Ông Quỳnh Nhất thôn A Chi - Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới vẫn giữ nghề đan truyền thống
Tại thôn Parit Kavin thuộc xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, chúng tôi được tiếp xúc với nghệ nhân A Viết Nhân. Ông cho hay: "Nghề đan lát được cha truyền lại cách đây hơn 50 năm nay. Đan là nghề truyền thống, vừa được nối truyền, nhưng phải sáng tạo, phải thực hiện qua nhiều công đoạn, cần phải có sự kiên trì và khéo léo, đó cũng là bí quyết riêng của mỗi người. Hiện nay trên địa bàn của huyện A Lưới, làm nghề đan hầu hết là những người có tuổi, lớp trẻ ít quan tâm. Hơn nữa, giá bán các sản phẩm lại rẻ nên nguy cơ thất truyền rất nhiều. Tôi tuổi đã cao, mỗi tháng đan được 3 hoặc 4 chiếc gùi, và các vật dụng khác, thu nhập khoảng 3 triệu đồng, tạm đủ chi tiêu trong gia đình”.
Nghệ nhân Quỳnh Nhất, thôn A Chi - Hương Sơn, xã A Roàng, tiếp chúng tôi khi trên tay ông vẫn đang tiếp tục hoàn thành những công đoạn cuối của một chiếc gùi cỡ lớn, để ngày mai kịp bàn giao cho khách. Nghệ nhân vừa trầm ngâm chia sẻ: “Bố biết nghề đan này từ khi còn nhỏ. Ngày đó nhiều người dân ở bản này biết đan lắm. Thời chiến tranh, những chiếc gùi này rất quý, dùng để tải lương thực, đạn dược cho chiến trường rất tiện lợi. Đến nay, đã hơn 60 năm làm nghề nên mọi vật dụng trong nhà đều tự đan lấy để dùng và bán kiếm tiền. Nhiều người chưa hiểu hết giá trị của nghề đan, vẫn cho là bây giờ đồ nhựa, đồ kim loại rất nhiều, lại rẻ, ngồi đan làm gì cho tốn công, tốn sức. Trân trọng nghề truyền thống của ông cha để lại là việc nên làm. Nghề đan lại tận dụng được những ngày công nhàn rỗi. Nhiều vật dụng mà các sản phẩm từ nhựa và sắt không thể thay thế được. Nghề đan còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, của bản làng mình sao mà bỏ đi được”.
Các sản phẩm từ nghề đan có thể được tiêu thụ theo đơn đặt hàng từ trước hoặc đem ra chợ bán, có người đến tận nhà để mua. Tùy theo kích thước, mỗi gùi có giá dao động từ 500 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Một số vật dụng khác, như: mâm cơm, nong, nia, tuýp đựng cơm… cũng có giá dao động từ 200-700 ngàn đồng.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin: Cùng với các làng nghề truyền thống khác, chính quyền các cấp và người dân huyện nhà đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ nghề đan. UBND huyện A Lưới chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của nghề đan tại các lễ hội truyền thống trên địa bàn, mở lớp học miễn phí trong các thôn, bản... Nhiều sản phẩm được giới thiệu tới các du khách, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm của vùng cao A Lưới không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây.
Bài, ảnh: Xuân Bính