Hai vợ chồng cưới nhau đã chục năm vẫn chưa ra riêng nổi, phải chung đụng với anh em trong một căn nhà của bố mẹ để lại đâu chừng ba chục mét vuông với cái gác lửng. Bức bối, chật chội, nhưng không cách nào khác, bởi muốn mua đất làm nhà hay mua chung cư cũng đòi hỏi phải có một món tiền lớn. Mà hai vợ chồng hai đứa con, thu nhập thất thường, dành dụm biết đến bao giờ cho đủ? Nhưng dẫu biết vậy, ước mơ có một ngôi nhà nhỏ cho riêng mình vẫn không nguôi cháy trong lòng anh chị.
Rồi một lần, đến thăm nhà người quen nơi một xóm nhỏ ở khu vực phía tây thành phố. Đó vẫn là nơi đang đất rộng người thưa. Nghe mách miệng nhà bên có khu vườn rộng, đang làm thủ tục cắt bán, anh chị lân la dò hỏi, biết đâu phía xa xa trên này giá có thể với được. Nói chuyện với chủ nhà, được biết khu vườn vướng giấy tờ, đang nhờ một ông luật sư “chạy”. Điều kiện là sau khi giấy tờ xong, phải cắt cho ông luật sư này mấy lô, “bán” với giá bèo. Ông luật sư này dáng chừng là người có ăn học, có đạo đức. Muốn mua cho chắc, nên liên hệ trực tiếp với ông luật sư ấy để hỏi tình trạng giấy tờ. Hơi phân vân chút, nhưng cuối cùng hai vợ chồng vẫn quyết gặp ông luật sư lo giấy này, biết đâu “phúc phận mỉm cười”.
Nhà của luật sư cũng dễ tìm. Đó là một ngôi nhà rường cổ, bên trong bày biện như ngôi nhà truyền thống của người Huế. Gian giữa là gian thờ, “tiền Phật hậu linh”, phía trước là bộ bàn tiếp khách. Các gian 2 bên là nơi bài trí bộ ngựa, tủ sách… Nói chung vừa nghiêm trang vừa nhã. Đặc biệt, trong nhà được gia chủ cho treo trang trọng những chữ “Nhẫn”, “Đức”, “Tín”, “Phúc”… theo lối thư pháp. Cùng nhiều câu châm ngôn dạy con người phải hướng thiện, phải trung hiếu, tín nghĩa… Nói chung, nhìn sự bày biện trong ngôi nhà, cộng với lối ăn nói nhã nhặn của ông luật sư, vợ chồng anh chị hết sức an tâm. Cho rằng đây là người tin được.
Sau khi nghe anh chị trình bày ý định của mình khi tìm gặp, ông luật sư à lên một tiếng, tỏ vẻ rất đồng cảm. Rồi thủng thẳn: “Thông tin anh chị nghe chủ nhà nói là hoàn toàn chuẩn xác. Giấy tờ tôi đang xúc tiến, chỉ làm thêm chút thừa kế nữa thôi là ổn. Phần tôi sau khi xong giấy tờ cũng có mấy lô, giá mềm. Tất nhiên, xong giấy tờ, nếu tôi sang nhượng thì giá phải là giá thị trường. Nhưng thôi, nghe hoàn cảnh của anh chị tôi cũng rất thương. Thôi thì, bây giờ nếu anh chị thích tôi sẽ nhượng cho một lô, giá chừng ấy… chừng ấy, cứ ứng cọc cho tôi ít trăm, giấy tờ xong đưa tiếp cho đủ số là được. Đừng quá lo lắng, nhà cửa tôi đây, mặt mũi tôi đây, tôi sẽ viết giấy biên nhận và cam kết đàng hoàng. Sau 3 tháng, chưa xong giấy tờ tôi sẽ trả lại tiền kèm lãi theo lãi suất ngân hàng cho anh chị…”.
Nghe như mở cờ trong bụng. Với giá đó thì có thể xoay xở được. Anh chị nhẩm tính, cảm ơn và hẹn ngày quay lại. Về nhà kể, ai cũng bảo nếu như thế thì khá chắc chắn rồi. Nên nắm lấy cơ hội. Vậy là đúng hẹn, anh chị gom tiết kiệm, mượn bạn bè, người thân thêm một ít nữa cho đủ số mà chồng cọc. Trong thời gian 3 tháng chờ đợi, sẽ xoay tiếp nguồn để trả đủ khi nhận đất. Ông luật sư nhận tiền, và viết giấy nhận cọc kèm cam kết như đã hứa.
Thời gian 3 tháng chờ đợi, anh chị làm việc như điên mà không hề biết mệt, người lại còn rất hào hứng phấn khởi. Nhưng gần đáo hạn mà sao vẫn không thấy dấu hiệu gì. Đánh bạo gọi điện, ông luật sư xuýt xoa nói phát sinh cái này cái kia bất ngờ, nên có thể phải kéo dài thêm chừng 2 tháng. Nếu không chờ được thì ông trả lại tiền như cam kết. Nghe thế, anh chị thót mình vội xua tay, chấp nhận kéo dài thêm 2 tháng nữa. Cơ hội ấy, thả ra, biết bao giờ mới có đất có nhà.
Nhưng rồi hết 2 tháng theo hẹn, lại thêm 2 tháng, 2 tháng, rồi lại 2 tháng… Hơn cả năm trời vẫn không có dấu hiệu gì khả quan. Cuối cùng không thể chịu nổi sự phấp phổng, bởi đó là cả gia tài, nhỡ có mệnh hệ gì thì làm sao anh chị sống nổi. Thế là thôi, đành xin nhận lại tiền. Đến lúc này, ông luật sư đáng kính trở lại vò đầu bứt tai bảo… kẹt và xin hẹn. Báo hại anh chị phải chạy đi chạy về nhiều lần. Cũng “hên” là khi đi trao cọc anh chị có rủ người bà con là nhà báo đi cùng, anh nhà báo kỹ lưỡng, vừa chứng kiến nhưng cũng vừa lặng lẽ ghi âm cuộc nói chuyện. Thế là bây giờ mới có cái đem ra mà nói chuyện phải trái. Có lẽ thấy khó nhằn, nên cuối cùng ông luật sư cũng trả lại tiền, nhưng theo kiểu… trả góp. Riêng phần lãi như cam kết thì xin hẹn… vô thời hạn.
Vậy là từ tưởng rằng cơ hội, vợ chồng anh chị lại trở thành “người thế chấp” để vay vốn cho ông luật sư xài chơi. Nhưng dẫu sao cuối cùng cũng lấy lại được tiền gốc, như thế là còn may mắn lắm. Bởi sau này, nghe nói còn có nhiều mối nữa đến đòi nợ. Và bây giờ, thấy nhà ông luật sư cửa đóng then cài, vắng tanh vắng ngắt. Chả biết bên trong, những “Đức”, những “Tâm”, những “Tín”… có còn không. Hay chúng chỉ là “phụ tùng” hỗ trợ chiêu trò, và rồi đã bay luôn theo chủ nhà của chúng? Tính ra làm mới khó, chứ cứ treo chữ này chữ nọ mà không chịu chiêm nghiệm, thực hành thì cũng chỉ như treo đồ trang sức giả, làm trò cười cho thế gian đó thôi.
Hy Khả