ClockThứ Ba, 20/03/2018 06:00

Hạnh phúc là “Yêu thương và chia sẻ”

TTH - Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) năm nay tiếp tục thông điệp “Yêu thương và chia sẻ”, kêu gọi mọi người sống thân ái, hòa bình, cùng tạo dựng thế giới hạnh phúc. Và mỗi người đều có những cách làm, hành động để đón nhận, san sẻ và nhân lên niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

San sẻ yêu thương.Sẻ chia cùng cộng đồngCho tình thương, nhận lại sự sẻ chia

Những nụ cười rạng rỡ của nhóm thiện nguyện khi đi phát cơm cho người nghèo

Chia sẻ yêu thương

Ông Nguyễn Thanh Sang (52 tuổi, ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) có gia cảnh nghèo khó phải lên thành phố nhặt rác kiếm sống. Tối đến, những mái hiên nhà, cây xăng, chợ... là nơi ông trú chân. Không may chân ông bị nhiễm trùng phải điều trị gấp nhưng không có tiền. Sau khi được nhóm thiện nguyện của anh Bùi Khánh Nam (TP. Huế) đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị, hình ảnh kham khổ của ông Sang nhanh chóng được anh Nam chia sẻ trên facebook để kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người.

Hình ảnh những hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ như ông Sang, những chuyến thiện nguyện san sẻ yêu thương luôn tràn ngập trên facebook của anh Bùi Khánh Nam và chị Bùi Kim Phụng (TP. Huế). Từ những bệnh nhi ung thư, những bệnh nhân nghèo phải điều trị hàng tháng trời ở bệnh viện, đến những người nghèo, người neo đơn nằm xuống không có tiền lo hậu sự... được anh Nam và chị Phụng đứng ra kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Với sự chung tay của nhiều người khác, họ mở quán cơm chay từ thiện ở đường Hồ Đắc Di, lo từng bữa ăn cho bệnh nhi ung thư, phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nuôi bệnh, lo gạo hàng tháng cho những hộ nghèo quanh thành phố... Chiều 18/3, 500 suất cháo, sữa được nhóm thiện nguyện này phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế. Chị Kim Phụng chia sẻ: “Mỗi lần tặng cơm là mỗi lần nhói lòng. Cơm có giới hạn, bệnh nhân thì nhiều nên vẫn không đủ với bệnh nhân nghèo. Thương lắm nhưng không biết làm sao”.

Với sự tham gia tự nguyện của nhiều cá nhân có cùng tình cảm đặc biệt với người nghèo, nhóm thiện nguyện ấy trở  thành địa chỉ quen thuộc của những hoàn cảnh éo le tìm đến khi lâm vào cảnh khốn cùng. Mỗi người làm một nghề, họ đến với nhau vì chữ thiện, chia sẻ giúp đỡ nhau trong công việc thiện nguyện, làm cầu nối kết nối những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo. Anh Nam tâm sự: “Cuộc sống của mình tương đối ổn nhưng nhìn quanh bao nhiêu hoàn cảnh ngặt nghèo cần sự giúp đỡ. Việc chúng tôi làm xuất phát từ lòng yêu thương, chỉ mong nhận lại được nụ cười của người nghèo khó, san sẻ phần nào khó khăn của họ”.

Là người lính đi qua chiến tranh, ông Cao Việt Đức (quê ở Yên Thế, Bắc Giang) luôn đau đáu về số phận của những đồng đội còn nằm lại ở chiến trường. 20 năm nay, ông Đức dành nhiều tâm sức đi tìm mộ liệt sĩ, trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước. Ít khi ở nhà, những chiến trường năm xưa, những nghĩa trang liệt sĩ ở A Lưới, Phong Điền và nhiều địa phương khác trên khắp cả nước là nơi ông hướng về.

Ông Đức trải lòng: “Không còn nhiều thời gian, bước chân tôi gần như hỏa tốc đi khắp rừng khắp núi. Đồng đội đã nằm xuống, tôi chỉ còn cách san sẻ, thể hiện tình yêu thương là tìm họ về với người thân, trả lại tên cho họ. Nỗi nhớ về những đồng đội còn nằm lại bên cánh rừng Trường Sơn đại ngàn luôn thôi thúc tôi lên đường, vượt mọi đèo cao, suối sâu, vực thẳm. Đó là những hành trình yêu thương bằng máu và nước mắt. Đó là sự sẻ chia từ trái tim người lính”.

Chạm đến hạnh phúc

Từ năm 2012, Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 hàng năm là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya. Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay có chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.

Với không ít người, hạnh phúc không phải là cuộc sống đủ đầy, giàu sang mà là biết hài lòng với những gì mình đang có.

Chị Nguyễn Thị Trúc, một tiểu thương ở TP. Huế chia sẻ: “Dù bận rộn kinh doanh, công việc vất vả nhưng vợ chồng chị luôn dành thời gian chăm sóc con cái, tạo không khí ngập tràn yêu thương trong gia đình. Gia đình đầm ấm, các con khỏe mạnh, chăm ngoan, với chị thế là đủ”.

Với người lớn tuổi như bà Hoàng Thị Thương (thị xã Hương Thủy), hạnh phúc đơn giản là được nhìn thấy con cháu vui cười mỗi ngày. Bà bảo: “Hàng ngày lo cơm nước cho con, chăm hai cháu nhỏ vừa tất tả, vừa cực, ai cũng nói sao bà này giỏi thế, khỏe thế. Thế nhưng lúc nào tôi cũng thấy vui khi trong nhà luôn rộn vang tiếng cười”.

Với anh Bùi Khánh Nam, hạnh phúc không thể thiếu sự yêu thương và chia sẻ, không chỉ trong phạm trù của gia đình, tình bạn, tình anh em mà dành cho cả những người có số phận không may mắn. Thế nên, anh luôn đau đáu phải làm được điều gì đó, dù là nhỏ bé nhưng có thể tiếp thêm động lực, niềm tin để những người bất hạnh vươn lên trong cuộc sống: “Làm như thế tôi mới thấy thỏa mãn cái tâm khi xung quanh mình vẫn còn những người nghèo khó hơn”.

Trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, khái niệm hạnh phúc nghe có vẻ trừu tượng nhưng luôn hiện hữu trong cuộc sống, không quá lớn lao, xa vời mà đôi khi thật giản dị, gần gũi. Một ánh mắt cảm thông khi ta gặp khó khăn, một lời yêu thương khi ta đang buồn, một câu nói cảm ơn khi ai đó nhận ở ta sự giúp đỡ..., tất cả đều có khả năng đem lại những cảm xúc, rung động và niềm vui sống. Đó chính là hạnh phúc!

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thấu cảm để “chạm” trái tim con

“Buổi chia sẻ giao tiếp thấu cảm đã “chạm” đến trái tim mình với vai trò là một người mẹ, một người con” là cảm nhận của những người làm cha làm mẹ khi tham gia workshop “Giao tiếp thấu cảm - Công cụ kết nối với con cái” do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức, với nhiều thông điệp ý nghĩa và truyền cảm hứng của diễn giả Minh Bon, Giám đốc Hệ thống giáo dục Sao Mai.

Thấu cảm để “chạm” trái tim con
Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
75 năm ấy biết bao nhiêu tình

Sau 75 năm, tinh thần sẻ chia giữa hai đất nước Việt Nam - Lào “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, giúp bạn là tự giúp mình” vẫn được Ban Liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam - Lào tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục trao truyền, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang và những thành quả mà các thế hệ cha anh đã đạt được.

75 năm ấy biết bao nhiêu tình
Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

Ngày 18/10, tại Trường mầm non I, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc – Lấy trẻ làm trung tâm”.

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc
Kết nối và sẻ chia

“Chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đoàn viên và người lao động". Bà Hồ Thị Đoan Trang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế cho biết.

Kết nối và sẻ chia

TIN MỚI

Return to top