ClockThứ Ba, 10/08/2021 08:53

Của để dành

TTH - Nhà tôi ở là nơi tiếp giáp giữa hai làng. Khi xưa nghe kể, vì một câu thách đố trong lúc không bình tĩnh nên làng tôi bị mất rất nhiều đất. Phần đất phía làng dưới bây giờ vốn dĩ của làng tôi. Đó là chuyện của người xưa. Nay, người ta bê tông hóa một đoạn cái bờ cõi cũng lấn qua một ít. Cái đường thẳng, xây xong bỗng cong cong lạ kỳ. Chuyện của hai làng bây giờ còn lại chuyện của hai nhà.

Hai nhà thì dễ giải quyết hơn hẳn. Nhưng chuyện lấn sang một nhát cuốc thôi đôi khi cũng khó bề yên ổn. Không ít những xích mích, những hằn học vì những chuyện không đáng có đó lại mang theo cả đời đời. Vậy mà lần này mạ tôi lại khá yên, mặc dù vẫn nhận cái bờ không đúng, mạ vẫn nghĩ một cách tích cực “đỡ chuột và đỡ cỏ”.

Có thể, với một người đã sống hơn bảy mươi năm trên cuộc đời này, gặp quá nhiều thứ xảy ra mới có thể bình thản đến vậy. Bởi nhiều người đến chơi nhà, nhìn cái đường bờ mất cả thẩm mỹ đó lại còn tức “anh ách” giùm nhà tôi. Vậy nên tôi hỏi mạ. Mạ không nói gì mà chỉ kể lại chuyện ngày xưa.

Mạ nhớ cái thời chưa có xe đạp, đi lên thị xã mất cả tiếng đồng hồ. Một lần đi chợ là một lần khó, nên bao nhiêu thứ có thể mua được sẽ mua. Muối mắm, chiếu chăn, toàn những đồ nặng nhọc và cồng kềnh. Tất cả cho vào quang gánh để gánh về. Vậy mà lần đó, quang gánh gãy ngay giữa đường. Nếu không có cái quang, thì chuyện mang được những hàng hóa về hầu như không thể. May mà chỗ đó có nhà dân, họ thấy vậy liền mang một cái quang khác đưa cho mạ mượn dù không hề quen biết. Nhờ có cái quang gánh mới, mạ đưa được mớ hàng hóa về và mang trả vào sáng hôm sau.

Nghe mạ kể thế, tôi cũng tiếp thêm vào câu chuyện. Trong một lần đi chơi từ thành phố Huế về biển Thuận An, trời mùa đông nên tôi đi vào ban trưa. Hôm đó không quá lạnh và cũng không có mưa. Chẳng hiểu sao cái điện thoại lại rơi ra lúc nào mà tôi chẳng hay. Đến khi thò tay vào túi không thấy nữa, vội vàng quay xe lại tìm kiếm. Đường ban trưa nên hơi vắng vẻ, một cảm giác an toàn nào đó nẩy lên trong người.

Tôi thấy một người phụ nữ luống tuổi, gầy gò, đạp chiếc xe mini cũ kỹ và đưa một cánh tay lên trời. Lại gần, tôi thấy cánh tay vẫy vẫy với chiếc điện thoại trên đó. Tôi vừa dừng xe lại thì người phụ nữ đưa ngay lấy cho tôi. Trong tích tắc, tôi vừa biết mình chưa bị mất điện thoại thì cũng là lúc người phụ nữ lên xe và đạp tiếp. “Chạy chi mà dữ rứa biết, kêu miết mà không nghe”. Tôi nghe lấy những từ ngữ đó khi chị đã đi được một quãng còn mình thì chưa kịp cả cảm ơn. Rồi mạ nói: Con thấy đó, bí đao, bắp hạt và cả mớ rau muống, hàng xóm mình cho đó. Cả mấy cây bí đỏ được mùa năm ni họ cũng mang tới cho cho mạ trồng.

Lúc đó, tôi biết rằng, chuyện cái đường thẳng trở thành cong cong kia không phải mạ không biết. Đôi khi bỏ qua, đôi khi kiềm lại một lời nói khó nghe cũng là một thứ của để dành. Dường như cái sự cho đi và nhận lại cứ luân hồi trong cuộc đời này. Những món quà tuyệt vời sẽ dành đến cùng những điều tử tế kèm theo. Đó như là một thứ của để dành cho những lúc khó khăn…

Yên Thường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top