ClockThứ Ba, 09/10/2018 14:00

Duyên dáng với áo dài công sở

TTH - Việc Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có thư ngỏ vận động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trường học trên địa bàn tỉnh mang áo dài truyền thống vào ngày thứ 2 hàng tuần đang nhận được sự hưởng ứng tích cực sau gần một tháng triển khai.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kêu gọi các trường hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài

công chức Trần Thị Tường Vi thuộc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh giao dịch với khách hàng vào thứ 2 đầu tuần

Đẹp hơn với tà áo dài

Vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, chị Thanh Hương, công tác tại Văn phòng UBND tỉnh cùng những đồng nghiệp nữ luôn mặc trang phục áo dài với một niềm tự hào về sự duyên dáng, đặc trưng của trang phục này.

Làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, chị Thanh Hương cùng chị em trong đơn vị cũng đã chọn áo dài làm trang phục công sở.

Theo các chị, khi mặc áo dài, ai cũng tự hào về truyền thống dân tộc, tự tin khi giao tiếp và thấy mình duyên dáng, nữ tính hơn. “Áo dài thể hiện mình là người Việt Nam, trang phục truyền thống của mình không lẫn vào trang phục của đất nước nào khác. Người phụ nữ khi khoác lên trang phục áo dài thì thật mềm mại, nết na. Tôi thực sự cảm thấy bộ áo dài rất thiêng liêng với mình”- chị Thanh Hương bày tỏ.

Nhịp sống hiện đại đòi hỏi phụ nữ công sở lựa chọn trang phục sao cho vừa đáp ứng cường độ làm việc cao, vừa đảm bảo thoải mái trong các sinh hoạt hàng ngày. Áo dài công sở cũng phù hợp với xu thế đó. Ở Văn phòng UBND tỉnh, mỗi phòng chức năng đã chọn cho mình một bộ áo dài đồng phục để mặc như một “thương hiệu” nhận diện riêng.

Chị Ngọc Bích, công tác tại Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh cho biết, hưởng ứng quy định của UBND tỉnh, chị em trong đơn vị đã tích cực tham gia và trở thành thói quen mặc áo dài đến công sở vào ngày thứ hai hằng tuần. Chị Ngọc Bích chia sẻ: “Chiếc áo dài rất đẹp và khi mặc vào tạo cho tôi cảm giác ngày đó đi làm tự tin hơn, vui vẻ hơn. Đi làm hằng ngày thì nên chọn áo dài làm sao cho phù hợp. Tà áo không nên quá rộng và quá dài để cho việc đi lại thuận lợi”.

Dạo quanh các công sở ở TP. Huế hay về các trung tâm tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, cấp huyện, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những phụ nữ với trang phục áo dài. Ở đó, áo dài vẫn giữ nét duyên truyền thống nhưng trẻ trung, năng động hơn. Phụ nữ công sở mặc áo dài đi làm hàng ngày vẫn cảm thấy hiện đại, thoải mái.

Không chỉ có áo dài công sở

Từ lâu, áo dài đã trở thành biểu tượng trang phục của phụ nữ Huế, tạo nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Cố đô nói chung, của cộng đồng nữ giáo viên và nữ học sinh, sinh viên nói riêng. Không đợi khi có thư ngỏ của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành giáo dục đã thực hiện việc mặc áo dài đến trường cho giáo viên, học sinh từ lâu. Nhiều trường học đã tổ chức cho giáo viên mặc trang phục áo dài khi lên lớp giảng dạy. Tại một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THPT cũng đã tổ chức cho nữ học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài khi đi học từ một đến hai ngày trong tuần.

Nữ sinh Trường THPT chuyên Quốc Học thướt tha trong tà áo dài. Ảnh: Hoàng Hải

Chị Nguyễn Thị Hoài Thương, phường Trường An, TP. Huế chia sẻ: “Tôi là giáo viên nên ngày thứ 2 và thứ 6 hằng tuần đều mặc áo dài, đó là quy định của nhà trường. Với trang phục áo dài, đa phần phụ nữ đều rất yêu thích. Áo dài tôn lên nét đẹp của người phụ nữ, thể hiện sự tôn trọng của người mặc đối với công việc mình đang làm, tô điểm thêm màu sắc cho không gian công sở thêm sinh động”. Cô Tuyết Anh ở Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: “Giáo viên mặc áo dài đứng lớp đã thành nếp quen. Đứng trên bục giảng trong tà áo dài cảm thấy rất tự hào và tự tin. Bất cứ sự kiện nào, việc mặc trang phục áo dài đều phù hợp”.

Thầy Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, với bề dày truyền thống của ngôi trường Đồng Khánh- Hai Bà Trưng, từ rất lâu đội ngũ giáo viên nhà trường đã ý thức việc mặc áo dài đến trường, đứng lớp trong cả tuần là một trọng trách; nữ sinh mang trang phục áo dài trắng vào các ngày thứ hai, thứ ba trong tuần. “Nhà trường đang nghiên cứu để nâng số buổi học sinh mặc áo dài đến trường trong tuần, có thể 3 hoặc 4 buổi nhằm đưa phong trào mặc trang phục áo dài truyền thống khi lên lớp giảng dạy, khi đi học được lan tỏa trong trường học, trở thành một nét đẹp văn hóa, một điểm nhấn riêng có ở ngôi trường Đồng Khánh xưa”- thầy Ngô Đức Thức cho biết. 

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hoàng Ngọc Khanh cho biết, việc khuyến khích mặc áo dài truyền thống trong ngày thứ 2 đầu tuần đối với nữ CBCCVC lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị, tạo ra làn gió mới trong văn hóa công sở. Từ cán bộ công chức cấp xã, cấp huyện, đến công sở cấp tỉnh đều hưởng ứng tích cực.

 “Chúng tôi mong muốn nhận được sự hưởng ứng hơn nữa từ cộng đồng doanh nghiệp, trường đại học… Qua đó, tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ Cố đô và tạo một nét đẹp trong văn hóa công sở, văn hóa học đường, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phục vụ và thân thiện”- ông Hoàng Ngọc Khanh khẳng định.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Người "truyền lửa" cho phong trào phụ nữ

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong 30 cán bộ hội xuất sắc, được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Người truyền lửa cho phong trào phụ nữ
Những sắc hoa hồn hậu

Mong mỗi nụ cười đều rạng rỡ, mỗi bước chân đều cứng trên đá mềm và mỗi mẹ, mỗi chị đều là sự ấm áp, là niềm tự hào của cuộc sống này.

Những sắc hoa hồn hậu

TIN MỚI

Return to top