Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn
Người "tham lam"
Con đường đến với múa rối nước của anh thật tình cờ. Và có lúc tôi nghĩ, đến với môn nghệ thuật này như để anh tìm thấy mình trong đó. Từ những năm 90, chàng trai trẻ Nguyễn Phi Tuấn khi vừa tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội với chuyên ngành diễn viên kịch nói lại xách balo đến với… rối ở tận Tây Nguyên. Phi Tuấn cắt nghĩa cho lý do đó là cái nghiệp rối ngẫu nhiên vận vào chứ anh không chủ động tìm đến. Từng là một học sinh chuyên văn ở Huế, mộng của anh là được cầm bút, vô tình ánh đèn sân khấu thoáng qua lúc nào để rồi trở thành niềm đam mê.
Như lời anh kể, từng là diễn viên ca kịch Huế, diễn viên kịch nói Bình Trị Thiên, phóng viên phụ trách văn nghệ, đạo diễn, diễn viên múa rối nước. Anh quả là người "tham lam". “Tại cuộc đời và số phận. 3 khóa học ở Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội với các ngành chẳng liên quan nhưng tôi lại đến với rối. Từ bé tôi đã được xem nhiều về múa rối cạn nhưng không ý thức được làm nghề múa rối vì mê kịch nói hơn. Khi vào Tây Nguyên vô tình được phân vào đoàn múa rối Đắc Lắc, sau một tuần tập tành cầm rối, trưởng đoàn giao ngay cho tôi vai chính. Vậy là múa rối theo tôi đến bây giờ”.
Bây giờ, trong các lần diễn múa rối nước, nhìn anh loay hoay hàn gò, dựng sân khấu rồi MC kiêm luôn trưởng đoàn, người diễn chắc hẳn chẳng ai tin anh là đạo diễn tiếng tăm. Phi Tuấn cứ lặng lẽ, chưa bao giờ nề hà. Ngay cả ở những lần lưu diễn, anh vẫn cứ vậy. Nếu anh diễn mà thấy khán giả không “áp phê" thì anh coi như thất bại. Điều khiển rối theo anh không khó, quan trọng là ở tâm hồn của nghệ sĩ khi "thổi hồn" vào rối. Đấy là nghệ thuật, là năng khiếu, nếu không muốn nói là thiên bẩm.
Mỗi loại hình múa rối có nét đặc trưng và sức hấp dẫn riêng. Nếu múa rối cạn trên thế giới nước nào cũng có thì múa rối nước ở Việt Nam quả độc đáo, phản ánh cô đọng nét văn hóa của nền văn minh lúa nước, thế giới chẳng ai có! Loại hình nghệ thuật này chẳng cần thuyết minh, không có hàng rào ngôn ngữ, biểu diễn thông qua hành động, trò diễn để khán giả hiểu tất cả. “Mỗi trò rối nước như một màn ảo thuật. Nếu bạn không bước vào buồng trò thì không thể lý giải được. Ngày xưa không ai được bước vào buồng trò, con gái lấy chồng nhất quyết không được bước vào buồng trò vì sợ lộ nghề của phường rối. Bây giờ thì khác”, Phi Tuấn tiết lộ…
Múa rối nước sắp trở lại trên đất Huế
Chỉ mong luôn "sáng đèn"
Phi Tuấn không nhận mình là người đầu tiên đưa múa rối nước về Huế, bởi loại hình này đã xuất hiện trước khi anh chạm vào. Anh kể, năm 1993, Lê Bá Sinh, một người mê múa rối tập tành làm rối nước, đó là người đầu tiên mở rối nước ở Huế. Nhưng ngày đó, diễn rối quả khó bởi du khách người nước ngoài ít, trong khi khách nội địa chỉ xem một lần vì tiết mục cũng chừng đó trò. “Năm 2002 sau khi học xong khóa đạo diễn, tôi có cơ duyên về làm việc ở Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, song song đó, tôi mở CLB diễn múa rối cạn để thỏa đam mê. Sau khi anh Lê Bá Sinh ngừng diễn múa rối nước thì tôi quay lại với loại hình này, cũng để thỏa đam mê”, Phi Tuấn nói.
Đằng sau ánh đèn sân khấu, Phi Tuấn bảo, nghề rối của anh nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, bởi trào lưu của xã hội bây giờ, múa rối nước hay các môn nghệ thuật truyền thống khác dường như bị xem nhẹ, sân khấu nghệ thuật truyền thống trở nên heo hút. Trong khi các nghệ sĩ hài, ca sĩ trẻ lại kiếm được nhiều tiền thế nhưng những người như Phi Tuấn lại cứ "nhàng nhàng". Có lúc anh nhận thấy mình cô độc, thất bại.
Múa rối nước của Việt Nam phản ánh cô đọng nét văn hóa của nền văn minh rối nước
Hơn một năm qua, anh dẫn quân đi diễn ở các trường học trong và ngoại tỉnh. Phi Tuấn đùa rằng, thị trường của anh một năm qua là “thị trường thiếu nhi”, len lỏi vào trường học để duy trì cái nghiệp. Những học trò theo anh cũng chỉ vì nể, thương anh chứ không phải ai cũng đam mê nghề đến vô điều kiện. “Những lần lưu diễn, nhìn học trò tôi ứa nước mắt bởi nhiều hôm ngâm mình dưới nước lạnh run cầm cập, da thịt tím tái nhưng số tiền kiếm được quá bèo bọt trong khi nỗi lo cơm áo gạo tiền, tổ ấm, tương lai thường trực”, Phi Tuấn ngậm ngùi.
Đến lúc này, khi hơn nửa cuộc đời gắn bó múa rối nước, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn khẳng định, anh chả được gì ngoài cái nghiệp. Nhắc đến gia đình, anh bỗng dừng lại, như người mang nhiều tội lỗi. Anh trầm ngâm: “Tôi có một người vợ tuyệt vời, hy sinh vì nghiệp của mình nên tự cảm thấy có lỗi nhiều hơn. Các con bảo, nếu ba bớt chạy theo đam mê thì đời sống các con đỡ khổ. Và nếu tôi chọn đường quan lộ thì giờ tôi đã khác. Nhà hát xây lên đập xuống nhưng tổ ấm của tôi vẫn cứ là căn nhà cấp 4. Nhà hát múa rối ngừng diễn đến ba lần bởi những lý do khách quan khiến tôi cảm thấy xấu hổ vì đã làm cho mọi người thất vọng”, rồi anh mượn lời cụ Nguyễn Du để nói về phận mình: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…”.
Bây giờ, thông tin múa rối đã có địa điểm biểu diễn khiến niềm tin của anh như được đền đáp, ý tưởng về trò múa rối mới cứ chập chờn trong anh. Anh muốn rối nước ở Huế có một màu sắc riêng. Văn hóa, câu chuyện, con người, làn điệu dân ca của Huế được sống trên sân khấu rối nước. “Chính quyền cũng đã cấp diện tích mặt nước bên chân Đập Đá để biểu diễn, tôi cũng đã tìm nhà đầu tư để dựng lại nhà hát. Bây giờ lại thêm trách nhiệm nặng nề hơn, ít nhất vừa bảo toàn kinh tế cho nhà đầu tư vừa thỏa mãn một địa điểm cho mình làm nghề. Ngay tuần sau, tôi bắt tay vào triển khai, lên ý tưởng những cái mới lạ, như dự định đưa hoa đăng vào rối nước, và mong sao nhà hát luôn sáng đèn, múa rối nước được bảo tồn trên đất Huế”.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN