ClockThứ Hai, 08/11/2021 16:30

Đạo hiếu trong văn hóa Huế

Bảo tồn phát huy thương hiệu nhà rường HuếĂn cũng phải học

Từ xưa đến nay, người vùng đất núi Ngự, sông Hương không mấy ai là không biết, không thuộc câu ca dao:

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình”

Câu ca dao trên thường được các bà, các mẹ dùng làm câu hát ru để đưa con cháu vào giấc ngủ ngon lành, đồng thời cũng là lời, là cách nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ thực hiện tốt những chuẩn mực về đạo đức mà từ xa xưa ông cha ta đã đặt ra.

Thời nào cũng vậy, ở Thừa Thiên Huế, đạo hiếu bao giờ cũng được tôn trọng, được đề cao và được xem như là một trong những chuẩn mực quan trọng vào bậc nhất để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người. Người có hiếu với ông bà, cha mẹ thì được gia đình, làng xóm, bạn bè quý mến, tôn trọng; ngược lại những kẻ bất hiếu với các bậc sinh thành ra mình và nuôi mình lớn khôn thì bị mọi người coi thường, thậm chí bị khinh bỉ, xa lánh dù người đó có quyền cao, chức trọng.

Chữ hiếu, theo quan niệm của Nhân dân ta từ xưa đến nay, được biểu hiện trên nhiều phương diện. Trước hết, con cháu phải hết lòng yêu thương, kính trọng những người đã sinh thành ra mình, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình, chăm lo cho mình khôn lớn. Ngay cả khi cha mẹ mình có bị vấp ngã trong cuộc sống, thậm chí bị bắt bớ, tù đày… nhưng là con cái trong gia đình, không phải vì vậy mà ruồng bỏ, xa lánh vĩnh viễn cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu hoặc bị ốm đau thì con cháu càng phải gần gũi, chăm sóc đầy đủ, chu đáo hơn. “Trẻ cậy cha, già cậy con” - đó là điều mà ai cũng biết. Người Huế xưa nay luôn lấy gia đình làm trọng. Nhiều gia đình có hai, ba, thậm chí bốn thế hệ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà. Ông bà, cha mẹ được con cháu hết lòng yêu thương, phụng dưỡng.

Khi trưởng thành, con cháu luôn lo việc tu dưỡng, làm ăn, phấn đấu… sao cho trở thành những “trai tài, gái giỏi” để làm rạng danh cho gia đình, cho cha mẹ. Theo chúng tôi, đó cũng là một khía cạnh đẹp của đạo hiếu của người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng. Những người đi làm ăn xa, khi có tổ ấm riêng của mình cũng không bao giờ quên việc thăm hỏi, chăm lo cho cha mẹ nhất là vào những dịp lễ tết hoặc khi cha mẹ đau yếu, bệnh tật.

Đạo Hiếu với người Huế không chỉ thể hiện ở khi cha mẹ còn sống mà khi cha mẹ đã khuất núi, đạo lý này cũng hết sức được coi trọng. Trước hết đó là việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ cúng những người đã khuất. Vào những ngày giỗ chạp con cháu cố gắng thu xếp thời gian, công việc để về thắp nén hương, khấn lạy tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở cõi vĩnh hằng. Rồi nữa, anh em, con cháu trong gia đình, gia tộc phải luôn luôn đùm bọc, yêu thương nhau và không làm điều gì bất nhân, bất nghĩa để làm hổ danh cha mẹ, ông bà.

Người Huế có một phong tục rất đẹp là vào ngày Lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch), người người thường lên chùa để cầu xin Đức Phật phù hộ, độ trì cho cha mẹ, cho bản thân và con cháu được sức khỏe, an lành. Người ta ôn lại sự tích “Mục Kiền Liên” và thực hiện mỹ tục gắn hoa hồng, hoa trắng lên ngực áo… để nhớ về cha mẹ.

Theo Đức Phật, không gì tốt hơn là có hiếu, không gì xấu hơn là bất hiếu. Chữ “Hiếu” với người xứ Huế, từ lâu đã trở thành một đạo lý, một cách ứng xử văn hóa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây cũng là một tiêu chí để nam thanh, nữ tú đánh giá về nhau, đến với nhau. Hẳn là vì vậy mà ca dao đã có câu:

Trai hiếu thảo lo chi ế vợ

Gái chính chuyên nào sợ ế chồng

Em lựa nơi nhân nghĩa, sợi chỉ hồng em trao

Văn hóa Huế và những người con hiếu thảo của đất Thần Kinh.

Huy Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top