Công tác ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi quen biết nhiều tác giả trẻ có sức viết giàu nội lực, trong đó có Hiên. Gần chục năm Hiên viết không ngừng nghỉ, rồi bỗng dưng “lặn” mất tăm. Gần 5 năm nay, chúng tôi vẫn tương tác trên mạng xã hội, nhưng không trao đổi về các sáng tác, câu chữ nữa mà chỉ đơn thuần quay quanh cuộc sống, công việc hiện tại. Song tôi để ý, cứ mỗi khi thấy bạn bè văn chương khoe facebook tác phẩm sáng tác mới được đăng tải trên báo, tạp chí, Hiên luôn đọc rất kỹ, nhận xét thấu đáo, chân thành. Kèm theo đó là những câu cảm thán kiểu như: “mình giờ lười quá”; “chẳng biết bao giờ mới lại có thể viết hăng say như xưa, thất vọng với bản thân lắm”… Tôi thường động viên chị, rằng điều đó chẳng có gì đáng lo cả. Hãy chỉ nghĩ đó là khoảng thời gian đang tái tạo lại năng lượng, như cách ta “sạc pin” cho chính mình vậy.
“Quãng nghỉ” là một khái niệm mới mẻ với nhiều người, và tôi cũng từng có lúc hẫng hụt khi rơi vào nó. Đấy là những khoảng thời gian, mọi thứ trong mình dường như trống rỗng. Tư duy như đi vắng, chỉ còn lại một khối thân thể hoạt động theo cơ chế sinh tồn. Cảm giác về sự bất lực, kém cỏi cứ đè nén nặng trĩu trong lòng. Rất muốn làm gì đó, viết gì đó, nhưng cứ bí rị, tắc nghẽn từ trong ý nghĩ. Càng cố gắng thoát ra khỏi sự bí bách, thì lại càng cảm thấy bí bách. Tâm tư o bế trong dòng suy tưởng lộn xộn và vô hướng, khiến giọng nói tiếng cười thường ngày cũng trở nên ủ dột, yếu ớt. Hễ gặp điều gì không vừa ý, thấy ai không thiện cảm, là lòng dâng đầy bực bội. Thế nên có khi cả ngày không làm được phần việc nào, mà cũng thấy thân tâm rã rời, mỏi mệt.
Một ngày, đang chìm trong mớ bùng nhùng cảm xúc ấy, cô bạn thân rủ tôi đi ngắm thác mưa rơi. Thác nước chảy ra quanh năm từ lòng núi, xanh trong, dịu mát. Tôi nhìn dòng nước vừa rơi vừa bay hơi từ vách núi xuống lòng suối, hít sâu làn gió rừng phả ra lồng lộng, thấy vơi nỗi ngột ngạt đang bó buộc trong lòng. Bạn nói rằng, thác nước này không phải lúc nào cũng dồi dào nguồn nước, và nước không phải lúc nào cũng trong xanh. Có những thời điểm màu nước đục vàng, chảy rón rén như sợ làm đau mạch đất.
Nghe và tôi bỗng nhận ra rằng, quy luật của tự nhiên, của dòng thời gian cũng hữu hạn thế, thì vì lý gì ta cứ đặt để mình trong sự vô hạn làm gì. Mọi thứ đều có chu trình vận hành riêng của nó. Ví như việc ta vượt thoát những nỗi buồn đau vậy. Nếu càng cố gắng mạnh mẽ thì lại càng âm thầm bị vò xé mãnh liệt. Buồn thì cứ cho phép mình được khóc. Hãy cứ trút hết những khổ đau, ấm ức, hờn tủi cất giấu bấy lâu ra theo những giọt nước mắt, không cần kiềm nén sự nức nở hay bận tâm đến ý nghĩ của người khác nghĩ gì về mình. Rõ ràng là sau trận khóc đã đời ấy, lòng dạ ta nhẹ nhõm biết bao.
Thế nên, nếu rơi vào quãng thời gian cảm thấy mình vô dụng, thừa thãi cũng vậy, đừng gắng gượng ngồi trước máy tính để… làm việc; đừng cố đi tìm không gian náo nhiệt hay nơi chốn vui chơi nào mà ta nghĩ có thể cho mình cảm hứng làm gì. Tất cả những điều đó chỉ càng làm tâm trí ta thêm nóng rẫy, bí bó mà thôi. Cứ mặc kệ tất cả, ngủ giấc thật ngon mà đầu óc rỗng toang. Cứ lười biếng một chút, bừa bộn và xộc xệch một chút… Đó lại mới chính là cách ta yêu bản thân, vì ta thực sự cần những “quãng nghỉ” như thế trong cuộc đời.
Có người nói rằng, dù buồn đau, chán nản, tuyệt vọng đến mấy, họ vẫn phải đẹp. Quan điểm này chẳng sai, thậm chí rất đáng nể. Nhưng bản chất của cái đẹp được tỏa lan từ tinh thần, ấy là một làn da sáng khỏe, miệng cười mắt cũng như cười, giọng nói tràn đầy ngữ điệu vui tươi… Nếu tinh thần không có được sự an bằng, thì dẫu trau chuốt vẻ đẹp bề ngoài đến mấy, nhìn vào đó cũng chỉ thấy sự giả tạo, gượng ép.
Chăm chút và tôn trọng cảm xúc của bản thân một cách thư thái, thoải mái, những “quãng nghỉ” sẽ trở nên dễ chịu, giúp chúng ta tạo ra biết bao điều mới mẻ và đáng giá ở “thì tương lai”.
Mai Đình