Bạn tôi đi giao dịch ở một ngân hàng. Chẳng biết nữ nhân viên hôm ấy có bệnh, hay gặp điều gì không vừa ý mà mặt mày cứ cau cau có có. Mặt mũi nhăn nhó thì thôi đi. Nhưng đối đáp với khách hàng cũng cắm cảu. Bạn góp ý ai ngờ nhận được chỉ là ánh mắt sắc tựa dao…
Về nhà nghĩ lại thái độ của nữ nhân viên nọ vẫn thấy còn bực, bạn quyết định viết mấy mấy dòng trên facebook đặng xả “xì trét”. Cái note ngắn lắm, nhưng chỉ rõ những khuyết điểm của ngân hàng trong việc sử dụng nhân viên. Đồng thời khuyên mọi người nên chọn điểm giao dịch khác, để tránh rước cục tức vào người. Cái “tút” nho nhỏ mới post có mấy tiếng đồng hồ, mà hút cơ man nào là like. Và không biết ai “méc”, mà sau mấy giờ đăng đàn, phía ngân hàng đã có người chủ động gọi điện liên lạc, chân thành xin lỗi, rút kinh nghiệm hẳn hoi, đồng thời năn nỉ bạn rút “bản cáo trạng” xuống. Thấy người ta có thiện chí, nên bạn đồng ý.
Rồi có lần cùng đi siêu thị với chị đồng nghiệp tên Hoàng. Lúc tính tiền, rõ ràng nhân viên thu ngân chưa trả lại tiền thừa cho khách nhưng cứ chắc nịch là rồi. Vài chục ngàn tính ra chẳng nhiều gì cho cam. Nhưng bực thái độ của cô thu ngân, chị Hoàng quyết tâm làm cho ra nhẽ. Chị yêu cầu siêu thị trích camera đúng góc quầy chúng tôi thanh toán. Ai đúng ai sai trong chớp mắt đã rõ ràng. Mặc dù phía siêu thị đã xin lỗi, nhưng bạn tôi trong lòng vẫn chưa nguôi ngoai. Rứa là một cái “tút” được “úp” lên “phây”chỉ vài phút sau đó, nhằm cảnh báo mọi người. Cấp quản lý siêu thị sau đó phải đứng ra làm việc, lần nữa xin lỗi khách hàng, bạn tôi mới chịu “gỡ cảm xúc” xuống.
Có người sẽ nói, “ối dào, chuyện bé xé ra to. Chuyện con kiến mà cứ muốn thổi phồng thành con voi”. Nhưng nói “cho vuông”, mạng xã hội đôi khi cũng góp phần đem lại sự công bằng cho những người yếu thế…
Dẫu vậy, suy cho cùng, “phây” cũng chỉ là kênh giải trí, nơi để giết thời gian, giải tỏa những cảm xúc. Cho nên, đừng gắn cho nó những sứ mệnh quá cao cả, bởi, mạng là ảo, mà hậu quả lại rất thật. Trong một lần mẹ chồng, nàng dâu xích mích. Không biết tâm sự cùng ai, thế là cô bạn trút hết cho anh “phây”. Cô bảo mẹ chồng già khó chiều. Hầu thế nào cũng không vừa ý. Cũng bởi sống chung với mẹ chồng, nên chuyện to chuyện nhỏ, chuyện lớn chuyện bé, nhất cử nhất động đều bị soi mói. Ngột ngạt không thở nổi…
Cái “tút” đầy tâm sự ấy được đông đảo bạn bè an ủi, động viên. Nhưng người thân trong gia đình chồng (cũng sử dụng facebook) thì phản kháng mạnh mẽ. Bảo cô chuyện trong nhà chưa hay đã đem ra ngõ. Con dâu nói xấu mẹ chồng là hỗn xược, chẳng hay ho gì. Và anh chồng là người mệt mỏi nhất khi đứng giữa hai lằn ranh mẹ và vợ.
Cô bạn tôi, sau khi trút được nỗi ấm ức trong lòng, chưa kịp nguôi ngoai đã phải è ra xử lý hậu quả. Cái “tút” kia đã được cô gỡ bỏ, nhưng mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu chỉ e càng thêm nhiều khúc mắc. Trường hợp như cô bạn tôi không phải hiếm. Có người không vừa ý với đồng nghiệp, không vừa ý với sếp, nhưng lại không đủ can đảm góp ý trực tiếp, đành lên mạng “đá xéo”. Nếu trong cuộc sống thực, bạn chọn cách né tránh, thì làm “anh hùng bàn phím” trong thế giới ảo phỏng có ích chi. Chỉ khiến người khác có cái nhìn lệch hơn về bạn.
Đấy, đâu phải lúc nào “bô bô” góp ý trên mạng cũng tốt. Có người bảo, mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Cho nên, nếu chơi không khéo đừng thắc mắc sao mình đứt tay…
Linh Chi