Ngôi nhà thứ 2 của Hữu Mẫn
Nguyễn Hữu Mẫn, chàng trai quê Phú Vang không may bị tai nạn từ lúc 15 tuổi. Vì chấn thương tủy sống, Mẫn không thể đi lại bình thường, chỉ dùng nạng di chuyển những quãng ngắn. Năm 2015, Hữu Mẫn học nghề mộc tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh.
Cuộc đời của Mẫn bước sang một trang mới. Mẫn chia sẻ: “Từ khi học nghề, em thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Không chỉ có thu nhập, ở đây em còn có các bạn mà với em, các bạn ấy đã trở thành người thân”. Với năng khiếu bẩm sinh và sự chăm chỉ, tích cực, Nguyễn Hữu Mẫn đã thành thạo với nghề mộc. Trung bình mỗi tháng, chàng trai 9X thu nhập trên dưới 2 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn, nhưng cũng không nhỏ đối với chàng trai khuyết tật này.
Nghề mộc là một trong bảy nghề được mở lớp, đào tạo tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật. Ngoài mộc mỹ nghệ chạm trổ, trung tâm thường xuyên tổ chức chiêu sinh các khóa may công nghiệp; thêu truyền thống; điện dân dụng; sửa chữa xe máy; cắt tóc trang điểm và lớp hướng nghiệp dạy nghề. Đây đều là các nhóm lớp được tài trợ bởi chương trình dạy nghề nông thôn, dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số 244 học viên theo học (năm 2020).
Đại diện Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật cho biết, sau khi đào tạo, hàng năm trung tâm đều tổ chức liên kết giới thiệu lao động vào làm việc tại Công ty May giày da, Công ty Thêu xuất khẩu Kinh Đô, xí nghiệp gỗ Hoài Ân… Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng trung tâm đã nỗ lực để duy trì nguồn hàng, giúp học viên và người lao động giữ nguồn thu. Ngoài số tiền lao động có được, các em sẽ được hỗ trợ chỗ ăn ở nội trú và học nghề miễn phí. Hiện tại, nhóm nghề may công nghiệp đang dẫn đầu với tổng số 114 học viên. Nghề mộc mỹ nghệ và thêu truyền thống trung bình có 40 học viên/môn.
Với Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù thuộc Hội Người mù tỉnh, 5 năm qua đây là nơi đã làm tốt công tác nuôi dạy trẻ em mù. Bắt đầu từ lớp xóa mù chữ Braille, các lớp tiền hòa nhập, phục hồi chức năng, hướng nghiệp đến tạo điều kiện cho các em học hòa nhập. 50 em học tại trung tâm, 5 em tốt nghiệp đại học, 1 em tốt nghiệp trung cấp nghề và 10 em tốt nghiệp THPT. Trong đó, có em Lê Hoàng Phương Thảo, học sinh Trường THCS Hùng Vương đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền. Đặc biệt năm nay, em Hồ Thị Kim Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế) đã vinh dự đạt giải dành cho học sinh khiếm thị cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49.
Không chỉ chăm lo công tác khuyến học, trẻ em mù đa tật cũng là nhóm đối tượng nhận được sự quan tâm kịp thời từ các cấp ngành. Gia đình ông Nguyễn Lợi (Quảng Điền) là ví dụ. Sinh hai người con thì một em không may bị mù đa tật. Bản thân ông Lợi cũng bị mù. Kinh tế hầu như chỉ trông chờ vào người vợ. Vì thế cuộc sống của họ rất chật vật, không đủ thời gian, tiền bạc để chăm sóc tốt cho con.
Đây là một trong nhiều hộ gia đình được Hội Người mù huyện Quảng Điền tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó, ông Lợi mạnh dạn phát triển chăn nuôi lợn nái, kinh tế gia đình từng bước ổn định. Ông Nguyễn Tín, Phó Chủ tịch HNM huyện Quảng Điền cho biết: “Hiện huyện hội đang quản lý 21 trẻ em mù đa tật. Chịu thiệt thòi bởi đa phần các em bị thiểu năng trí tuệ, khả năng vận động kém, không chỉ mất đi cơ hội học tập như bạn bè đồng trang lứa mà còn phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình. May mắn hiện 6/21 cháu được hỗ trợ bởi Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng TP. Hồ Chí Minh”.
Từ năm 2018 đến nay, 36 trẻ em mù đa tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được hưởng lợi từ chương trình này. Ngoài hỗ trợ tiền mặt trị giá 2,4 triệu đồng/năm, phụ huynh các em còn được tập huấn về chăm sóc và giáo dục trẻ em mù đa tật. Đây là chương trình có ý nghĩa, chung tay với nỗ lực của các cấp ngành để người khuyết tật hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, hòa nhập cùng cộng đồng.
Bài, ảnh: Mai Huế