Từ nhỏ đến lớn, con được bảo bọc, chỉ biết ăn rồi học, tốt nghiệp đại học, đi làm rồi vẫn được mẹ chăm chút miếng ăn, giấc ngủ từng li từng tí. Ngoài giờ làm, thường chỉ dành thời gian cho bạn bè, chẳng để tâm đến điều gì. Tôi lo con gái “tồ tồ” như “gà công nghiệp”, làm sao có thể vừa làm tốt công việc ở cơ quan, vừa quán xuyến nhân viên, lo toan, tính toán bao nhiêu khoản…, nếu mở quán kinh doanh. Không chừng chỉ được dăm bữa, rồi vốn liếng “đổ sông đổ bể” như chơi.
Lo thì vẫn lo, nhưng trong lòng tôi nhen lên niềm vui khi thấy sau thời gian theo khóa học tại một trung tâm dạy pha chế, chiều nào tan làm về nhà, con cũng bày biện làm thử các món đã học rất nghiêm túc, chăm chút. Thậm chí từ những điều đã học, con thử nghiệm sáng tạo, mong có thể tạo ra hương vị “phá cách”, hấp dẫn khách hàng.
Quán được mở. Những ngày đầu tôi vẫn chưa thể quen, cứ “giật mình” khi sáng sớm lên gác, thấy phòng con đã “vắng ngắt”. Đứa con gái có thói quen ngủ nướng đến sáng bạch mới chịu dậy, nay thường 5 giờ sáng đã ra khỏi nhà, đi chợ đầu mối để lựa trái cây, nguyên liệu cho các món nước ép được vừa tươi, vừa rẻ. Mọi thứ con phải chuẩn bị sắp đặt đâu vào đấy trước 7 giờ sáng, giao lại cho các bạn nhân viên, để đảm bảo giờ giấc và công việc tại cơ quan. Buổi tối, sau khi ở quán về (thường là 10 giờ đêm), con vẫn còn lục đục chuẩn bị một số thứ, hoặc nấu nước đường dùng trong pha chế cho ngày mai. Cô hàng xóm có gánh cơm hến bán tại nhà, cũng thường dọn hàng lúc tờ mờ sáng, cứ tấm tắc: “Bé nhà chị bữa nay giỏi quá, chịu thương chịu khó, năng động, khác trước hẳn”.
Bình thường, được mẹ bảo bọc nên con hầu như không biết quý trọng, không biết tiết kiệm đồng tiền mà mẹ phải lao động nhọc nhằn mới kiếm được. Con có thể tiêu xài vô tư những khoản “vô bổ”. Bây giờ có hôm ghé quán sớm, tôi thấy một bác lớn tuổi, chạy chiếc xe máy cà tàng, phía sau chở mấy bao nước đá, hỏi bạn nhân viên có lấy đá để bán không. Nhưng trên đường đến quán, cô bé nhân viên theo lời dặn của con đã ghé “lò”, mua đá luôn rồi. Bác bỏ đá quay xe đi, khẽ thở dài.
Về nhà, tôi bảo con: “Mình tự lấy đá mỗi bao 16 nghìn đồng. Có người đưa đá đến tận nơi, mỗi bao 20 nghìn đồng. Mỗi ngày chỉ “mất” 4 nghìn đồng, nhưng mình thoải mái, nhẹ nhàng hơn, không phải vất vả”. Không ngờ, con nói: “Một ngày 4 nghìn tuy nhỏ, nhưng mỗi tháng tốn 120 nghìn đó mẹ. Cứ mỗi khoản chịu khó một chút, tiết kiệm một chút, coi như lấy công làm lãi mẹ à”. Tôi “đuối lý”. Ừ thì kinh doanh buôn bán, tính toán như vậy cũng đúng thôi.
Bất ngờ hơn, mấy hôm sau con kể, đã lấy đá của bác ấy. Lý do là thời gian này dịch dã, làm ăn, kiếm tiền khó khăn. Bác cũng lớn tuổi rồi mà phải đi bỏ từng bao đá như vậy, cũng vất vả lắm. Thôi thì, mình “nhín” lại một chút, để bác kiếm thêm được chút ít.
Tôi vui mừng thực sự. Không riêng việc con kiếm thêm được đồng tiền chân chính từ quán cà phê nhỏ, điều quan trọng nhất, con có những thay đổi tích cực. Con trở nên chăm chỉ, chịu thương, chịu khó và biết cảm thông, chia sẻ với nỗi khó khăn của người khác.
Duy Trí