ClockChủ Nhật, 13/06/2021 07:15

Giải pháp sinh kế cho cư dân vùng bảo tồn thiên nhiên

TTH - Các hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư ở vùng lõi hay vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) sau khi được thành lập ít nhiều bị xáo trộn. Điển hình có những khu mới như Khu BTTN đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai, khu Trằm chim Ô Lâu.

Lợi ích kép về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậuBảo tồn thiên nhiên thúc đẩy môi trường và sinh kế bền vững

Tái thả cá tôm, phục hồi hệ sinh thái trên đầm phá Tam Giang (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Được chứ không mất

Trồng trọt làm nông và đánh bắt, nuôi cá trên phá Tam Giang là nghề chính và thu nhập chính của gia đình anh Văn Hải, ở thôn Lai Hà, xã Quảng Thái (Quảng Điền). Khi nghe thông tin thành lập khu bảo tồn sinh cảnh Trằm chim Ô Lâu, anh Hải và nhiều người dân trong thôn lo lắng vì sắp tới, một số diện tích trồng lúa phải trả lại cho Nhà nước và việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cũng bị hạn chế.

 Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, trên địa bàn xã có 170ha thuộc vùng lõi của đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim Ô Lâu. Trong đó, diện tích đất trồng lúa 60ha, còn lại là diện tích mặt nước đang được bà con đánh bắt thủy sản tự nhiên. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ trồng lúa của nhóm hộ khoảng 4 tỷ đồng. Đối với đánh bắt thủy sản, có khoảng 80 hộ hành nghề ở khu vực này với mức thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng/hộ, trung bình mỗi năm đạt doanh thu khoảng gần 5 tỷ đồng.

Người dân sẽ được lợi rất lớn về sinh kế lâu dài khi hệ sinh thái đầm phá được phục hồi

 Tuy nhiên, để tránh gây tác động đến sinh kế của người dân khi triển khai đề án, chính quyền địa phương đã có phương án chuyển đổi mô hình kinh tế mới, ngành nghề mới như: tổ chức nuôi cá lồng ở những phân vùng được phép, gây nuôi các loài cá đặc sản có giá trị cao theo hướng an toàn, hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, địa phương cũng cơ cấu lại cây trồng, hiện đại hoá ngành nông nghiệp bằng cách chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng sen, kết hợp du lịch sinh thái...

 Theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng nội dung bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và phục hồi sinh cảnh Trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền”, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 142,4ha thuộc địa phận xã Quảng Thái. Ngoài ra còn có phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 1.099,4ha tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền), Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải (Phong Điền) và phân khu hành chính dịch vụ có diện tích 28,4ha tại xã Quảng Thái. Như vậy, tổng diện tích quy hoạch phân khu bảo vệ vùng Trằm chim Ô Lâu có tổng diện tích 1.270,2ha.

Nương nhờ lẫn nhau

 Vùng đất ngập nước là ngôi nhà của rất nhiều loài sinh vật, là nguồn sống của rất nhiều người, nên Khu BTTN đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, trong đó bao trùm cả khu Trằm chim Ô Lâu được ví như động lực của sự sống, chúng cung cấp nguồn sống cho gần như 70% dân số toàn tỉnh.

 Đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển của địa phương, bao gồm cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, nhất là thủy sản, nông nghiệp, du lịch… Vùng đất này còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi nghỉ dưỡng, giải trí và đóng góp đáng kể trong sự phát triển của ngành du lịch.

Đây là nơi có khả năng dự trữ các bon (các vùng đất than bùn chứa đựng 30% lượng các bon ở mặt đất), điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai còn là “cái nôi” quan trọng của ĐDSH, giúp bảo vệ, giảm thiểu tác động của thiên tai.

 Tất cả các hệ sinh thái đa dạng của vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đang cung cấp môi trường sống cho các loài động thực vật, đồng thời cung cấp cho cộng đồng người dân một loạt các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu. Tuy nhiên, lối sống và cách tiêu dùng của con người đã gây ra những thiệt hại không thể lường trước được đối với những môi trường sống độc đáo này và các chức năng sống của hệ sinh thái đang ngày càng bị suy kiệt và có nguy cơ bị mất đi hoàn toàn. Vì thực tế, nhiều loài thủy sản có giá trị cao, nhiều loài cá đã bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng do trong suốt một thời gian dài, người dân lạm dụng các kỹ thuật khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện để đánh bắt thủy sản thiếu kiểm soát.

 Đối với đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim Ô Lâu, riêng xã Quảng Thái có khoảng 100 hộ thuộc vùng lõi và khoảng 230 hộ thuộc phân vùng phục hồi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua tuyên truyền kế hoạch, giải pháp phát triển sinh kế cho bà con trong vùng ảnh hưởng, người dân khá an tâm và hy vọng có một sự đổi thay tích cực. Họ nhận thức và thấy rõ được tính tương quan mật thiết, cùng sống nương nhờ lẫn nhau giữa con người với hệ sinh thái là chuỗi mắt xích quan trọng. Điển hình, việc cấm hoạt động sử dụng máy cào lươn, cào hến và rà cá bằng kích điện đã giúp nhiều người dân nhận thấy được tầm quan trọng và lợi ích đem lại cho sinh kế lâu dài.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

TIN MỚI

Return to top