ClockThứ Năm, 21/09/2017 13:26

Để con không trôi nổi trong thế giới ảo

TTH - Con trẻ hiện nay tiếp cận internet từ rất sớm. Dù các em không chủ đích tìm những trang web độc hại, song những trang web ấy vẫn hiển thị, kích thích sự tò mò. Cấm trẻ em dùng internet không phải là giải pháp, việc nên làm của phụ huynh là đừng để các em vượt tầm kiểm soát.

Cho con tham gia các hoạt động bên ngoài

Từ sự tò mò

Chị Huỳnh Thanh Hường, có con đang theo học Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế) kể: “Tôi thấy con thích xem các clip trên YouTube với với nhân vật hoạt hình, như Elsa, người nhện, Bạch Tuyết…nên cũng yên tâm. Nhưng khi cộng đồng mạng náo loạn, phát hiện nhiều clip bạo lực, khiêu dâm núp bóng phim hoạt hình thì tôi thực sự sốc. Vô tình, con tôi cứ mê muội, không thoát ra được những clip đáng sợ ấy mà tôi không hề hay biết”.

Không ít phụ huynh giao máy tính, điện thoại cho con để chúng không quấy phá, ngồi yên một chỗ để bố mẹ làm việc. Thế nên, nhiều em thường xuyên chơi game, say mê đến mức không cần ăn uống, sẵn sàng bỏ cả học để chơi game. Không ít em hình thành nên những thói quen xấu trong sinh hoạt như các “tín đồ” của “thế giới ảo” như: sống buông thả, bất cần đời, có xích mích thì thanh toán lẫn nhau theo kiểu “xã hội đen”... Anh Nguyễn Việt Thắng, phụ huynh có con đang học lớp 7 Trường THCS Trần Phú (TP. Huế), cho hay: “Tôi lo nhất là những người xấu giả mạo danh tính để hẹn gặp các cháu đi chơi. Lúc này, mọi kịch bản xấu đều có thể xảy ra, nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Các trò chơi ảo với nội dung thiếu lành mạnh dần ảnh hưởng đến đến nhân cách và tinh thần của trẻ”.

Khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đối với 400 trẻ vị thành niên cho thấy, có đến 74% trẻ em sử dụng internet hàng ngày, thời gian truy cập ít nhất là 30 phút và dài nhất lên tới 2-3 tiếng/lần. Có tới 87% trong số được khảo sát cho biết đã gặp những điều không mong muốn trên mạng. Hơn 65% số trẻ vị thành niên được khảo sát nói rằng đã phải tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm trên facebook, trang web… Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng internet thường để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí dẫn đến tự tử.

Làm bạn cùng con

Tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến của các bạn nhỏ bày tỏ: “Chúng cháu phải làm gì để không bị các trang web xấu tấn công. Nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng, bỏ nhà đi lang thang vì nghiện game ? Chúng cháu mong bố mẹ làm bạn với con để không phải trôi nổi trong một “thế giới ảo” độc hại”.

Âu lo của các bạn nhỏ cũng chính là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh và các cấp, các ngành. Nhiều phụ huynh bảo vệ con mình bằng cách sử dụng thiết bị và ngăn chặn trẻ nhỏ truy cập vào các website có nội dung xấu. Biện pháp tốt nhất là tạo một môi trường sống trong gia đình lành mạnh, có sự quan tâm giữa các thành viên, giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, cho rằng: “Cha mẹ nên đưa con cái vào thế giới thật là cách tốt nhất. Dù bận cũng cần dành thời gian nói chuyện với con, kể chuyện của mình và nghe chuyện của chúng. Trong trường hợp vô tình phát hiện con xem phim “đen”, cha mẹ cũng cần giữ thái độ bình tĩnh, không quát mắng vì sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương. Thay vào đó, hãy phân tích cho con hiểu những tác hại và đề nghị con ngưng sử dụng. Đồng thời dạy con cảnh giác với những đường link xấu hay nguy cơ có thể bị “tấn công” từ các tin nhắn rác”.

Nhiều ý kiến cho rằng, những em khi đã đi quá xa trong “thế giới ảo”, cách tốt nhất để lấy lại thăng bằng, hạn chế tối đa sự mê muội trước những “ma trận” trong “thế giới ảo” của online là nên sử dụng các biện pháp tâm lý mềm mỏng, khuyên con chơi có chừng mực, nên kết hợp hài hòa giữa “học mà chơi – chơi mà học” để hướng các em vào những kiến thức bổ ích trong học tập và trong cuộc sống lâu dài.

“Phụ huynh cần thẳng thắn với con trong các vấn đề về giới tính. Đừng tảng lờ những câu hỏi của con về giới tính hay tình dục, hãy giải thích cụ thể cho con. Nếu bạn không đủ kiến thức hay sự tinh tế thì hãy cung cấp cho con những tài liệu khoa học”, bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 13/11, tại Nhà thi đấu huyện Phong Điền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên toàn tỉnh với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

TIN MỚI

Return to top