ClockThứ Bảy, 26/11/2022 14:19

Chị Lai hiến máu cứu người

TTH - Sau lần gặp vội vàng ở Hội nghị "Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2022", tôi vẫn muốn về thăm chị Công Huyền Tôn Nữ Thị Lai, dù chị năm lần, bảy lượt từ chối: Nhà chị nhỏ lắm, không có chỗ tiếp khách mô, em đừng về. Mặc lời chối từ của chị, tôi vẫn về, muốn xem 46 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của chị cất ở đâu trong ngôi nhà nho nhỏ thường xuyên ngập lụt ấy.

Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện ở Phong ĐiềnCựu chiến binh 28 lần hiến máu cứu ngườiNgười cán bộ 43 lần hiến máu cứu người

Nhà chị Lai nhỏ thật, đúng như lời chị nói. Chừng 30m2 ở đường Chi Lăng. Chị kể, trước đây, do không có nhà, con còn ăn học nên gia đình chị được đưa vào diện cận nghèo. Không ỷ lại Nhà nước, chị tằn tiện mua đất, rồi xây được ngôi nhà nhỏ trú mưa, trú nắng. Chị bàn với chồng xin ra khỏi hộ cận nghèo để ưu tiên dành cho những gia đình khác khó khăn hơn mình.

Nhà nhỏ nhưng ấm cúng, tôi cảm nhận được điều đó khi trên tường treo khá nhiều giấy khen về phong trào hiến máu tình nguyện. Còn cái tủ đằng kia cất giữ những kỷ vật vô giá – 46 tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện theo chị suốt 20 năm qua.

Sinh năm 1966, chị Lai khỏe khoắn hơn so với tuổi gần 60 của mình. Chị bảo, cái nghèo vẫn cứ đeo bám nên buổi sáng chị ra chợ phụ giúp bán bún, còn buổi chiều đi bán giấy dò số. Lúc nào cũng tất bật, không ngơi nghỉ. Đó cũng là cách chị rèn luyện sức khỏe để có nguồn máu tốt.

Kể về cơ duyên hiến máu cứu người, chị Lai bùi ngùi, từ năm 1975, khi đất nước vừa được giải phóng. Ba chị là ông Nguyễn Phước Bửu Thanh, đang là trụ cột của gia đình bị một cơn bạo bệnh, khiến ông chỉ còn nằm chờ chết, do bấy giờ bệnh viện Huế không đủ máu để truyền. Trong cơn “thập tử nhất sinh”, một người bạn đến thăm và đã tiếp máu cho ông trên bàn mổ. ông Bửu Thanh đã được cứu sống.

12 người con của ông Thanh mỗi người một công việc, từ buôn thúng bán mẹt đến thợ hồ… sống trong ngôi nhà với nhiều thế hệ từ ông bà đến con cháu, kể từ cái ngày ấy đã nghĩ đến công việc làm từ thiện: Hiến máu nhân đạo để cứu người. Đại gia đình chị được xem là ngân hàng máu sống đầu tiên ở Huế. Trong gia đình với 3 nhóm máu khác nhau, nên bất cứ lúc nào bệnh nhân cần máu, 30 thành viên trong gia đình sẽ phân nhau đến tiếp máu. Không chỉ ở Huế, anh em chị Lai khi vào Nam lập nghiệp, họ vẫn duy trì nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người.

Nhớ ngày mới lập gia đình, vợ chồng chị Lai cơm còn không có ăn, nhà không có ở, nhưng khi nghe tin ai đó cần máu để mổ cấp cứu là chị có mặt. Với chị Lai, khó khăn vật chất chưa bao giờ là lý do ngăn chị chia sẻ cơ hội sống cho người bệnh. Kể từ lần hiến máu nhân đạo đầu tiên cách đây 20 năm, đến nay cứ trung bình hơn 4 tháng chị lại đi hiến máu một lần. Chị Lai cho biết, khoảng cách số lần chị đi hiến máu không theo một chu kỳ hay kế hoạch nào.

Không chỉ tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương, chị Lai còn thường xuyên cho máu trực tiếp những bệnh nhân cấp cứu. Tên và số điện thoại của chị đã trở thành “địa chỉ” quen thuộc trong ngân hàng máu sống của Trung tâm Huyết học truyền máu Khu vực miền Trung. Mỗi lần nhận được tin báo có người cần máu gấp, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, chị đều sẵn sàng có mặt.

Chị Nguyễn Hoài Nga - một người từng nhận máu của chị Lai - nhớ lại: “Vào tháng 10/2020, tôi bị tai nạn giao thông, rất cần máu để mổ cấp cứu. Lúc ấy, dù đang phải cách ly tại nhà theo diện F2, nhưng biết tin tôi bị tai nạn, cần máu, chị Lai đã mặc áo quần bảo hộ y tế để xin vào bệnh viện cho tôi máu. Cùng là những người lao động vất vả mưu sinh, nghĩa cử của chị Lai khiến tôi không bao giờ quên được”.

Chị Lai chia sẻ, mỗi lần nghĩ những giọt máu của mình cứu giúp được người khác, tôi lại cảm thấy rất vui. Tôi thấy hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp sản sinh lượng máu mới cân bằng với lượng máu đã hiến, phục vụ tốt cho quá trình tuần hoàn máu, giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

"Nhiều người vẫn quan niệm rằng cơ thể của mình do bố mẹ ban cho, nếu lấy máu của mình cho người khác sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, không biết máu sẽ cho ai, có kinh doanh hay không…, những quan niệm cũ đã cản trở họ tham gia vào việc làm tình nguyện này", chị Lai bộc bạch.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạnh phúc của người thầy khi được hiến máu cứu người

Có 15 người công tác trong ngành giáo dục được tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Họ "bén duyên" với việc hiến máu định kỳ bằng những câu chuyện khác nhau, nhưng tinh thần chia sẻ, cứu người vẫn luôn luôn thường trực, dù phải vượt quãng đường dài 60km để hiến máu khẩn cấp.

Hạnh phúc của người thầy khi được hiến máu cứu người
Lan tỏa tấm lòng nhân ái, yêu thương người bệnh

Đây là nội dung được phân tích, làm rõ trong chương trình làm việc, chia sẻ kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các tỉnh cụm Trung bộ tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế ngày 11/6.

Lan tỏa tấm lòng nhân ái, yêu thương người bệnh
Return to top