Sau 8 năm học tập, làm việc ở nước ngoài, anh quyết định về.
Hay tin, bạn bè, người thân thắc mắc: Sao lại về, khi không ít người mong muốn được ra nước ngoài sinh sống, làm việc? Nhiều người tiếc cho hai con của anh, khi đứa bé sinh ở nước ngoài đã được nhập quốc tịch, đứa lớn đã xong bậc tiểu học và cháu học rất giỏi. Ai cũng bảo, nếu không về, cơ hội học tập của hai cháu tốt biết mấy.
Trả lời câu hỏi “vì sao về”, anh dí dỏm: về vì “nhớ món bánh bèo nậm lọc của mạ”. Nhưng sâu thẳm, trong một bài viết đăng trên báo tiết lộ về chuyến trở về sắp đến của mình, tôi đã đọc được trong những lời tự sự của anh nỗi nhớ, sự chờ mong khắc khoải được về nhà. Và cả những dự định sẽ cống hiến được gì đó cho quê hương, từ kinh nghiệm gần chục năm làm việc ở nước ngoài, dù con đường trở về không phải bao giờ cũng được trải thảm…
Mới đây, trong chuyến công tác ghé qua Bình Định, một đồng nghiệp bảo: Nếu đến Bình Định thì nên một lần đến Quy Hòa- nơi đang hình thành khu đô thị khoa học độc đáo ở Đông Nam Á- do vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân- Lê Kim Ngọc sáng lập và xây dựng. Vợ chồng giáo sư Vân đã về, sau gần cả đời đi xa để học hỏi, thành danh cùng tâm nguyện: “Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương”.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp gặp một người bạn. Có thể gọi anh là người thành đạt, với thời gian được làm việc ở nước ngoài và mới về nước, được lên chức.
Trong “đồn đoán” của bạn bè, cứ nghĩ anh sẽ đi xe xịn, ở nhà to. Nên trông anh giản dị với chiếc xe máy tầm trung và căn nhà nhỏ trong hẻm, ai cũng thoáng ngỡ ngàng. Như đọc được ý nghĩ của mọi người, anh bảo: Khi mình chuẩn bị ra nước ngoài, ai cũng hỏi mình được bao nhiêu mỗi tháng. Khi mình về nước, mọi người lại hỏi câu ấy. Chẳng ai hỏi mình đã làm được những gì…
Lời trần tình của bạn cũng là một thực tế: rằng có lẽ ngày nay, người ta đã quen nhìn nhận và định giá năng lực, tài năng của người khác bằng thu nhập- được bao nhiêu- chứ không phải bằng sự cống hiến.
Có lẽ, trong nhịp sống thực tế ngày nay, khái niệm “cống hiến” đôi khi có phần xa lạ. Nhưng đâu đó, vẫn còn rất nhiều những người biết sống cống hiến, như người đàn ông trẻ đã quyết định trở về, như tấm lòng và nhân cách cao cả của GS. Trần Thanh Vân…
Tiểu Muội