ClockChủ Nhật, 20/08/2023 10:06

Đêm khuya lộng lẫy quỳnh thơm

Từ chiều trời đã giăng giông mấy bận, chập tối thì mưa ầm ào. Nằm nghe giọt giọt rí rách rơi trên mái ngói, tôi ngủ lịm đi trong khí đêm thanh trong, dịu mát lúc nào chẳng rõ. Chợt tiếng lề cửa nghiến vào nhau cọt kẹt làm tôi choàng tỉnh. Con mèo kêu nhe nhẻ theo sau bước chân người ra xa phía hiên nhà. Trong đêm, hương trà hoa cúc ngọt nồng như mời gọi tôi trở dậy. Đã gần nửa đêm mà bố còn pha trà, hẳn là lại đang chờ đợi điều tuyệt diệu của riêng ông - ấy là những đóa quỳnh trong thời khắc mãn khai lộng lẫy.

leftcenterrightdel
 

Mưa tạnh và mặt sân đã ráo. Bố ngồi tựa lưng vào ghế, đủng đỉnh vuốt ve chú mèo già đang nằm ngoan bên cạnh. Trông sắc diện ông vui tươi như sắp gặp được tri âm, tri kỷ trong đời. Nhìn cảnh đêm thanh sạch dịu dàng, tôi thấy bố thật khéo sắp đặt. Khéo từ việc chừa khoảnh đất rìa góc tường căn buồng lồi để trồng vừa vặn bụi quỳnh. Bụi quỳnh chếch bên hiên, cạnh bộ bàn ghế đá bố ngồi thong dong trà nước sáng chiều. Ngày ngày, bố tỉ mẩn với những cây, những hoa bé dại, cho khoảng sân vườn đẹp đẽ, mướt xanh. Trở về nhà sau ngày dài bận rộn, khi đôi mắt chạm vào sự tươi mát và lồng ngực căng đầy hương hoa ngan ngát, bao nhiêu đua chen, vất vả gánh gồng như được trút bỏ. Bố đã ở tuổi xưa nay hiếm, việc nặng nhọc chẳng cáng đáng được nữa, chỉ có thể dốc cạn tâm sức chăm chút một nơi chốn để vỗ về, ủ ấm tâm hồn các con như thế mà thôi. Việc bố làm, với tôi thế là đã quá nhiều cho yêu thương, san sẻ.

Vì yêu những đóa quỳnh lặng lẽ tỏa hương, nên bố biết rất rõ khi nào thì hoa sẽ nở. Thế nên, bao năm ông cứ một mình với đêm, vui vẻ chờ hoa khoe sắc. Bố bảo, vì hoa âm thầm tận hiến trong đêm, nên người yêu hoa cũng phải lặng lẽ mà thưởng ngoạn. Và, khi vạn vật chìm trong sự tĩnh lặng, màn đêm dày đặc, thì những đóa quỳnh trắng muốt, khép kín e ấp dần hé nở. Thời khắc nụ hoa khẽ khàng bung cánh, hương thơm thanh khiết từ từ lan tỏa, những đóa hoa mới vài phút trước còn uốn cong, chúc xuống e thẹn, nay cứ vừa chậm rãi nở xòe vừa vươn lên, kiêu kỳ và rạng rỡ xiết bao. Tôi chưa từng chứng kiến loài hoa nào mà khi nở có thể nhìn thấy sự chuyển động rõ ràng như vậy. Khoảnh khắc cả chục bông quỳnh thi nhau xòe ra, vẻ đẹp mong manh mà lộng lẫy khiến tim tôi run rẩy. Lúc này thì tôi đã hiểu, vì sao người ta lại gọi hoa quỳnh là “nữ hoàng của bóng đêm”.

Mấy năm trước khi mẹ tôi còn sống, bố luôn có mẹ cùng chia sẻ phút giây tuyệt diệu hiếm hoi này. Hoa quỳnh tượng trưng cho sự chung thủy, vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn, như một tình yêu nguyên thủy và duy nhất. Thế nên mẹ sẽ luôn là người pha trà, cùng bố sửa soạn cho cuộc thưởng hoa đầy ý vị của hai người. Nhấp từng ngụm trà thơm ngọt, nghe hương quỳnh phảng phất ngấm dần vào tâm tưởng, nghe hương tình quấn quýt, sắt son. Khi ngắm hoa nở, cả hai như được thanh tẩy tâm hồn, bao giông gió cuộc đời cứ theo đó mà tan đi. Bố nhớ mẹ mỗi khi trông ra bụi quỳnh, nhớ món canh hoa quỳnh độc đáo và lạ lẫm của mẹ. Qua đêm bung nở, sáng ra đời hoa đã cạn sắc, cạn hương, mẹ hái vài ba bông đem thái sợi nấu canh chung với đậu hũ non, nêm nếm gia vị đơn giản, thêm vào chút lá bạc hà là đã có món ngon để đời.

Chăm gốc quỳnh này, năm nào bố cũng đợi sau mỗi mùa nước lụt thì lặn lội ra bãi, tìm lấy lớp đất phù sa màu mỡ đem về vun xới. Có đất tốt, những phiến lá quỳnh chuyển mình vươn lên xanh óng, hoa ra nhiều hơn. Thêm nhiều lần cùng bố ngắm quỳnh nở trong đêm, tôi cứ lặng lẽ đắm chìm trong hương sắc rỡ ràng ngắn ngủi, trong mùi hương quyến rũ của hoa quỳnh mà rũ sạch hết những khổ lụy trần gian, thấy đời thật vui, thật đẹp…

Mai Đình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top