ClockThứ Hai, 16/09/2019 05:45

Dòng sữa yêu thương - Kỳ 1:Trái tim người mẹ

TTH - Hàng trăm bà mẹ đã hỗ trợ sữa mẹ trữ đông giúp một bệnh nhi ung thư ngoại tỉnh điều trị hơn hai năm trời cho đến lúc bé qua đời. Mạng lưới kết nối các mẹ còn giúp các trường hợp mồ côi, bị bỏ rơi, hoàn cảnh neo đơn bằng nhiều việc làm ý nghĩa…

Chương trình “Thắp sáng yêu thương” trao 230 suất quà cho các bệnh nhi

Tư vấn hút và trữ sữa đông cho bà mẹ hiến tặng sữa

“Hơn hai năm ấy, bao ân tình thật không thể kể hết. Ngoài sẻ chia những dòng sữa mát lành, các mẹ còn tiếp thêm cho em nghị lực và niềm tin để vượt qua những lúc khó khăn, tuyệt vọng”, chị Nguyễn Trang, người mẹ Quảng Trị có con gái bị ung thư máu nghẹn lời khi nghĩ lại chặng đường bên con với bao đắng cay, ngọt ngào.

Lại gần với nhau, chia bớt cơn đau

Theo lời kêu gọi cần sữa mẹ của chị Nguyễn Trang (Quảng Trị) khi đưa con gái là Lê Phước An Nguyên (SN 2013) từ Viện Huyết học Hà Nội vào Huế điều trị, chị Hồ Hương, một giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường CĐ Sư phạm cùng bạn thành lập fanpage facebook Hội Hiến tặng sữa mẹ tại Huế (HHTSMTH) đầu năm 2016.

Chị Hương chia sẻ: “Nuôi đứa con gái thứ hai mình còn thừa sữa mẹ để trữ đông nên đọc lời kêu gọi của chị Trang, thăm dò bạn bè… mình lên facebook thành lập hội”. Xét nghiệm y khoa đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe, chị Hồ Hương hiến tặng sữa cho cô bé bị ung thư máu nói trên. Sau khi nhiều bà mẹ chung tay, các “admin” (quản trị trang) cung cấp kiến thức hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, các tiêu chí kiểm tra sức khỏe, cách hút trữ sữa... Sau đó, một mạnh thường quân hỗ trợ cabin trữ sữa chuyên dụng, túi trữ sữa để các mẹ mang sữa hiến tặng đến gửi hoặc ký gửi, tránh nhiễm khuẩn chéo thực phẩm…

Chị Trang, mẹ An Nguyên bồi hồi: “Bé đã xạ trị từ Hà Nội nên rất yếu. Theo lời khuyên các bác sĩ, mình xin sữa mẹ giúp con tăng kháng thể. Mỗi đợt xạ trị, con lả người, chỉ uống sữa các mẹ mang tới. Điều lạ là sau khi uống sữa mẹ và điều trị, các xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư không phát triển, thế nên gia đình cần nguồn dinh dưỡng quý báu đó cho con duy trì sự sống”.

Lý giải ý nghĩa của việc nuôi con bằng sữa mẹ, TS, BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, Giảng viên bộ môn Nhi, Trường ĐH Y dược Huế, cho hay: “Đối với trẻ mắc bệnh bạch cầu cấp, ung thư máu, bú sữa mẹ tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ, bởi trong sữa mẹ có những kháng thể, protein đặc hiệu giúp phòng ngừa bệnh lý đường tiêu hóa. Sữa mẹ còn có protein dễ hấp thu hơn sữa công thức, giúp bé tăng sức đề kháng tốt hơn khi bị bệnh”.

Mẹ Yến Đường cùng bé An Nguyên (bên trái) tại sinh nhật bé năm 2017

Thời gian An Nguyên vào Khoa Nhi BV Trung ương Huế điều trị, mỗi ngày bé cần 2 túi sữa mẹ, tương đương 350ml- 480ml sữa trữ đông. “Vất vả nhất là việc đưa sữa hàng ngày vì hầu hết các bà mẹ sinh con đều ở cữ. Những ngày đầu, các “admin” thay phiên nhau, sau đó là huy động chồng, anh chị em, ba mẹ họ hàng chung tay. Kẹt lắm thì lên diễn đàn thông báo. Gần nhà mình có bác xe ôm tên Miên, mỗi lần gọi nhờ chuyển sữa, bác đều giúp nhiệt tình”, chị Hoài Anh, quản trị viên kể.

Vậy mà đôi khi, sữa vẫn phải đi “đường vòng”. Lần theo một topic ngày 25/3/2017 trên diễn đàn của Hội, mới hay hôm ấy, một mẹ gửi sữa theo xe bác lãnh đạo huyện lên Huế dự hội nghị. Sau đó, tài xế riêng của bác ấy giao sữa cho một mẹ khác. Sữa từ mẹ này theo chân một tình nguyện viên nhóm Blue Xanh đến bệnh viện với bé”. Ngày mưa gió hay lúc bệnh trở nặng, chị Trang không thể rời con, sữa được gửi nhờ dì bán hàng hay bệnh nhân cùng phòng mang lên. Khi bệnh tình đỡ hơn, bé về nhà, sữa được đóng trong thùng xốp kèm túi đá khô (tránh sữa bị rã đông) gửi theo xe ra Quảng Trị…

Kỳ công nhất vẫn là hành trình đến nhà các mẹ lấy sữa hiến tặng. Từ Quảng Trị, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy… có những mẹ với vai trò kết nối phải đi từ 5h sáng hay 20-21h đêm tìm nhà, đổi túi trữ, đem túi đá khô, phích bảo quản. Việc lạc đường, nhầm nhà, chó rượt hay ngã xe là chuyện thường tình. Có khi sữa theo chân công nhân lên xe buýt, nối chặng, qua tay nhiều người mới về được “cabin” chung của hội.

Tình hình sức khỏe An Nguyên được cập nhật thường xuyên trên diễn đàn và nhận được nhiều lời “comment” (bình luận) động viên chia sẻ. Chị Trang bảo rằng, sự quan tâm ấy giúp mẹ con chị vơi bớt cơn đau và có thêm nghị lực chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Sinh nhật An Nguyên vào tối 14/11/2017, đúng hôm áp thấp mưa lớn nhưng các mẹ mỗi người một việc. Mẹ Cự Giải tự tay vào bếp làm bánh theo công thức riêng dành cho bệnh nhi; mẹ Yến Đường nấu sữa hạt và lo trang trí; mẹ Tiểu Phụng, Bảo Khánh, Thanh Sương gửi quà vào cho An Nguyên...

Cô bé tội nghiệp sau xạ trị tóc lơ thơ, phải thổi nến mấy lần mới tắt nhưng hôm ấy em rất hạnh phúc vì nhận được nhiều quà và có nhiều bệnh nhi cùng khoa đến chung vui. Những đứa trẻ đầu không còn tóc, tay vẫn dán băng dính kim lấy ven hay đẩy cả cây truyền dịch đến hát “Happy Birthday”, cùng ăn bánh, khui quà và cười rạng rỡ. Mẹ Yến Đường, thành viên của Hội nhìn cảnh ấy không cầm được nước mắt, chị bảo các mẹ luôn cố gắng hỗ trợ, mong Nguyên và các bé bớt đi cảm giác đau đớn phần nào.

Góp gom “giọt vàng”

Hơn 2 năm đồng hành cùng những đợt hóa trị tích cực cho Lê Phước An Nguyên từ giữa 2016 đến đầu 2018, hàng trăm thành viên của “fanpage” này chắt chiu những “giọt vàng” quý giá vừa nuôi con vừa hiến tặng cho bé lại vừa hỗ trợ động viên gia đình bé về vật chất lẫn tinh thần. Nully Nguyễn là người ở gần bệnh viện nên thường xuyên được quản trị viên liên hệ xin sữa tươi mới hút lẫn sữa trữ đông khi An Nguyên cần gấp. Mẹ Nully Nguyễn kể: “Khi biết sữa mẹ có thể giúp bé trong quá trình điều trị, mình xây dựng lại chế độ ăn uống và cứ ba tiếng lại hút sữa một lần. Có những đêm khuya vẫn hẹn đồng hồ lục đục dậy tiệt trùng máy hút theo quy trình. Mình chịu khó một chút nhưng con (các mẹ trong hội thường xưng tên mẹ và con) có thêm nguồn dinh dưỡng trong quá trình điều trị, lúc đó mệt mỏi như tan biến chị ơi”!

Chị Hoài Anh bảo quản sữa mẹ trữ đông tại "cabin" chung của HHTSMTH. Ảnh: L.TUỆ

Các mẹ Cự Giải, Tròn Vo, Tiểu Phụng, Mabu Lê, Hạnh Nguyễn, Phan Thảo, Nguyễn Loan, Quỳnh Hương… là những người tích cực hỗ trợ sữa cho An Nguyên. Một thành viên trong nhóm quản trị cho tôi xem bức ảnh trong đó có 2 túi sữa được dán biểu tượng mặt cười kèm những dòng chữ thông tin: đó là sữa của một mẹ sau đi xét nghiệm máu và sàng lọc Viêm gan B đã tự tin chụp kết quả xét nghiệm gửi admin, xin được tham gia tặng sữa cho An Nguyên. “Tấm lòng người mẹ thật vĩ đại phải không chị. Em không ngờ mạng xã hội tuy là ảo nhưng những câu chuyện tình người mà các mẹ dệt nên hoàn toàn có thật và lay động nhiều người”, “admin” này xúc động.

Đặc biệt nhất là “ông ngoại sữa” Nguyên Hội, năm nay 70 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của HHTSMTH. Ba người con gái của ông đều chia sẻ những dòng sữa quý báu của mình cho An Nguyên. Ông từng xuống sân bay đón những thùng sữa mẹ trữ đông từ TP. Hồ Chí Minh mang đến cho bé. “Ông ngoại sữa” giàu lòng hảo tâm này chia sẻ: “Ông luôn nhắc mấy đứa con ăn uống nghỉ ngơi điều độ, tinh thần thoải mái, có nhiều sữa nuôi con. Ông cũng lên mạng tìm hiểu, cập nhật kiến thức vừa giúp mình chăm cháu ngoại tốt vừa hỗ trợ cho bé Nguyên! Thấy cảnh con bé thiệt không cầm lòng”!

Nhận thấy hoạt động ý nghĩa, các thành viên của hội dần tăng lên và mở rộng tương tác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, thậm chí là cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... có thành viên là người ngoại tỉnh, người nước ngoài và là những ông bố, ông ngoại, ông nội...

Tháng 3/2018, An Nguyên vĩnh viễn ra đi vì cơ thể suy kiệt sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Đọc thông báo của chị Hồ Hương trên diễn đàn, hàng trăm bà mẹ đã bày tỏ niềm tiếc thương cho cô con gái chung của hội. Cô bé "lính chì dũng cảm" Lê Phước An Nguyên đã mất, nhưng tấm gương chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của em đã đánh thức nhiều gia đình trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Số phận của cô bệnh nhi tội nghiệp tuy kết thúc nhưng lại mở ra những trang mới cho các bà mẹ trong hành trình hỗ trợ và kết nối…

Bài, ảnh: T.NINH – A.QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu

Ngày 28 đến 31/10, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng tổ chức Les Lampions (Cộng hòa Pháp) triển khai khóa đào tạo hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu cho bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng Nhi sơ sinh, Hồi sức tích cực sơ sinh, Sản sơ sinh, Gây mê sản tại các cơ sở y tế trong, ngoài tỉnh.

Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu
Đào tạo phẫu thuật bàn tay Việt - Úc

​Ngày 28/10, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế khai mạc lớp đào tạo phẫu thuật bàn tay Việt - Úc lần thứ 19 dành cho phẫu thuật viên; bác sĩ nội trú chuyên ngành Ngoại khoa; học viên sau đại học; bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng trong cả nước.

Đào tạo phẫu thuật bàn tay Việt - Úc
Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

TIN MỚI

Return to top