“Nghiện” game online là thực trạng đáng báo động trong giới trẻ
Bước chân vào một tiệm internet tại đường Điện Biên Phủ, tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh đang ngồi trước màn hình máy tính. Cũng từng trải qua thời học sinh, việc các bạn vào tiệm net để giải trí sau giờ học là một điều thật dễ hiểu. Tuy vậy, không chỉ là một, hai giờ chơi để giải trí, có những bạn còn ngồi cả ngày ở tiệm net, bên cạnh chiếc máy tính. “Có nhiều em còn ở tuổi học sinh, từ sáng đã xách cặp ra tiệm chơi game, đến chiều mới về nhà”, anh Nguyễn Quốc Đạt, chủ tiệm internet cho biết. Nhiều lần anh Đạt cũng thắc mắc, hỏi han về việc học tập của các bạn. Nhưng nhận lại là sự khó chịu, đi kèm với câu nói quen thuộc “kệ em”.
Không chỉ tại các tiệm internet, khi công nghệ ngày càng phát triển, những chiếc điện thoại trở thành phương tiện “chiến game” tiện lợi cho các bạn học sinh. Cô N.H.T có con đang học lớp 12 chia sẻ: “Năm nay lớp 12 rồi, nhưng cháu sa đà vào game quá. Nhiều đêm 1, 2 giờ sáng rồi vẫn hò hét “combat” cùng bạn bè, đến sáng thì lại thiếu ngủ, mệt mỏi, không chịu đi học. Tình trạng này kéo dài, bố mẹ đã nhắc nhở khuyên nhủ nhiều nhưng cũng không có kết quả”. Ngày ngủ, đêm thức đã trở thành một thói quen xấu, tác động không nhỏ đến một bộ phận các bạn trẻ hiện nay.
Theo bác sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, “nghiện” game sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó các tác hại về mặt tinh thần là vô cùng lớn. “Do sinh hoạt không điều độ, người chơi dễ bị giảm trí nhớ, cận thị, cảm xúc bị biến đổi, thậm chí dần thay đổi cả nhân cách. Điều này gây hại rất lớn đến trẻ em, độ tuổi chưa trưởng thành, suy nghĩ chưa chín chắn và vẫn đang trong quá trình hình thành nhân cách. Mặt khác, game online tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, đến khi quay về cuộc sống thật phần lớn rất dễ cảm thấy cô đơn và buộc họ tiếp tục “lao đầu” vào game. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng tiếp nhận một số ca tư vấn tâm lý do “nghiện” game. Tùy từng trường hợp khác nhau mà áp dụng biện pháp trị liệu khác nhau”, bác sĩ Bảo chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nghiện” game ở giới trẻ có phần không nhỏ từ phía gia đình. Bác sĩ Bảo cho rằng, muốn thay đổi thực trạng đáng buồn liên quan đến “nghiện” game online, từ khi con cái còn nhỏ, các bậc cha mẹ cần có cách giáo dục khoa học, kiểm soát hợp lý cách con sử dụng máy tính, điện thoại cũng như trải nghiệm trò chơi trực tuyến. Quan trọng nhất là phải giới hạn thời gian. Việc giáo dục kiểu “người thật việc thật”, cho con thấy được những hệ lụy xấu, những tấm gương xấu do “nghiện” game thông qua các phương tiện truyền thông cũng là phương pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để cảnh tỉnh con cái.
Tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2021 do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức, các em cũng có những thắc mắc về vấn đề “cai nghiện” game online cũng như mạng xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc “cai nghiện” trò chơi này không hề đơn giản. Khi đứa con “nghiện” trò chơi trực tuyến thì ông bà, cha mẹ dù có nói gì cũng như “nước đổ lá môn”; còn tại trường, các thầy, cô giáo dùng hình phạt nặng để xử lý học sinh “nghiện” game thì chỉ càng làm các em chán nản, dễ dẫn tới bỏ học. “Một người “nghiện” game online nếu gia đình, nhà trường không quan tâm, không sớm tìm ra phương pháp chữa trị thì rất khó xử lý. Mỗi nhà, mỗi gia đình cần phải nhấn mạnh để con trẻ hiểu đó là những trò chơi vô bổ và tổn hao sức khỏe nên cần phải tuyệt đối tránh xa. Tôi mong các em học sinh nếu có thời gian lướt web chỉ nên giải trí trong khoảng thời gian tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn, khai thông trí lực. Đặc biệt, cần phải tránh xa những game bạo lực”, ông Hiển nhấn mạnh.
Game online thực chất là một công cụ đem lại sự giải trí và rèn luyện phản xạ cũng như tư duy sáng tạo cho người dùng. Tuy vậy, cái gì quá liều cũng không tốt, kể cả thuốc bổ. Do đó, cha mẹ nên xem chơi game là nhu cầu phát triển của con cái, để nghiêm túc cùng con giải quyết nhu cầu đó một cách khoa học và bài bản.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH