Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra quá sá trong những ngày phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: T.H
Trong khi một số cửa hàng, quán cà phê, hàng ăn… vẫn mở cửa nhưng tuân theo quy định dưới 10 người, đảo bảm giãn cách thì có nhiều cửa hàng khác chủ động đóng cửa. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra quán sá. Trong khi đó, các shipper làm việc liên tục khi lượng đặt mua qua mạng tăng.
Tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh dã đưa ra quy định không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn. Hầu hết người dân vẫn thực hiện đúng theo quy định, hợp tác với cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch, để nhịp sống nhanh trở lại như thường.
“Nếu người ta không đeo khẩu trang, nhất quyết mình sẽ từ chối và không bán”, chị Nguyễn Thu Trang, chủ một quán cà phê trên đường Tố Hữu quả quyết. Chị Trang kể rằng, ngay khi tình hình dịch bệnh tái diễn, trên địa bàn tình phát hiện có ca bệnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đến khi tỉnh có quy định, không được tập trung quá 10 người, chị đã chủ động thu gọn bàn ghế, và chỉ để lại một vài bàn, cách xa nhau và tuyệt đối không bán cho người thứ 11 nếu họ vào quán. “Có nhiều khách quen tìm đến uống cà phê sáng lắm. Dù rất khó xử nhưng sau khi mình giải thích họ cũng thông cảm. Có người quay trở về, có người mua mang đi. Ngược lại có một vài người tỏ thái độ”, chị Trang kể.
Vẫn biết các hoạt động kinh doanh mùa dịch như thế này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lượng khách giảm nhưng các chi phí mặt bằng, nhân viên vẫn giữ nguyên. Vì vậy nhiều hàng quán ngoài phải vừa chấp hành đúng quy định, vừa linh động, xoay xở để tồn tại.
“Thuyền lớn gặp sóng lớn, thuyền nhỏ cũng khổ theo kiểu thuyền nhỏ. Thành thử, phải tính kỹ càng để vừa duy trì được cuộc sống, vừa trang trải các chi phí”, chị Nguyên, chủ một hàng ăn trên đường Trường Chinh tâm sự. Gần một tuần nay, chị quyết định không bán tại chỗ dù được phép dưới 10 khách, ngồi giãn cách. Thay vào đó, chị đẩy mạnh bán hàng qua các kênh, "app" ăn uống cũng như mạng xã hội.
Hàng quán vẫn vừa bán được, khách cũng có thể mua đi, nhưng đảm bảo an toàn cho mọi người trong những ngày dịch bệnh. “Tất nhiên, doanh thu sẽ giảm vì lượng sẽ sụt giảm nhưng mình vẫn cố gắng duy trì, để đảm bảo doanh thu, lo trang trải, cầm cự qua mùa dịch”, chị Nguyên nói và hy vọng với sự đồng lòng, chung tay của các hàng quán, dịch sẽ qua nhanh, việc buôn bán sẽ hồi phục.
Dạo qua các cửa tiệm, quán sá đều chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. Những ngày gần đây, lực lượng liên ngành các phường, xã đã ráo riết kiểm tra các hoạt động buôn bán, kinh doanh khắp các tuyến đường, ngõ xóm. Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng này còn xử phạt và có hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không đảm bảo an toàn các nguyên tắc chống dịch.
Shipper lại tất bật
Trong những ngày hạn chế tụ tập đông người, các dịch vụ mua sắm, giao đồ ăn online “lên ngôi”.
Dịch bệnh, người dân hạn chế ra ngoài, chọn đặt hàng qua các app và được các shipper giao tận nơi
Ghi nhận ở nhiều cửa hàng, quán ăn thay vì đông nghịt người như trước kia, nay chủ yếu xuất hiện những shipper đến lấy hàng theo đơn đặt của người dân qua mạng.
Các shipper vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc chống dịch, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi chờ nhận hàng.
Anh Nguyễn Văn Lân, một shipper chuyên giao nhận hàng trên địa bàn TP. Huế kể rằng, một tuần trở lại đây đơn hàng của anh có ngày tăng gấp đôi, nhờ thế thu nhập cũng tăng.
“Vì ngại ra ngoài nên hầu hết khách hàng chủ yếu đặt các mặt hàng ăn, cà phê, nước giải khát, trà sữa… là chính”, anh Lân nói.
|
Bài, ảnh: Nhật Minh