ClockThứ Hai, 23/01/2023 06:48

“Đoàn viên” của ba

Công nhân được sắm tết sớmLo tết sớm cho công nhân ngành dệt maySớm công bố mức thưởng Tết để người lao động không lo lắng

Huế còn chưa kịp rét run, bạn tôi đã nhắc năm nay tết sớm. Mọi người vẫn thường gọi, tết là ngày để đoàn viên, nên năm nay, ngoài câu nhắc vu vơ của mấy người bạn, “đoàn viên” đã đến sớm chút trong lời thủ thỉ của ông anh họ, rằng “tết năm nay em ráng về quê chơi, rủ cả bé em theo nữa”.

Nhà tôi có 3 thế hệ. Nếu không tính ngoại, riêng gia đình nhỏ của mình, nhà tôi nói 3 thứ tiếng. Mẹ Bắc, ba hơi Nam còn 2 đứa con rặt Huế. Mô típ của gia đình khiến ngày trước tôi hay được ví như “cô gái xấu xí Huyền Diệu” trong bộ phim nổi tiếng trên mạng. Ngày còn nhỏ, tôi chỉ chằm hăm quạu cọ con không xấu xí bao giờ. Nhưng lớn hơn, khi những câu đùa dần rơi vào quên lãng, tôi bắt đầu để ý đến việc trong nhà có nhiều văn hóa “cư ngụ” như vậy, ít nhiều sẽ có những khác biệt.

Thực ra, nói “đa dạng văn hóa” cho sang, chứ ba mẹ tôi vào Huế sống từ nhiều năm về trước, tính lại hiền khô cả ba lẫn mẹ, nên đa phần mọi cái tết đều chiều lòng hai đứa. Tôi không chắc bé em mình thế nào, nhưng vì hay để ý, nên tôi nhớ rõ ba mẹ chưa bắt ép hai đứa tết phải làm cái này, mặc cái kia... Thậm chí, ba còn chưa từng buộc cả nhà về việc “tết này gia đình sẽ về trong nội”. Cái “đoàn viên” của ba, thay vì “ở ngoài này hay trong nẫu”, sẽ là năm này tranh thủ về quê sớm hơn để trở ra mau với mấy đứa, hoặc năm khác vừa dứt pháo hoa và trời vừa sáng thì lên đường, đến qua tết thì quay về. Huế còn có ngoại, nên tôi biết, “đoàn viên” của ba là luôn nhường nhịn “đoàn viên” của các thành viên còn lại.

Vì biết mà thương, nên mỗi lần tạm gác các buổi tiệc tùng, off hội đầu năm để cùng ba túc tắc trên chuyến xe vào quê, tôi biết đó luôn là những cung đường háo hức của cả nhà. 

Huế nhỏ, nhưng quê nội là một thị trấn nhỏ hơn, nên tết ở nội với tôi khá truyền thống và đầy xưa cũ. Vì nội không còn từ khi ba bé tí, nên tết - theo lệ vẫn là ba bữa cúng mỗi ngày mời nội về chơi với con cháu và cả nhà. Là khay bánh thuẫn đầy vun cô tôi đổ tự khi nào đã được sắp ú ụ trên bàn dọn khách, là đường phố vắng hoe chứ không như các khu đô thị khác.

Tết ở quê nội, là vài bài nhạc xuân giòn giã từ dàn loa của các nhà dọc đường, là những lần không dán mắt vào màn hình điện thoại để bắt được dãy hồng diệp mai bung hoa vàng một góc mà khi có dịp ngó qua, tôi vẫn nhớ mình thường tặc lưỡi: “tết ở đây hoa nở nhiều thật”.

Tết ở quê, còn là những lần xe xóc qua những đoạn đường đất đầy ổ gà dài cả cây số để tới mộ bà nội, nằm sâu trong một khu vườn và phải đi tạm qua nhà người dân sống cạnh đó. Mộ ông nội thì mất hút sau đám lá sắn cao quá đầu.

Vì ông bà nội nằm đó từ lâu, nên không có dịp nào con cháu được khoanh tay chúc tết như những gì tôi thấy người ta thường đăng trên mạng. Tết với nội của tôi, mãi hoài là những lần ôm hương đi vào từ xa, rồi gọi với thật to đến phần mộ phía trước, rằng “Hello nội, con mới về đây nội!”. Tôi chưa từng được nội ôm và ôm nội, nhưng mỗi lần nhìn ba quen thuộc rẽ từng lớp lá um tùm để tới với ba mẹ của mình, tôi và ba đều mặc định, ông bà chưa hề là những mộ phần im lìm và lạnh lẽo.

Tết của những năm không ở nhà, lại không còn có nội, nên không có chút gói gém và chắt chiu được cất gọn trong mấy lớp áo quần, kẹp lại bằng cái ghim băng hoen gỉ và còn phảng chút mùi dầu gió nồng cay, nhưng cũng đầy đủ thịt, cá mà gia đình cô ở quê thay ông bà lúc nào cũng sẵn sàng ra tận chuồng bắt mần thịt để thết đãi mấy đứa từ xa trở về. Những bữa ăn như vậy, tuy không quá khó tìm, nhưng về quê nên muốn gì được chiều nấy, thành ra ăn gì cũng thấy ngon và thương.

Dù vậy, cũng không ít lần, tôi nhớ ba hay “order” từ cô của tôi món ruột cá mắm với cơm, hay cá hố ướp muối rồi kho khô như nhớ về những ngày xa bé cơ khổ. Có thể hôm đó chỉ đơn giản vì ba ngán thịt cá quá thôi chẳng hạn, nhưng đôi lúc, ở một vài phút giây, trong một vài câu chuyện mà ba và gia đình cô rôm rả bàn luận, tôi vẫn chợt thấy suy nghĩ về sự mường tượng của những ngày trước đang dần về. Tôi ngại không hỏi, nên không chắc những món ăn như vậy xuất hiện ở thời điểm nào, đoạn đó, có còn ông bà nội hay không nữa...

Mẹ tôi cũng chưa từng được gặp nội, nên tôi không chắc mẹ nhớ ông bà theo cách nào, có thầm cảm ơn vì ông bà gửi đến cho mẹ người đàn ông tuy cục tính, nhưng cũng nhường nhịn thế kia không, nhưng mỗi lần tết, à mà cũng không phải chỉ là tết, tôi thấy mẹ vẫn sắp gọn trong ngăn tủ một số món mặn ba thích như thịt muối, cá kho, chút rau và thịt gà cũng để kho mặn. Mỗi năm, mẹ vẫn là người nhắc nhở hai chị em sắp xếp về quê, hoặc sắp xếp ở nhà với ngoại để mẹ về quê với ba. Hai chị em tôi tuy còn chút vụng, nhưng được cái cũng hiểu chuyện nhiều, thành ra sẽ tự biết để thu xếp với nhau, hoặc không, sẽ cùng ba, mẹ và bà ngoại đi thăm ông ngoại nằm đã lâu trên ngọn đồi thấp thoải, rồi cùng nhau ngồi lại ăn bữa ăn hao cơm với thịt kho mặn để biết về những ngày còn khổ cùng ba…

Ngày đó, chắc chắn chưa có mẹ và chúng tôi ở cùng nhà, nhưng có nội, nên giờ, mẹ, tôi và em thay nội cùng ba đón tết “đoàn viên”.

Bài: Hạ An

Ảnh: Mai Tuyết

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top