ClockThứ Năm, 17/12/2020 13:45

Chai dầu gió đầu giường

TTH - Mấy hôm nay Huế mình thời tiết “chướng khí”, một ngày mà mấy bận mưa nắng. Trời mưa miết, lạnh miết thì còn đỡ chứ ba bữa lạnh, ba bữa mưa thì ai cũng khọt khẹt, nhức đầu, sổ mũi, đặc biệt là người già, con nít và người thể trạng yếu. Cái bệnh viêm xoang đặc trưng của xứ Huế cũng được thể “bắt nạt” bà con.

Thận trọng với dịch bệnh giao mùa

Thế nên để chai dầu gió trên đầu giường hay trong túi xách là thói quen “thâm căn cố đế” của người dân mình. Nửa đêm nhức đầu, nghẹt mũi, với tay là có ngay, đỡ mất công đi lại, phiền giấc ngủ của người cùng giường.

Mở nắp ra, cái mùi tinh dầu vừa nóng vừa cay, vừa thơm vừa mát xộc lên mũi, xốc lên tận óc, khiến mọi mỏi mệt tạm thời bay biến mất. Dầu gió là vị thuốc vạn năng, chữa bách bệnh. Cứ đau chỗ nào là xoa chỗ đấy, miễn là không phải vết thương hở. Cái công dụng thần kỳ của dầu gió thì khoa học còn tranh cãi nhưng theo trải nghiệm của nhiều người, nó công hiệu thật: nhanh, mạnh lại ít bị “lờn”.

Tôi bị viêm xoang. Nửa đêm bệnh hành, tôi mò mẫm lấy chai dầu gió nơi đầu giường, đưa lên mũi hít, xoa xoa hai thái dương, cổ và lòng bàn chân. Sau năm phút cảm thấy khỏe và dễ ngủ hơn chút. Đợt nào khó trị hơn thì phải nhờ mẹ xoa dầu gió, cạo đến đỏ hai đường quanh sống lưng tôi. Tại sao cạo gió xong lại mau hết cảm? Vì dầu gió “tán phong nhiệt, hàn can khí”. Và hơn cả, cạo gió cũng là một cách đặc biệt để thể hiện tình cảm, sự quan tâm, yêu thương với những người ruột thịt. Người bệnh đâu chỉ cần thuốc, họ còn cần được chăm sóc, vỗ về, ấm da ấm thịt và ấm tấm lòng.

Người Huế mình chuộng dầu tràm, dầu Phật Linh, dầu xanh Trường Sơn và dầu cao Sao Vàng. Dầu Phật Linh mạnh, nặng đô nhất, trẻ em mà xức thì chịu không nổi; dầu xanh trung trung và phổ biến, dầu cao Sao Vàng thì chất đặc như hũ kem dưỡng mini, đem đi xa cũng tiện hơn, khỏi lo đổ ra ngoài hay ám mùi khó chịu.

Dầu tràm là dầu của em bé và bà đẻ. Ở Huế, được mời đến khẳm tháng, vào phòng thăm em bé mới sinh, bạn sẽ ngửi thấy một mùi thơm rất đặc trưng. Đó là mùi sữa dịu nhẹ ướp trên da thịt em bé pha lẫn với mùi dầu tràm ấm nóng và thư giãn. Cái “tập tục” xoa dầu tràm, rượu gừng cho bà đẻ ở Huế cũng đã có từ lâu, và đặc biệt phòng bà đẻ luôn kín gió.

Lớp ôn mệ xứ mình cũng rất ghiền xoa dầu, đôi khi trữ cả một lốc dầu gió xài dần qua mùa lạnh. Mệ tôi luôn phải có một chai dầu xanh trên giường mới an lòng. Thời mệ còn mạnh chân mạnh cẳng, sau khi gánh một nùi khoai, sắn từ  rẫy về, tay chân nhức mỏi, mệ bôi dầu lên chỗ đau rồi vừa xoa bóp vừa xuýt xoa không ngớt.

Xoa dầu là phương pháp chữa bệnh rẻ tiền, kinh điển, chai dầu gió luôn có mặt trong tủ thuốc mỗi gia đình Việt. Tuy y học hiện đại đã phát triển vượt bậc nhưng những phương thuốc dân gian được ông cha ta hun đúc qua hàng trăm năm vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân, kiêu hãnh song hành cùng y học hiện đại.

Nhức đầu và sổ mũi, tới đầu giường lấy chai dầu xức hí!

Lê Thục Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày 10/12: Trung Bộ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/12, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa 70-150 mm. Cục bộ có nơi trên 250 mm.

Thời tiết ngày 10 12 Trung Bộ có mưa to đến rất to
Thời tiết ngày 8/12: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rét

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 8/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.

Thời tiết ngày 8 12 Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rét

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top