ClockThứ Tư, 24/05/2023 14:01

Gia đình 4 đời làm nghề gương tráng bạc và vẽ tranh gương

TTH - Bên cạnh tranh làng Sình được vẽ trên chất liệu giấy, tranh trên gương (kính) cũng là một trong dòng tranh dân gian nổi tiếng của Huế. Tuy xuất hiện khá muộn, khoảng cuối thể kỷ XIX đầu thể kỷ XX, nhưng tranh gương đã ghi dấu ấn trong đời sống nghệ thuật và tín ngưỡng của người Huế.
leftcenterrightdel
Cố họa công Nguyễn Văn Bân (1890 - 1956) 

Là dòng tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc, các họa công tranh gương đầu tiên của Huế chủ yếu là người sinh sống ở phố cổ Bao Vinh và Gia Hội, nơi in đậm dấu ấn văn hóa của người Hoa. Trong đó, có một gia đình khá đặc biệt với 4 đời gắn bó với nghề làm gương tráng bạc và vẽ tranh gương, góp phần quan trọng tạo cho tranh gương Huế một diện mạo riêng. Đó là gia đình của cố họa công Nguyễn Văn Bân.

Ông Nguyễn Văn Bân (1890 - 1956) sinh ra và lớn lên ở làng Phú Cát, có mẹ làm nghề buôn chuyến bằng ghe bầu giữa Hội An và Huế. Tại phố Hội, thân mẫu của ông đã quen biết và mời một thợ gương tráng bạc người Hoa ra Huế dạy nghề cho con trai của mình. Ban đầu, ông Bân chỉ được thầy truyền nghề tráng bạc bằng thủy ngân để làm những chiếc gương soi kích thước nhỏ. Về sau, ông học thêm các kỹ thuật tráng thủy bằng nitrat bạc và tráng bằng dung môi.

Nếu như “thầy Tàu” truyền nghề làm gương tráng bạc thì nghề vẽ tranh gương trong gia đình của ông Nguyễn Văn Bân lại xuất phát từ việc bà Hoàng Thị Trang, vợ của ông Bân, chính là em gái của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu - vợ của vua Khải Định. Mối quan hệ này giúp cho các thành viên trong gia đình của ông Bân có điều kiện ra vào cung thuận tiện. Từ chỗ tiếp xúc với các bức tranh gương ở trong cung, các thành viên trong gia đình ông Bân đã cùng nhau học hỏi, thử nghiệm vẽ tranh trên gương. Ban đầu, họ chỉ vẽ tranh trang trí và tranh chữ chúc tụng trên gương trong. Về sau, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng của người dân, họ vẽ thêm tranh gương thờ cúng với các mẫu thức lấy từ tranh làng Sình. Do sản xuất được tranh tráng bạc nên ngoài vẽ trên gương trong, gia đình ông Bân còn vẽ thêm tranh trên gương tráng bạc, hay đúng hơn là vẽ tranh trang trí cho gương soi.

Trong số những người con của ông Bân, người con trai thứ hai Nguyễn Văn Mừng (1919 - 1993) không ra ở riêng sau khi lập gia đình, nên ông kế thừa gần như tất cả tinh hoa nghề nghiệp của cha mình. Đặc biệt, ông may mắn có một hàng xóm là họa sĩ Tôn Thất Đào (1910 - 1979), người đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Từ phong cách hội họa tả thực của phương Tây được lĩnh hội từ trường lớp chính quy, họa sĩ Tôn Thất Đào đã chia sẻ, hướng dẫn lại cho người bạn hàng xóm của mình. Tuy nhiên, nếu như họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ tranh lụa, sơn mài, sơn dầu với nguyên tắc vẽ cảnh xa trước cảnh gần sau, thì họa công Nguyễn Văn Mừng lại thể hiện trên kính với quy trình ngược lại: cảnh cận vẽ trước, cảnh viễn vẽ sau. Điều này được thể hiện qua một số bức tranh phong cảnh (vẽ chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, cầu Trường Tiền…) của ông. Đây cũng có thể xem là bước phát triển mới của nghề tranh kính Việt Nam nói chung, tranh gương Huế nói riêng.

Kiến thức về làm gương tráng bạc và vẽ trên gương của anh em nhà Nguyễn Văn ở Phú Cát tiếp tục truyền đến thế hệ thứ ba, chủ yếu là các con của họa công Nguyễn Văn Mừng.

Người con cả Nguyễn Văn Cư (SN 1953) đã sớm theo nghề làm gương tráng bạc của cha. Sau thời điểm 1975, do không có gương để làm, nên nghề tạm thời chững lại. Chỉ từ những năm 1994 - 1995 mới có nguyên liệu, gương soi có vẽ tranh được người Huế ưa chuộng nên nghề gương tráng bạc của ông Cư và một số người trong gia đình có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ tráng nhôm chân không với giá thành rẻ đã khiến cho nghề gương tráng bạc không thể cạnh tranh.

Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Đồng (SN 1955) cũng theo nghề vẽ tranh gương từ bé. Bà cho biết: “Cứ mỗi lần cha vẽ tranh là tôi ngồi bên để xem. Thấy cha vẽ những cây, hoa quá đẹp nên bắt đầu thích, mê và tự lấy những tấm gương cha bỏ đi để tự làm theo. Từ 20 tuổi thì bắt đầu vẽ trên gương tráng bạc, sau đó tiếp nhận toàn bộ công việc của cha sau khi ông qua đời”. Cho đến nay, họa công Nguyễn Thị Đồng vẫn giữ kỹ thuật vẽ ngược và hoàn toàn thủ công theo truyền thống của gia đình.

Riêng người em út của bà Đồng, bà Nguyễn Thị Tâm cũng theo nghề và đã tiến hành cải tiến kỹ thuật vẽ thủ công bằng in kéo lụa. Đến nay bà Tâm cũng đã sang Mỹ định cư, để lại công nghệ cho người con (chị Hoàng Anh). Tuy nhiên, nghề in này cũng chỉ hoạt động một cách cầm chừng và mang tính phụ trợ.

Sự thăng trầm của nghề vẽ tranh của các họa công trong gia đình Nguyễn Văn làng Phú Cát cũng đồng thời phản ánh đời sống của một nghề thủ công và dòng tranh dân gian gắn với chất liệu kính. Mặc dù nghề vẽ tranh gương đã không còn hưng thịnh, nhưng cho đến nay, để ghi nhớ công ơn của người thầy đầu tiên, con cháu trong trong gia đình cố họa công Nguyễn Văn Bân vẫn giữ nếp xưa. Mỗi năm, họ đặt ban thờ ngoài trời cúng lễ vào ngày 5/5 Âm lịch và ngày 25 tháng Chạp với ý nghĩa tiễn thầy về quê (Trung Quốc) ăn Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán như thói quen của thầy lúc sinh thời. 

Bài, ảnh: NGUYÊN NINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Hong củi sưởi ấm quê

Tháng Mười, những cơn gió lành lạnh vi vút cửa sổ bên nhà, lớp bùn đất, cây cối ngổn ngang sau trận bão đang nằm chờ tay người dọn. Mẹ đứng ngồi không yên, ra vào liên tục. Chiếc nón lá ngấm nước bao ngày nay, đã đen và có dấu hiệu mốc. Mùi ẩm ướt bay khắp gian nhà vừa mới được chút nắng le lói chiếu qua. Cứ thế rồi tháng Mười đến, mang theo những mong manh ùa về nơi căn bếp ám mùi khói chiều. Dàn củi được mẹ sắp ngay ngắn, củi tươi, củi khô để tách riêng, củi lớn mẹ dùng để nấu bánh, chạy mối buổi sáng sớm.

Hong củi sưởi ấm quê
Làng trong nỗi nhớ

Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Làng trong nỗi nhớ
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Giải đáp deadline là gì giám sát an toàn là gìnghệ thuật trúc chỉ
Return to top