ClockChủ Nhật, 06/10/2024 07:52

Chiều thu vàng

TTH - Từng dải mây lớn màu xám tro bắt đầu cuộn lên phía bên trái. Tương phản phía bên phải là sắc trời đang ngời lên màu vàng mơ. Nắng chiều nhạt dần, đèn trên cầu như những ngôi sao bắt đầu bật sáng, mọi người xuôi ngược trở về nhà.

Mùa thu vàng hoa cúc

 

Từ bờ nam thành phố, tôi đi lên cầu Dã Viên, ngược qua phía bắc. Đi thật chậm, thật chậm. Bức tranh ráng chiều dần hiện ra tuyệt đẹp, kỳ ảo tựa cánh cửa dẫn vào chốn thiên đường.

Trời đất giao mùa, những cơn nắng gắt gao đã thực sự vắng mặt, mặt cầu không còn bốc lên hơi nóng thiêu đốt như những ngày hè. Lòng sông dưới kia cũng không còn rộn ràng sắc cam, xanh sáng của những chiếc phao bơi và đoàn người chèo sup.

Phóng mắt ra xa một quãng, những tĩnh vật như lan can cầu, chóp mái của những vọng lâu và xa xa là tháp nước nhà máy nước Dã Viên đóng vào không gian những khối hình đen thẫm. Đính trên những cột đèn như những vạch kẻ yên lặng, thẳng đứng và cách quãng đều đặn là những bóng đèn kiểu dáng cổ điển hình nhộng đang tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu, lấp loáng trong ánh hoàng hôn.

Những dải mây vẫn đang trôi thật chậm, mảng trời mơ màng chuyển đổi theo từng bước đi của những vầng sáng, khi thu hẹp, khi khác lại được mở rộng ra. Trên hai làn đường rộng, ô tô, xe máy, những người đi xe đạp, đi bộ di chuyển song song hoặc ngược chiều nhau, phần lớn trong số họ đều đang trên đường trở về nhà.

Sương đêm mùa này chưa rơi. Một cơn gió mang theo hơi ẩm từ lòng sông tràn lên khiến không khí dịu dàng, mát mẻ. Tôi bắt gặp trên hành lang đi bộ của cầu những cụ ông, cụ bà nắm tay nhau thong thả. Có cặp đôi năng động, tựa mình vào lan can uốn dẻo vài động tác yoga. Xa xa, trên bầu trời từ đằng đông, mờ tỏ những cánh chim cuối ngày đang ngược hướng dòng sông, bay chéo xiên rồi đậu lên những tàng cây trong cồn Dã Viên đã mờ nhòe vì thiếu sáng.

Ở mạn bắc dòng sông, cây cối trong công viên nhuốm màu xám thẫm, bờ cỏ mềm phía dưới càng tối đen, duy chỉ con đường đi bộ nổi bật hơn nhờ được thảm lớp đá sáng màu. Từ xa, con đường như sợi chỉ lớn trắng đục len lỏi, quanh co.

Ngày vẫn chưa tắt, dòng nước dưới lòng sông chưa chuyển sang màu đen mà như dải lụa phập phồng, óng ánh sắc lơ. Một lát sau, tím, vàng, cam, xanh, đỏ… những ánh đèn từ hai bên thành cầu và những tòa nhà cao tầng bắt đầu đổ xuống, mặt nước phản chiếu, hắt lên những vệt sáng lung linh. Thích nhất là khi đèn cầu chuyển sang trắng sáng, toàn bộ không gian trên và dưới lòng sông trải rộng, nhuốm vẻ trong suốt, mơ màng.

Những ánh đèn thành phố rót xuống sông đêm giúp bớt đi vẻ vuông vức, khô khốc, trơ trụi của những tòa nhà, những công trình bê tông cốt thép. Sắc màu huyền ảo tô điểm, nhấp nháy, vạn vật nửa ẩn nửa hiện tạo nên bức tranh đô thị gợi cảm, đổ bóng mềm mại, hút sâu.

Cũng chẳng mấy chốc nữa, những cơn mưa dài sẽ kéo đến phủ mù mịt xứ này, men theo độ dốc leo lên đỉnh những cây cầu thành phố, sẽ chẳng còn đôi mắt nào được hút vào những ráng chiều ngời sáng màu cam đào hoặc vàng mơ nữa. Lúc đó, dù ngày chưa qua, màn đêm ẩm ướt và tối tăm cũng đã chực chờ, bao trùm lấy những con đường, tòa nhà, tàng cây, bờ cỏ. Cây lá run rẩy. Những cánh chim di trú. Mọi người ai nấy đều khép cửa, mong tránh được cái lạnh và sự ẩm ướt thấm đẫm vào thịt da.

Bây giờ, ánh mặt trời đã tắt hẳn. Tôi đứng thêm một lúc lâu trên hành lang dành cho người đi bộ mới tiếp tục cất bước. Tôi nhận ra, thời gian là phép màu khiến bất cứ vẻ đẹp nào ở hiện tại đều trở nên quý giá, xứng đáng để trân trọng như một món quà. Như là, một chiều thu vàng khô ráo, mát mẻ, phía chân trời ngời sáng sắc vàng mơ.

Diệu Thông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top