ClockThứ Bảy, 02/03/2019 09:50

Con trai, con gái

TTH - Dượng mất rồi con! O (cô) báo tin qua điện thoại. Phải mất một lúc tôi mới nói được từ dạ, rồi hỏi từ khi nào. Dù không quá sốc nhưng buồn và thương, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước khi biết dượng mắc chứng bệnh nan y cách đây hơn một năm.

Nỗi lòng người mẹHai đứa trẻNgôi nhà của chị

Chỉ là dượng (chồng o út) nhưng bao giờ cũng thế, dượng luôn dành tình yêu thương cho chị em chúng tôi và cả ba mẹ tôi nữa. Mỗi lúc nhà có việc, bao giờ dượng cũng là người đầu tiên có mặt, cùng xắn tay áo giúp con cháu, anh chị và hỗ trợ bất cứ điều gì trong khả năng cho phép, cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Thế nên, cháu bên vợ là chúng tôi từ lâu luôn xem dượng như ruột thịt. Khi dượng mất, tất cả chúng tôi đều có mặt, dù không hỗ trợ được gì nhiều nhưng ít nhất để o và các em đỡ cô quạnh.

Dượng có 4 người con, tất cả đều là con gái, đứa lớn đã lập gia đình và có con, đứa út vừa học xong lớp 12, hiện đang du học tại Thái Lan. Từ trước tết về thăm quê, biết ba bệnh ngày càng trở nặng hơn, em ở lại chăm sóc đến bây giờ. Những người đến chia buồn, ngoài thương xót dượng “ra đi” khi chưa tới ngưỡng hưởng thọ, họ còn bàn nhiều đến việc dượng không có con trai, rồi ai sẽ “đội mũ rơm, chống gậy, đi lùi” (?!) (phong tục khi đưa người mất về nghĩa trang và việc này chỉ dành cho trưởng nam cùng cháu đích tôn của người quá cố).

Tôi không nói những điều mình nghe được với o và các em, bởi tôi hiểu hơn ai hết, o biết rõ điều đó không phải từ bây giờ mà cách đây mấy chục năm khi từ chối sinh thêm đứa nữa để kiếm “cụ con trai”. Không chỉ o mà dượng luôn bảo, với dượng như thế là đủ và luôn yêu thương các em hết mực. Chưa bao giờ tôi thấy dượng to tiếng, nặng lời với con. Các em cũng thế, luôn yêu thương dượng và hết lòng, hết sức chăm lo cho ba mẹ.

Ngày dượng đau, các em cùng o thay nhau chăm sóc ba, không “ní nài”, không né tránh trách nhiệm. Các khoản chi phí, viện phí và nợ nần phát sinh do dượng nằm viện đều được các em chi trả đầy đủ. Đám tang cũng chu toàn trước sau. Người đưa tiễn đông bởi bạn bè các em nhiều, người quen, thân của o dượng cũng không ít. Điều đó đã phần nào nói lên được cách sống nặng ân tình, có trước có sau của o dượng và các em. Vì thế cũng không khó hiểu, dù lúc đưa tiễn, người “đội mũ rơm, chống gậy” bưng di ảnh là con gái út thì cũng không còn ai thắc mắc, cười chê.

Thế mới nói, con trai hay con gái có quan trọng gì, miễn là được nuôi dạy tốt, trong môi trường đầy tình yêu thương, trách nhiệm, chắc chắn chúng sẽ là người luôn xem trọng tình yêu thương và tính trách nhiệm trong gia đình cũng như xã hội. Còn việc thờ tự cha mẹ sau khi mất như một số quan niệm lo lắng nếu là con gái sẽ “vô tự”, thì tôi cho rằng đó là quan niệm đã quá xưa cũ và lạc hậu, bởi có rất nhiều gia đình dù có cả con trai, con gái song kể cả khi còn sống và lúc mất đi, con gái vẫn lo chu toàn, mồ yên mả đẹp. Ở quê tôi không ít gia đình đều nhờ con gái mà sung túc, lúc chết được xây mồ mả, thờ tự chu đáo. Tôi càng tin điều đó hơn khi nghe các em bàn việc xây lăng, đắp mộ cho ba sau lễ chung thất (49 ngày) và những kế hoạch đầy tình yêu thương khác để chăm mẹ, để o không còn cảm giác chỉ còn lại một mình.

LINH ĐAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Con gái có nên học nuôi trồng thủy sản?

Với sự phát triển của nông nghiệp và thủy sản, việc học và làm việc thủy sản không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn mà còn mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, khi xem xét từ góc độ của phụ nữ, công việc này đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt và có thể khác biệt so với nam giới. Hãy cùng khám phá chi tiết về ngành nghề này đối với phụ nữ trong bài viết dưới đây.

Con gái có nên học nuôi trồng thủy sản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top