trong đó nạn nhân cũng biết bơi. Bởi lẽ, do tâm lý chủ quan và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn chưa tốt, chưa đủ bình tĩnh…nên xảy ra sự cố đáng tiếc.
Bài, ảnh: Huế Thu